Đâu là phép lạ sẽ cứu "con rồng" Trung Quốc khỏi khủng hoảng?

22/09/2015 09:56 AM |

Mặc dù Trung Quốc hiên phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng khu vực tư nhân chính là phép lạ giúp quốc gia này vực dậy trong tương lai.

Bài viết dưới đây được dịch từ báo cáo đặc biệt của tờ The Economist về lĩnh vực kinh doanh tại Trung Quốc. Dù thời gian gần đây, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới gặp nhiều khó khăn nhưng kinh doanh được xem là một lĩnh vực hiếm hoi có nhiều điểm sáng.

Bài viết thứ 3 này đề cập đến các quan niệm đang phổ biến rộng rãi về các doanh nghiệp Trung Quốc chứng minh những lập luận đó là hoàn toàn sai lầm.

Xem các bài viết trước:

Đổi mới 'quá nhanh, quá nguy hiểm', Trung Quốc sẽ tạo ra một Apple thứ 2?

Chân dung 'vị cứu tinh' thật sự của nền kinh tế Trung Quốc


Một thế kỷ trước, Thượng Hải là một thành phố “quốc tế” với tinh thần khởi nghiệp bùng nổ. Sau đó, đến những năm biến động thì hầu hết doanh nhân đại lục chuyển sang Hồng Kông và bắt đầu lại từ đầu. Vào khoảng thời gian này, một trong những công ty dệt may lớn nhất của Trung Quốc, Esquel ra đời tại Hồng Kông, và ngay khi Trung Quốc đại lục mở cửa đầu tư tư nhân vào năm 1978, Esquel đã quay về với đất mẹ.

Hiện tại, Esquel đã phát triển thành một trong những doanh nghiệp dệt may tốt nhất thế giới, với doanh thu hàng năm trên 1 tỷ USD cùng số nhân công lên tới 56.000 người và hoạt động trên toàn cầu. Những khách hàng của Esquel là những thương hiệu nổi tiếng như Ralph Lauren, Hugo Boss and Nike.

Esquel đã đầu tư khoảng 200 triệu USD để nâng cấp nhà máy sản xuất tại Cao Minh, thuộc một tỉnh miền Nam Trung Quốc và dành thêm 30 triệu USD cho việc xử lý nước thải. Nhờ nâng cấp công nghệ mà Esquel giảm được 12 nhân công trong mỗi phân xưởng, đi kèm với đó là tăng cường chất lượng, tính hiệu quả và giữ vệ sinh trong toàn bộ quy trình nhuộm, dệt, may. Hơn thế nữa, Esquel còn lắp đặt máy lạnh cho tất cả các phân xưởng, giúp công nhân cảm thấy công việc tốt hơn và an toàn hơn so với các doanh nghiệp khác.

CHÍNH CÂU CHUYỆN CỦA ESQUEL đã thách thức 3 quan niệm đang phổ biến rộng rãi về các doanh nghiệp Trung Quốc:

- Triển vọng kinh doanh tại Trung Quốc là ảm đạm do nền kinh tế bị đình trệ kéo dài.

- Phép lạ của kinh tế Trung Quốc là hệ quả của chính sách sản xuất quy mô lớn của Chính phủ.

- Các công ty Trung Quốc đơn thuần chỉ là bắt chước mà không tạo được bất kỳ đổi mới nào.

Tuy nhiên, báo cáo đặc biệt dưới đây sẽ chứng minh những lập luận đó là hoàn toàn sai lầm.

Theo đánh giá của Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc phát hành gần đây, nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với sự “tụt dốc” kéo dài. Tốc độ tăng trưởng của nước này đã giảm từ hai con số xuống mức 7% và mức nợ công trên GDP tăng vọt.

Phá giá đồng Nhân dân tệ hồi tháng 8, diễn ra trong bối cảnh giá dầu và giá hàng hóa xuống dốc, đã khiến nhiều nhà đầu tư mất bình tĩnh. Hơn nữa, sự sụt giảm liên tiếp của thị trường chứng khoán Thượng Hải cùng những chính sách khắc phục của Chính phủ chưa thể cứu vãn nổi tình trạng tháo vốn.

Sức mạnh của những con số

Có rất nhiều quan ngại về nền kinh tế Trung Quốc, nhưng báo cáo đặc biệt này sẽ cho thấy có rất nhiều tín hiệu tốt. Tăng trưởng có thể thấp, nhưng ngay cả khi con số chỉ có 5% thì nó đại diện cho lượng sản phẩm lớn hơn nhiều so với 14% vào năm 2007 do quy mô kinh tế Trung Quốc hiện tại là rất lớn.

Và người dân Trung Quốc thì đang giàu lên trông thấy. Theo hãng Tư vấn chiến lược McKinsey, ước tính đến năm 2020, sẽ có 59% hộ gia đình ở thành thị đạt mức thu nhập hàng năm từ 15.000 – 30.000 USD, trong khi con số vào năm 2010 chỉ là 8%. Sản xuất tại Trung Quốc đang được hưởng lợi từ đầu tư vào năng suất lao động, tự động hóa và chuỗi cung ứng trong khu vực. Và hiện ngành dịch vụ vẫn chưa phát triển là một cơ hội lớn.

Đại diện của Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc còn cho biết nền kinh tế Trung Quốc vẫn sẽ gặp khó khăn trong 1-2 năm tới nhưng triển vọng dài hạn cho các doanh nghiệp vẫn là tích tực.

Các thành viên của Phòng vẫn đang đầu tư vì sự tăng trưởng của Trung Quốc trong tương lai. Với 1,4 tỷ dân, Trung Quốc là một thị trường béo bở ngay cả đối với những thị trường ngách như ăn uống hay làm móng cũng sẽ bằng cả thị trường xe hơi tại một nước nhỏ hơn.

Cho đến nay, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã dựa nhiều vào những kế hoạch nhà nước và nặng về đầu tư cơ sở hạ tầng. Về phần mình, chính Chủ tịch Tập Cận Bình đã thừa nhận mô hình này đã lỗi thời và cần những cải cách khuyến khích phát triển tiêu dùng và ngành dịch vụ.

Trước đây, doanh nghiệp Nhà nước kiểm soát một phần lớn tài sản trong những ngành công nghiệp quan trọng trong khi chi tiêu tới 1/3 vốn của Trung Quốc, so với con số chỉ 5% hoặc ít hơn ở những nước phát triển.

Nhưng thành tựu của doanh nghiệp nhà nước thì chẳng có gì đáng kể. Trong khi khu vực tư nhân hiện đang gánh 2/3 tổng sản phẩm quốc nội nước này và tạo ra hơn 250 triệu việc làm tại các thành phố từ năm 1978.

Hơn nữa, tư nhân cũng chiếm tới 9/10 sản lượng xuất khẩu. Còn đầu tư tư nhân thì đang tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với các doanh nghiệp nhà nước. Vì thế cơ hội lớn nhất vượt qua bão táp hiện nay của Trung Quốc chính là dựa vào khả năng phục hồi và năng động của khu vực tư nhân.

Làn sóng doanh nhân Trung Quốc – nền tảng tiến bộ vượt bậc cho nền kinh tế

Từ sau khi cải cách, doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc đã trải qua 4 làn sóng:

Làn sóng đầu tiên đến từ những năm 1980, sau khi cải cách thì khu vực tư nhân Trung Quốc cất cánh. Đó là khi những tập đoàn lớn của Trung Quốc ra đời như Haier, Legend hay Huawei. Phần lớn doanh nhân mới thời điểm đó đều đã có những kinh nghiệm kinh doanh nhỏ lẻ.

Làn sóng thứ hai diễn ra vào năm 1992 khi Chủ tịch Đặng Tiểu Bình đưa ra những cải cách hướng về miền nam Trung Quốc. Những doanh nhân thời kỳ này thì hầu hết đều được học hành đàng hoàng. Nhiều người đã rời giảng đường hay các cơ quan chính phủ để bắt đầu kinh doanh riêng.

Làn sóng thứ ba khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào năm 2001, với cơ hội lớn để tiến bước kinh doanh toàn cầu. Nhiều người đã đi tiên phong trên nền tảng Internet và đạt nhiều thành công đáng ngưỡng mộ, chẳng hạn như Pony Ma của Tencent, Jack Ma của Alibaba, hay Robin Li của Baidu.

Và giờ làn sóng thứ tư, được đánh giá rất cao đang đến, mang lại những doanh nhân tài năng như Lei Jun của Xiaomi. Nhiều doanh nghiệp đang sử dụng nền tảng Internet trên di động như cách để giải quyết những vấn đề như ngành dịch vụ chưa phát triển trong nước. Mô hình kinh doanh của họ có triển vọng toàn cầu, sẵn sàng chấp nhận những nhà đầu tư bên ngoài và đương nhiên là sáng tạo hơn.

Quốc gia đổi mới

Trung Quốc có một lịch sử lâu dài với rất nhiều những phát minh, phải kể đến như thuốc súng, làm giấy, in ấn, la bàn hay bánh xe hơi nước. Nhưng những phát minh trong quá khứ của Trung Quốc chỉ giúp nâng cao phần nhỏ cuộc sống của người dân.

 

Nhiều hoàng đế và các quan chức thời xưa từng tịch thu những bằng sáng chế và ngăn ngừa sự ảnh hưởng của những nhà phát minh. Nhưng câu chuyện thời nay có vẻ sẽ khác khi mà những lãnh đạo Trung Quốc đã bắt đầu ca ngợi sự đổi mới. Đặc biệt khi mà lực lượng lao động của cả nước sẽ đạt mức cao nhất nhất vào năm 2015 và giảm 16% vào năm 2050.

Theo McKinsey tính toán thì để duy trì tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,5 – 6,5%/năm thì đến năm 2025, 1/3 – 1/2 lượng tăng trưởng đó phải đến từ những cải tiến trong toàn bộ nhân tố sản xuất. Doanh nghiệp nhà nước đã phát triển thiếu hiệu quả và nợ nần thì gánh nặng phải đến từ phu vực tư nhân.

Trong quá khứ thì chính các doanh nghiệp tư nhân đã tạo ra hàng loạt những tiến bộ lớn trong nền kinh tế hiện đại của Trung Quốc. Họ là những tác nhân của sự thay đổi, chấp nhận mạo hiểu và gần đây là biết tận dụng đầy đủ tiềm năng của công nghệ mới. Họ không chỉ cung cấp những hàng hóa sản xuất tốt hơn mà ngày càng có hàm lượng kỹ thuật cao, dịch vụ tốt. Và họ sẵn sàng học hỏi, mang sản phẩm của mình ra nước ngoài để cải thiện dịch vụ.

Ngọc Quân

Cùng chuyên mục
XEM