Nuôi lợn kiểu Mỹ: Hướng tới công nghệ cao

24/07/2015 19:19 PM | Kinh doanh

Không chỉ riêng Bắc Carolina, ngành chăn nuôi lợn đã bùng nổ trong vài thập kỷ qua ở các bang Trung - Tây nước Mỹ./ Những thảm họa môi trường

Trong khi đó, các nhà khoa học vật lộn để tìm giải pháp cứu môi trường.

Ví dụ ở bang Iowa, đàn lợn đã tăng từ 15,3 triệu con năm 2000 lên 20,7 triệu con năm 2014.

Xuất khẩu thịt lợn của Mỹ tăng gấp đôi trong 10 năm qua lên mức hơn 2 triệu tấn/năm, chiếm 20% tổng sản lượng. Những khách hàng hàng đầu là Mexico, Nhật Bản và nổi lên gần đây nhất là Trung Quốc, nước có tỷ lệ tiêu thụ thịt lợn trên đầu người lớn nhất thế giới, theo National Geographic.

So sánh qua lượng calo, người Mỹ tiêu thụ nhiều thịt hơn người Trung Quốc, tính theo đầu người, với mức 381 gram so với 254 gram. Nhưng tính theo lượng thịt, người Trung Quốc tiêu thụ nhiều hơn người Mỹ. Lý do là người Trung Quốc ăn nhiều thịt lợn hơn và đặc biệt thích lợn nhiều mỡ.

Trong vòng một thập kỷ qua, kinh tế Trung Quốc có nhiều bước phát triển và lượng thịt nước này tiêu thụ cũng tăng lên nhanh chóng. Lượng thịt bò tiêu thụ gần đây có tăng, nhưng tốc độ không cao lắm, chỉ ở mức 14 gram/ngày. Người Trung Quốc chủ yếu tiếp nhận 2/3 nhu cầu calo từ không chỉ từ thịt lợn mà còn từ mỡ lợn.

Nhu cầu thịt lợn Mỹ từ Trung Quốc đã thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển mạnh trong khi các nhà khoa học Mỹ đau đầu tìm cách xử lý các vấn đề môi trường. Họ đã tìm thấy bằng chứng cho thấy các chất hữu cơ gia tăng trong sông suối bắt nguồn từ những cánh đồng ở vùng Trung-Tây, nơi nông dân phun tưới chất thải từ trại lợn. Phân lợn giàu ni-tơ và phôtxpho, là những chất cần thiết cho cây trồng.

Nhưng khi có quá nhiều chất hữu cơ thẩm thấu vào nguồn nước, chúng có thể làm các loại tảo phát triển mạnh và giết chết tôm cá. Các nguồn nước còn bị nhiễm ký sinh trùng, virus, các loại hormone, dược chất, các vi khuẩn có khả năng chống chịu thuốc kháng sinh…

Chỉ trong vòng hai năm qua, tình trạng ô nhiễm lan ra các bang Iowa, Georgia và Illinois, bên cạnh Bắc Carolina.

Câu chuyện của người hàng xóm

Elsie Herring có một mảnh đất ở hạt Duplin, Bắc Carolina, vốn được ông nội bà, một nô lệ được giải phóng, mua lại từ cuối thế kỷ 19. Có 60 ngàn người sống ở hạt Duplin, nơi có đàn lợn áp đảo số người với tỷ lệ 39/1. Trong những năm 1980, một nông dân chuyển đến cạnh nhà bà Herring mở trại nuôi lợn với hai khu chuồng, một hồ chứa chất thải lớn và đăng sau là một cánh đồng chuyên để “xử lý” chất thải. Cánh đồng này chỉ cách nhà bà vài bước chân.

Và từ đó, gia đình bà phải chịu đựng thứ mùi khủng khiếp. Nó len lỏi vào nhà ngay cả khi bà đóng hết các cửa. Bà dần mắc chứng ho và đau mắt.

“Rất khó chịu và bất tiện”, bà nói. “Thậm chí khi có bạn bè đến chơi, mọi người cũng không thể vui vẻ khi ăn uống trong lúc có ai đó chỉ cách đó vài bước chân cứ mang phân lợn ra mà rải khắp cánh đồng”.

Steve Wing, chuyên gia dịch tễ nói hoạt động chăn nuôi lợn sản sinh ra amoniac, methane-một loại khí nhà kính và hydro sulfua gây đau đầu và đau mắt. Trại lợn còn thải ra một số nội độc tố, chất gây dị ứng và ít nhất là hàng trăm hợp chất hữu cơ dễ bay hơi là nguyên nhân gây ra thứ mùi kinh khủng.

Trong một nghiên cứu bắt đầu năm 2003, Wing và các cộng sự lắp đặt các máy theo dõi mức độ ô nhiễm không khí để đo nồng độ hydro sulfua, nội độc tố ở khu dân cư phía đông bang Bắc Carolina, cách xa các trại chăn nuôi lợn khoảng 2,5 km. Họ đo các triệu chứng cơ thể cũng như huyết áp, chức năng phổi của 101 tình nguyện viên.

Các nhà khoa học nhận thấy, khi có thay đổi luồng gió, ô nhiễm không khí tăng lên thì các triệu chứng ngứa mắt, khó thở, buồn nôn, huyết áp tăng cũng phổ biến hơn.

Công nghệ cao

Chủ trại Tom Butler nói khi ông khởi sự công việc chăn nuôi lợn 20 năm trước, ông không hề biêt rằng công việc này có thể tác động đến môi trường lớn như thế.

Mấy ngày nay, trời nhiều mưa tại khu vực có trang trại của Butler, rộng hơn 52 hecta ở Lillington, North Carolina với 7.500 con lợn.

Khi quản lý trang trại Dave Hull mở cánh cửa một trong 10 khu chuồng của trang trại, hàng trăm con lợn chen chúc nhau đứng lên bắt đầu bản hòa tấu lộn xộn và chói tai. Hull chỉ vào những tấm nan dưới sàn, nói khi lợn thải phân, chất thải sẽ theo đó được nước xối thẳng tới khoang xử lý có sức chứa gần 4 triệu lít, nơi vi khuẩn phân hủy chúng trong vòng 21 ngày, sản sinh ra khí methane.

Khí ga đi vào các ống nhỏ tới một tòa nhà đặt máy phát. Khí được đốt để tạo ra điện và được bán tới các hợp tác xã trong vùng. Phần chất thải còn lại được dẫn bằng đường ống tới hai hồ chứa lớn. Khác với những hồ chứa chất thải trong vùng, hai hồ này được che phủ bằng nylon.

Kết quả là trang trại của Butler ít có mùi khó chịu hơn nhiều so với các trang trại khác. Mưa xuống cũng không gây ô nhiễm các vùng lân cận. Còn hệ thống phát điện của trang trại sản sinh lượng điện năng đủ cấp cho 90 cái tủ lạnh.

Vấn đề duy nhất của hệ thống, theo lời Butler, là tiền phải chi ra: hơn 1 triệu USD (hơn 20 tỷ đồng). Tuy nhiên, chính quyền tài trợ 3/4 chi phí, phần còn lại Butler phải bỏ tiền túi. Ông hy vọng đến năm 2022 sẽ thu hồi toàn bộ chí phí.

“Nhiều người nghĩ điều này là điên rồ, và tới nay họ vẫn đúng”, Butler nói.

Khắp nước Mỹ, chỉ 29 trại lợn sử dụng hệ thống như nhà Butler.

Mike Williams, Giám đốc Trung tâm Xử lý chất thải gia súc, gia cầm thuộc Đại học bang Bắc Carolina cho rằng, các giải pháp công nghệ như ở trang trại của Butler có thể giải quyết vấn đề môi trường nhưng chỉ khi chi phí cho các công nghệ đó giảm xuống bằng hoặc thấp hơn cách làm hiện hành (thải ra hồ, rải lên cánh đồng). “Tôi tin là sẽ có ngày đó”, Williams nói.

Theo Anh Minh

Cùng chuyên mục
XEM