Quả trứng, con lợn Việt Nam “vô địch” chịu thuế, nguyên nhân do đâu?
“Có rất nhiều loại thuế, phí khác nhau. Một quả trứng chịu 14 loại phí, một con lợn chịu 51 loại phí… Không nước nào có chuyện này. Về thuế - phí, Việt Nam “vô địch”” – chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.
Câu chuyện “đếm trứng thu phí”, hay con gà, con lợn “gồng” mình cõng 14 - 51 loại phí không mới.
Nhưng điều đáng nói ở đây là, tại sao trong khi Việt Nam đứng thứ 2 về thực hiện các cam kết hội nhập trong khối ASEAN (sau Singapore), trong đó bao hàm nhiều cam kết giảm thuế, thì con lợn, con gà của Việt Nam lại phải “cõng” nhiều thuế, phí đến vậy?
“Độ sẵn sàng trong các cam kết ASEAN hơi hình thức với những việc Việt Nam đã làm liên quan đến ban hành luật pháp, cam kết giảm thuế… Trong khi tích cực tự do hoá bên ngoài, thì tự do hoá bên trong lại bị hạn chế”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhìn nhận.
“Với doanh nghiệp bên ngoài, Việt Nam sẵn sàng giảm thuế, xóa bỏ hàng rào thuế quan. Nhưng rất nhiều hàng rào được dựng lên với doanh nghiệp trong nước, và doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cũng phải chịu hàng rào này”.
Việc này thể hiện rõ ở khu vực tư nhân trong nước của Việt Nam, đặc biệt khối doanh nghiệp vừa và nhỏ và nông dân Việt Nam. Nông dân Việt Nam phải tham gia cạnh tranh rất lớn trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và các hiệp định thương mại tự do khác, nhưng rào cản với họ rất nhiều và có chiều hướng tăng lên.
“Bao nhiêu năm tháo gỡ khó khăn, nói thẳng là Việt Nam “tháo” nhưng lại tăng thêm bao nhiêu nút...”, bà Lan nói.
Những cái “nút” ấy thể hiện ở 2 khía cạnh rõ nét - Thủ tục hành chính và Thuế phí, cụ thể:
- Thủ tục hành chính: Nhiêu khê và gây khó cho hoạt động của doanh nghiệp;
- Thuế - phí: Rất nhiều loại thuế - phí khác nhau như 1 quả trứng chịu 14 loại phí, hay 1 con lợn chịu 51 loại phí .
“Không nước nào có chuyện này. Về thuế - phí, Việt Nam “vô địch””, bà Lan thẳng thắn.
Theo PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn – Hiệu trưởng ĐH Kinh tế - Đại học Quốc gia, trong khi chịu các gánh nặng thuế, phí, các doanh nghiệp trong nước đồng thời đang đối mặt với 3 nguy cơ lớn.
Một là, sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các doanh nghiệp FDI, “chảy máu” nguồn nhân lực chất lượng cao.
Hai là, bị “thâu tóm”, thay đổi chủ sở hữu do xu hướng M&A (Mua lại và Sáp nhập).
Ba là, phụ thuộc ngày càng nhiều vào các TNCs (công ty xuyên quốc gia) và các tập đoàn nước ngoài lớn.
Với việc gia nhập ASEAN, chuyện buồn là khoảng cách giữa Việt Nam và các nước ASEAN ngày càng lớn.
Trong khi khoảng cách giữa Việt Nam với các nước ASEAN, đặc biệt ASEAN 6 giãn ra, thì khoảng cách trong nhóm CLMV (tên viết tắt của nhóm phụ trong ASEAN, là chữ cái đầu của 4 nước có nền kinh tế kém phát triển nhất trong khu vực: Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) đang thu hẹp khi Lào, Campuchia đang có tăng trưởng tốt.
“Thời điểm gia nhập WTO, chúng ta từng kỳ vọng Việt Nam sẽ nằm trong nhóm ASEAN 6. Nhưng sau 20 năm tham gia ASEAN, Việt Nam vẫn ở trong nhóm CLMV”, bà Lan nói.