Sàn giao dịch TMĐT: Nước ngoài lấn át doanh nghiệp Việt
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang chiếm 59% thị phần doanh thu của nhóm sàn giao dịch thương mại điện tử. Con số này trong năm 2013 mới dừng ở mức 44%.
Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam 2014 của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin – Bộ Công thương – cho biết: Mặc dù các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) có vốn đầu tư từ nước ngoài chiếm số lượng nhỏ trong số các website tham gia khảo sát, doanh thu của nhóm này chiếm tỷ lệ tương đối lớn trong tổng doanh thu.
Cụ thể, tổng doanh thu nhóm sàn giao dịch TMĐT tham gia khảo sát năm 2014 đạt 1.662 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2013. Trong đó, tổng doanh thu của top 10 website dẫn đầu thị trường chiếm 75%.
Xét về số lượng, các website TMĐT có vốn đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 10%. Tuy nhiên, doanh thu của riêng nhóm sàn giao dịch TMĐT có vốn đầu tư từ nước ngoài chiếm tới 59% tổng doanh thu, tăng 15% từ mức 44% của năm 2013.
Xét về giá trị giao dịch, tổng giá trị giao dịch năm 2014 của 85 sàn giao dịch TMĐT tham gia khảo sát đạt 2.500 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2013.
Lazada.vn của Rocket Internet (Đức) dẫn đầu toàn thị trường và chiếm 20% so với tổng giá trị giao dịch, tiếp đó là raovat30s.com (20%); keeto.vn (12%); sendo (10%); và mca.mobivi.vn (9%).
Thương mại điện tử B2C đạt doanh số gần 3 tỷ USD
Theo kết quả điều tra khảo sát năm 2014 của Cục TMĐT và CNTT, giá trị mua hàng trực tuyến của một người trong năm ước tính đạt khoảng 145 USD và doanh số thu từ TMĐT B2C (mô hình bán hàng từ doanh nghiệp tới khách hàng) đạt khoảng 2,97 tỷ USD, chiếm 2,12 % tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước.
13% website TMĐT mở rộng thị trường toàn cầu
Khoảng 69% trên tổng số website tham gia khảo sát có địa bàn kinh doanh rộng khắp trên cả nước, trong khi đó 14% chỉ kinh doanh trong địa bàn tỉnh, thành phố nơi thương nhân, tổ chức đặt trụ sở hoặc có văn phòng đại diện. Một số website TMĐT không dừng ở quy mô kinh doanh phạm vi trong nước mà mở rộng phạm vi kinh doanh ra nước ngoài hướng tới đối tượng khách hàng ở nước ngoài (13%).
Hơn 35% website thương mại điện tử không có doanh thu
Theo số liệu khảo sát 1.350 website TMĐT bán hàng, chỉ có 875 website có phát sinh doanh thu (chiếm 64,8%), tổng doanh thu của những website này năm 2014 đạt gần 8,084 tỷ Việt Nam Đồng (xấp xỉ 4 triệu Đô la Mỹ). Doanh nghiệp sở hữu những website này cũng cho biết, con số này tăng trung bình khoảng 1,7 lần so với năm 2013.
Phần lớn doanh thu từ website bán mặt hàng như thời trang, mỹ phẩm, chăm sóc sức khỏe chiếm tới 23% tổng doanh thu trong năm 2013, và tăng thị phần lên tới 26% năm 2014. Tiếp theo là các website bán máy tính, điện thoại, thiết bị văn phòng có một sự tăng trưởng đột biến trong năm 2014 gấp 1,8 lần so doanh thu năm 2013.
Doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực này: thegioididong.com, nguyenkim.com và fptshop.com.vn. Với sản phẩm điện tử, điện máy, gia dụng giảm nhẹ 0,1% tổng doanh thu website TMĐT năm 2014, trong khi năm 2013 đạt 9,2%. Theo sau là website cung cấp dịch vụ du lịch giảm 0,5% trên tổng doanh thu của website TMĐT, tổng doanh nhu của nhóm dịch vụ du lịch này chỉ chiếm 2,7% trên tổng doanh thu của TMĐT.
Năm 2014 cũng là năm có nhiều ảnh hưởng từ thị trường tài chính đến sức mua của người tiêu dùng. Nhóm hàng hóa được giao dịch nhiều nhất trên website là mặt hàng điện tử, gia dụng. Với những mặt hàng có giá trị cao thì chưa được giao dịch nhiều. Chủ yếu vẫn là trực tiếp đến cửa hàng và mua, khách hàng vào website với mục đích so sánh giá cả với các cửa hàng khác bán cùng mặt hàng.
>> CEO Sendo: Doanh nghiệp TMĐT Việt Nam chỉ mới chiếm ưu thế về số lượng
Bảo Bảo