Những trái đắng quả ngọt từ FDI

06/02/2015 10:03 AM |

Cục đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch Đầu tư vừa thông tin những con số dự báo một tín hiệu lạc quan đến từ kênh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2015.

Nội dung nổi bật:

- Trong tháng đầu năm 2015, cả nước thu hút đầu tư nước ngoài mới và cấp thêm đạt 663,44 triệu USD, tăng 67,1% so với cùng kỳ. Đặc biệt, riêng số vốn đăng ký mới là 392,18 triệu USD, tăng 85,5% so với cùng kỳ 2014.

- Mục đích của thu hút FDI ngoài vốn kinh doanh còn công nghệ, kỹ thuật, phương thức quản lý tiên tiến, cho phép tạo ra những sản phẩm mới, mở ra thị trường mới... cho nước tiếp nhận đầu tư.

- Tuy nhiên hiện các DN FDI không chỉ chuyển giao thiết bị công nghệ lạc hậu, thậm chí, có những DN đầu tư nước ngoài chây lì trong việc đầu tư hệ xử lý chất thải đã gây tác động nghiêm trọng đến môi trường.


Theo đó, trong tháng đầu năm 2015, cả nước thu hút đầu tư nước ngoài mới và cấp thêm đạt 663,44 triệu USD, tăng 67,1% so với cùng kỳ. Đặc biệt, riêng số vốn đăng ký mới là 392,18 triệu USD, tăng 85,5% so với cùng kỳ 2014. Số vốn được giải ngân đạt 505 triệu, tăng 8,6%.

So với những hình thức đầu tư nước ngoài khác, đầu tư trực tiếp không để lại gánh nặng nợ cho Chính phủ nước tiếp nhận đầu tư như ODA hoặc vay thương mại, phát hành trái phiếu ra nước ngoài... Tuy nhiên, hình thức đầu tư này cũng mang lại nhiều bất lợi cho các nước tiếp nhận nếu không có sự chuẩn bị và sàng lọc chu đáo về DN đầu tư. Bài học từ Formosa là lăng kính để các địa phương tự soi mình khi xúc tiến thu hút FDI.

Khi đầu tư vào Việt Nam, Formosa cam kết chỉ sản xuất thép cuộn cán nóng, thép tấm nóng - đây là những sản phẩm trong nước chưa sản xuất. Tuy nhiên, vừa đi vào hoạt động, họ lại chuyển hướng sang xin đưa ra sản phẩm thép dài khoảng một triệu tấn ra thị trường nội địa, cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm của các DN trong nước, trong khi ngành thép trong nước đang dư thừa, phải chật vật tìm thị trường xuất khấu sang các nước trong khu vực.

Chưa dừng lại, DN này còn lấn sân làm phôi, sản phẩm mà ngành thép trong nước cũng cung vượt cầu, rồi thép thanh, thép cây... Không biết ngành thép trong nước sẽ ra sao khi cuộc cạnh tranh không cân sức diễn ra ngay trên sân nhà?

Mục đích của thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tự bỏ vốn ra kinh doanh, không đơn thuần chỉ là vốn, mà kèm theo đó là công nghệ, kỹ thuật, phương thức quản lý tiên tiến, cho phép tạo ra những sản phẩm mới, mở ra thị trường mới... cho nước tiếp nhận đầu tư.

Phần lớn những kỹ thuật mới xuất phát chủ yếu từ các nước công nghiệp phát triển, do đó, để rút ngắn khoảng cách và đuổi kịp các nước công nghiệp phát triển, các nước tiếp nhận FDI rất cần nhanh chóng tiếp cận các kỹ thuật mới. Đây chính là điểm hấp dẫn quan trọng của FDI, bởi vì, hầu hết các nước đang phát triển có trình độ khoa học và công nghệ thấp.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khi thực hiện các dự án, phía Việt Nam chủ yếu góp vốn bằng giá trị đất, một số đối tác nước ngoài đã tranh thủ góp vốn bằng các thiết bị và vật tư lạc hậu, đã qua sử dụng, hoặc nhiều khi đã đến thời hạn thanh lý, gây ra thiệt hại to lớn cho nền kinh tế của nước tiếp nhận đầu tư.

Hơn nữa, với lợi thế áp đảo về tiềm lực tài chính, sự có mặt của các DN có vốn nước ngoài gây ra một số ảnh hưởng bất lợi về kinh tế - xã hội như làm tăng chênh lệch về thu nhập, gia tăng sự phân hóa trong các tầng lớp nhân dân, tăng mức độ chênh lệch phát triển giữa các vùng.

Câu chuyện mới đây nhất là thương hiệu lớn trong ngành bán lẻ Metro tranh thủ nhận ưu đãi về chính sách đã xí một loạt “khu đất vàng” rồi đột ngột bán cho nhà đầu tư khác để kiếm lợi..., để lại những bài học đắng lòng trong việc thu hút đầu tư FDI.

Không chỉ chuyển giao thiết bị công nghệ lạc hậu, thậm chí, có những DN đầu tư nước ngoài chây lì trong việc đầu tư hệ xử lý chất thải đã gây tác động nghiêm trọng đến môi trường: gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn và về lâu dài, chúng ta sẽ trở thành bãi rác phêliệu từ việc thu hút đầu tư thiếu chọn lọc.

FDI là kênh quan trọng đối với việc chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển. Tuy nhiên, thu hút dòng vốn vàng là “con dao hai lưỡi” nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ và có các biện pháp phù hợp, nước tiếp nhận vốn có thể hạn chế, giảm thiểu những tác động tiêu cực này và xử lý hài hòa mối quan hệ của nhà đầu tư nước ngoài với lợi ích quốc gia để tạo nên lợi ích tổng thể tích cực. Còn nếu chạy đua tranh nhau thu hút với chính sách “trải thảm đỏ” mỗi nơi một kiểu thì đất nước sẽ trở thành... bãi phế liệu cho các DN nước ngoài!

>> Tỉnh nào thu hút nhiều vốn FDI nhất cả nước đầu năm 2015?

Theo PHẠM SÔNG THU

Cùng chuyên mục
XEM