'Rửa tiền' bằng... nghệ thuật
12/03/2014 08:03 AM
|
Khi các phương thức “rửa tiền” đã cũ rích, bị quản lý khá chặt chẽ, các đối tượng buôn bán ma túy, trùm buôn lậu và những đối tượng kiếm tiền bất chính khác đang chuyển sang thị trường mới là tác phẩm nghệ thuật.
Trong khi các phương thức “rửa tiền” đã cũ rích, phổ biến và bị quản lý khá chặt chẽ, thì các đối tượng buôn bán ma túy, trùm buôn lậu và những đối tượng kiếm tiền bất chính khác đang chuyển sang thị trường mới là các tác phẩm nghệ thuật. Với mánh lới này, chúng có thể nhanh chóng qua mặt pháp luật và dễ dàng “rửa tiền” thu lợi nhuận đến hàng tỷ USD.
Đằng sau những món đồ giá rẻ
Ngày 13-5-2013, giới chức Mỹ tại Sân bay quốc tế Kennedy tạm giữ một bức tranh không hề có tên tuổi, giá chỉ 100 USD. Theo quy định của Mỹ, các hàng hóa có giá trị dưới 200 USD sẽ không cần phải lập khai tờ khai hải quan, phải đóng thuế quan và các khoản thuế khác. Tuy nhiên, khi chiếc hộp được mở ra, các điều tra viên Mỹ đã phát hiện bức tranh được gửi đến từ London (Anh) thực chất là một tác phẩm của danh họa người Mỹ Jean-Michel Basquiat, có giá trị thực lên đến 8 triệu USD.
Thông tin cho hay, bức tranh có tên “Hannibal” này đã được đưa sang Mỹ trong một phần của kế hoạch rửa tiền tinh vi của một cựu chủ ngân hàng người Brazil - Edemar Cid Ferreira. Ông này bị cáo buộc đã đánh cắp hơn 700 triệu USD từ các nhà đầu tư và các quỹ đầu tư nhà nước. Ferreira được xem là một kẻ vô cùng khôn ngoan khi chuyển một phần lớn trong số tài sản tham ô được thành bộ sưu tập gồm 12.000 tác phẩm nghệ thuật khác nhau.
Bức tranh này chỉ là một trong số hàng nghìn tác phẩm nghệ thuật có giá trị đã được những đối tượng phạm tội sử dụng để che giấu lợi nhuận bất hợp pháp và chuyển giao các tài sản của chúng trên phạm vi toàn cầu.
Tại Trung Quốc, thời gian gần đây đang rộ lên phong trào những kẻ làm giàu bất chính ở đại lục làm sạch “tiền bẩn” bằng việc đầu tư vào các tác phẩm nghệ thuật… Giao dịch bùng nổ trên thị trường nghệ thuật Trung Quốc, mà theo ước tính, quy mô 4,79 tỷ USD (năm 2011) đã vượt cả Mỹ và Anh để trở thành thị trường lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, sự phát triển đó chỉ để che mắt dư luận. Thực chất, chúng là công cụ giúp tiêu thụ những đồng tiền bẩn do gian lận thương mại, tham nhũng và nhiều tệ nạn khác.
Khó lật tẩy
Ông Sharon Cohen Levin - người đứng đầu đơn vị tịch thu tài sản thuộc văn phòng chưởng lý quận Manhattan - cho hay, phương thức “rửa tiền” này có thể thực hiện được khá nhanh chóng, dễ dàng. Một bức tranh có thể được cuộn lại, được giấu đi hoặc được di chuyển giữa các quốc gia một cách tương đối dễ dàng. Giá cả của chúng cũng có thể được khai chênh lệch hàng triệu USD, còn tên của người bán và người mua cũng ít khi được công khai khiến cho lực lượng chức năng khó có thể đoán được chủ nhân thực sự của những giao dịch mua bán các tác phẩm nghệ thuật, nguồn tiền cũng như liệu rằng mức giá kê khai có đáng nghi vấn hay không.
Còn theo ông Sergey Skaterschikov, người sáng lập Công ty Nghiên cứu thị trường nghệ thuật Skate, rất khó để xác định mức giá cho một sản phẩm nghệ thuật là 100 USD hay 10 triệu USD bởi những giá trị đó thuộc về cảm nhận.
Trước thực trạng nói trên, chính phủ các nước trên thế giới đã tăng cường nhiều biện pháp để kiểm soát hoạt động bất hợp pháp này. Điển hình, tháng 2-2013 vừa qua, Ủy ban châu Âu đã thông qua các quy định phòng trưng bày tranh phải khai báo về các tác phẩm có mức giá từ 9,825 triệu USD trở lên và lập hồ sơ về các giao dịch đáng ngờ.
Giới chức Mỹ cũng đã yêu cầu thực hiện các biện pháp tương tự đối với các giao dịch các tác phẩm nghệ thuật có giá trị từ 10.000 USD trở lên. Tuy nhiên, giới chức các nước cảnh báo, các biện pháp này vẫn khó có thể triệt phá được hình thức phạm tội với giá trị giao dịch lên đến hàng tỷ USD trên toàn thế giới này.
Theo My Quỳnh
Theo An ninh thủ đô
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!