Việt Nam gia nhập AEC: Sức ép mới của Doanh nghiệp

30/08/2014 11:57 AM | Kinh doanh

khi hàng rào thuế quan tiệm cận mức 0% thì vấn đề quy tắc xuất xứ hàng hóa lại nổi lên như là một “rào cản” mới cho DN.

Khi VN gia nhập AEC vào cuối năm 2015, đồng nghĩa với việc sẽ tạo cho DN nhiều cơ hội kinh doanh mới, tham gia các chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu cũng như thu hút đầu tư nguồn vốn FDI... Tuy nhiên, bên cạnh đó là những “sức ép” mới buộc DN phải thích nghi và tận dụng triệt để các lợi thế.


Theo Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh, từ nay đến năm 2015 và những năm sau 2015, cộng đồng ASEAN còn nhiều việc phải làm, nhất là việc loại bỏ hàng rào thuế quan, thúc đẩy đầu tư để trở thành khu vực đầu tư hấp dẫn, phát triển nền kinh tế chung, làm giảm khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia trong khu vực.

Hòa trộn 10 nền kinh tế

Từ sau 31/12/2015, hầu hết các mặt hàng nhập khẩu trong nội khối ASEAN sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan 0% thông qua các FTA+1 giữa ASEAN với các đối tác. Các mặt hàng XK của VN cũng được hưởng ưu đãi thuế quan 0% khi XK sang các thị trường: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Môi trường đầu tư thuận lợi sẽ đẩy mạnh dòng FDI từ các đối tác vào ASEAN trong đó có VN.

Tuy nhiên, không hẳn câu chuyện gia nhập AEC sẽ chỉ toàn màu hồng mà thực tế rất nhiều thách thức đang chờ đợi các DNVN. Cụ thể, khi hàng rào thuế quan tiệm cận mức 0% thì vấn đề quy tắc xuất xứ hàng hóa lại nổi lên như là một “rào cản” mới cho DN. Theo quy định, để được hưởng ưu đãi, bắt buộc hàng hóa các nước ASEAN phải chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng từ các nước này. Trong khi đó, theo tính toán hiện có đến 40% sản phẩm của các DNNVV không đáp ứng được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi. Trong khi đó, trong một số trường hợp quy tắc xuất xứ thậm chí trở thành một biện pháp kĩ thuật thay cho hàng rào thuế quan.

Hơn nữa, khi thuế suất dỡ bỏ, thị trường sẽ cạnh tranh quyết liệt hơn, khi đó thị trường ASEAN sẽ là “người một nhà”, không chỉ hàng hóa XK đi mà hàng hóa trong nước sẽ khó cạnh tranh với các sản phẩm của các nước tràn vào. Ngay như vấn đề điện, nước, xăng dầu, phí vận chuyển…đặc biệt, khâu vận chuyển DNVN hoàn toàn phụ thuộc vào DN vận tải nước ngoài, chi phí vận chuyển quá tốn kém khi 1 lô hàng nhập khẩu phải “cõng” tới 7 loại phí còn 1 lô hàng XK phải trả tới 10 loại phí… sẽ khiến giá thành sản phẩm trội lên.

Vì vậy, nhiều DN lo ngại trước đây, lợi thế cạnh tranh của DNVN vốn đã thua kém các DN trong khu vực, thì nay khi thuế quan bị dỡ bỏ sẽ khiến DN khó trụ vững. Đây được xem là những “sức ép” rất lớn đối buộc DN phải có lộ trình thích nghi, thay đổi phù hợp.  

Nhiều việc cần hoàn thiện  

Theo các chuyên gia, ở cấp độ DN, thách thức lớn nhất là khả năng nắm bắt cơ hội kinh doanh và đầu tư của cộng đồng DN ASEAN với các thế mạnh về thị trường, vốn, công nghệ. 

Điều này có nghĩa, khi tham gia vào AEC cũng đồng nghĩa các DN VN phải nâng mình nên một tầm cao mới, phải nâng cao năng lực cạnh tranh, chuyển giao công nghệ và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.  Trong khi đó, theo TS Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, điểm yếu của VN khi gia nhập AEC nằm ở chính hệ thống DN, DN VN không chỉ lạc hậu về công nghệ, năng suất thấp, sức cạnh tranh kém, lao động trình độ thấp, quản trị kém,… mà còn ở chỗ, nhiều DNNVV đã nghe nói nhiều về AEC nhưng cụ thể như thế nào thì chưa biết rõ, chỉ thấy cờ thì “phất lung tung”. Hơn nữa, VN đang rất “yếu” về thể chế kinh tế, nhiều điểm nghẽn thể chế đã và đang cản trở sự vận động của các quy luật kinh tế thị trường.

“Trong khi chúng ta đang cần thay đổi hơn bao giờ hết, thì quá trình cải cách kinh tế diễn ra còn ì ạch”, TS Võ Trí Thành nói.

Để lấp đầy những “khoảng trống” này, các chuyên gia cho rằng DN sẽ khó có thể “tự thân vận động” nếu không có các chính sách “bà đỡ” của Nhà nước. TS Ponciano S. Intal Jr., Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) cho rằng, VN nên có các chính sách khuyến khích các DN trong nước đầu tư mạnh cho nghiên cứu phát triển hơn, bởi điều đó sẽ mang lại chuyển giao công nghệ tốt hơn từ đó cạnh tranh cao hơn.

Các DNVN nên mở rộng thị trường XK ra ngoài khối ASEAN và tận dụng nhiều hơn những hiệp định ASEAN+ để tăng cường cộng gộp xuất xứ ASEAN từ việc tận dụng chuỗi cung ứng nguyên vật liệu trong nội khối.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục XNK Bộ Công Thương cho rằng, DN VN muốn tận dụng hiệu quả nhất các cơ hội mà AEC mang lại điều quan trọng là phải thường xuyên nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng XK. Ngoài các tiêu chí về quy tắc xuất xứ để được hưởng các ưu đãi về thuế quan, các DN cần chủ động xây dựng năng lực sản xuất, kinh doanh, cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh và xây dựng thương hiệu. Cùng với việc tăng nhanh tỉ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu của ngành và giảm thiểu phụ thuộc và các nhà cung cấp nước ngoài cần tăng cường đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, đầu tư vào các vùng trồng nguyên liệu, phát triển mối quan hệ hợp tác với các nhà sản xuất nước ngoài có công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực…

Ngoài việc tham gia AEC, thời gian tới VN sẽ tham gia và ký kết các hiệp thương mại khác như: FTA VN – Hàn Quốc, FTA VN – EU, TPP… Điều này sẽ thuận lợi khi gia nhập AEC vào năm 2015.

Q.Anh


dungtq

Cùng chuyên mục
XEM