Cắp lợn chạy bộ vào TPP
Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển thì nhìn thấy ở đó nỗi lo cho các doanh nghiệp quả đấm thép, khi mà ranh giới giữa “mở cửa” - từng có tiền lệ WTO, và “phá rào tre bảo hộ” tùy thuộc hoàn toàn vào khả năng cạnh tranh của DN, của nền kinh tế.
2 tháng trước, khi bàn về tác động tiêu cực của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) lên ngành chăn nuôi, một quan chức của Bộ NNPTNT tin tưởng vào những sản phẩm có thể tạo ra sự cạnh tranh. Chẳng hạn gà đồi. Chẳng hạn lợn cắp nách. Hay xem “Thói quen ăn thịt tươi” như một “hàng rào tự nhiên” để có thể cạnh tranh.
Nhìn thấy và lạc quan từ những con lợn mỗi năm chỉ tăng được vài kilogram thì cũng kể như là giàu trí tưởng tượng, dù tưởng tượng đôi khi rất gần với tưởng bở, rất gần với bất đắc dĩ và lý sự kiểu “khi chẳng còn gì để lý sự”.
Nhưng từ chuyện “cắp lợn chạy bộ vào TPP”, vấn đề được đặt lại tưởng đã tỏ tường: Chúng ta có biết mình là ai, đang ở đâu, và có gì?
Một cựu đại sứ nhìn thấy trong TPP quyền “áp đặt luật chơi”- dù luật chơi gì, áp đặt thế nào thì ông không nói.
Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển thì nhìn thấy ở đó nỗi lo cho các doanh nghiệp quả đấm thép, khi mà ranh giới giữa “mở cửa” - từng có tiền lệ WTO, và “phá rào tre bảo hộ” tùy thuộc hoàn toàn vào khả năng cạnh tranh của DN, của nền kinh tế.
Và hôm qua (ngày12/10), trong buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang kể lại chuyện “Chính mắt nhìn thấy và giật mình” khi nhờ khoa học - công nghệ, nước ngoài họ sản xuất một vụ cà chua năng suất lên đến 800-1.000 tấn, còn ở ta mới vài ba chục tấn là đã phấn khởi rồi”.
Và ông tỉnh táo nhắc rằng “TPP không phải là chiếc đũa thần kỳ”, không cứ TPP là nền kinh tế cất cánh thành rồng ngay được, bởi, “Mình vào nhà người ta được thì cũng phải mở cửa cho người ta vào”.
Mở cửa, có nghĩa là những quả cà chua “made in VN” leo mốc meo bên bờ rào sẽ phải cạnh tranh với “cà chua 1.000 tấn”. Khi ấy, con gà Việt sẽ phải vượt qua khoảng cách “1kg đùi gà Mỹ rẻ hơn 1kg gà lông Việt”. Khi ấy, các trang trại, doanh nghiệp sẽ phải chấp nhận sự thật là ngay cả “người tiêu dùng - đồng bào”, không thể bữa nào cũng gà đồi, lợn cắp nách - vì yêu nước.
Muốn cạnh tranh sòng phẳng trên sân nhà, không còn cách gì khác là nền kinh tế, là các DN phải có tính cạnh tranh cao, có năng suất, chất lượng hiệu quả chứ không thể trông chờ vào sự bảo hộ, vào “hàng rào tự nhiên”.
Nhân ngày doanh nhân VN, xin nhắc rằng: Âu lo, để biết mình biết người, để lường trước và đứng vững trước thách thức, có lẽ là thái độ cần có lúc này hơn là trông chờ dựa dẫm vào bầu sữa tài nguyên hay cơ chế! Lại càng không thể ảo tưởng với một thứ quyền áp đặt viển vông hay coi TPP như một “nồi cơm Thạch Sanh” mà ai cũng có phần!