Thương mại Việt Nam 2014: Xuất siêu nhờ FDI

31/12/2014 15:19 PM |

Trong khi khối FDI xuất siêu khoảng 17 tỷ USD, khối doanh nghiệp trong nước lại nhập siêu 15 tỷ USD.

FDI: Tỷ trọng lớn, tăng trưởng mạnh

Theo thông tin công bố tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2014 và triển khai nhiệm vụ 2015 của Bộ Công Thương sáng 31/12, thương mại Việt Nam đạt tăng trưởng xuất khẩu cao vẫn chủ yếu ở những mặt hàng do khối doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) sản xuất.

Trong khi đó, nhập khẩu và xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI tăng hơn so với doanh nghiệp trong nước.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2014 ước đạt 150 tỷ USD, vượt 3,16% so với kế hoạch và tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 101,6 tỷ USD, tăng 15,2% so với năm 2013 – mức tăng gấp rưỡi tăng trưởng xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước, chiếm 67% tỷ trọng xuất khẩu.

Xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước đạt 48,44 tỷ USD, tăng 10,4%.

Về nhập khẩu, khối FDI nhập khẩu ước đạt hơn 84,56 tỷ USD, tăng 13,6% và chiếm tỷ trọng hơn 57% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Khối doanh nghiệp trong nước đạt hơn 63,5 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2013.

Như vậy, trong khi doanh nghiệp khối FDI xuất siêu 17 tỷ USD (trong đó, xuất siêu dầu thô của khối này là 7,2 tỷ USD), khối doanh nghiệp trong nước nhập siêu 15 tỷ USD. Nhờ xuất siêu mạnh của khối FDI, năm 2014 Việt Nam là nước xuất siêu với mức gần 2 tỷ USD.

Theo Bộ Công thương, đây là năm thứ 3 liên tiếp kể từ sau gia nhập WTO năm 2007, Việt Nam xuất siêu.

Doanh nghiệp trong nước: Đuối do kinh tế khó khăn

Theo giải thích của Bộ Công thương, nhập khẩu và xuất khẩu của khối các doanh nghiệp trong nước đều tăng thấp hơn so với các doanh nghiệp FDI là do bối cảnh kinh tế khó khăn, tiêu thụ hàng hóa ở trong nước và nước ngoài còn hạn chế đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp này.

“Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với tiềm lực về vốn và sự sẵn có về thị trường tiêu thụ nên tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu đều ở mức cao” – báo cáo của Bộ Công thương cho biết.

Nguyên nhân thứ hai báo cáo đưa ra là do giá và lượng xuất khẩu của một số hàng hóa giảm, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực chủ yếu là các mặt hàng gia công, giá trị gia tăng thấp, chưa thực sự tham gia được vào chuỗi sản xuất và lưu thông sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia trong khu vực và thế giới.

Nguyên nhân thứ ba, do nền kinh tế thế giới phục hồi, tăng trưởng chậm, tiêu dùng hàng hóa trên thị trường thế giới chững lại đã tác động trực tiếp đến tăng trưởng xuất khẩu; xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng tại một số thị trường xuất khẩu chủ lực của ta (như Hoa Kỳ và EU) đã gây khó khăn cản trở hàng Việt Nam vào các thị trường này.

Tại hội thảo, lãnh đạo Sở Công thương Đà Nẵng tha thiết đề nghị Chính phủ có giải pháp hỗ trợ vì các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt tại khu vực miền Trung, là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ, năng lực cạnh tranh còn thấp.

>> Công nghiệp ô tô: Vì sao doanh nghiệp FDI rút lui?

Thanh Thủy

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM