Những chuyện buồn về một xã hội Nhật “bài ngoại”

16/09/2015 13:02 PM |

Nhiều người Nhật có tư tưởng bài ngoại đến mức họ không chỉ ghét những người khác màu da tôn giáo mà xa lánh chung tất cả những người nước ngoài

“Họ đánh giá tôi qua vẻ bề ngoài. Họ không tin tôi bởi tôi không phải người Nhật”, anh Ali Nusrat người Pakistan bực tức nói như vậy khi anh bị cảnh sát chặn lại dọc đường và hỏi anh đang đi đâu làm gì. Anh đã sống ở Nhật suốt 20 năm và có visa hợp pháp. Trước đó anh cũng có gặp phải vấn đề phân biệt thế nhưng mọi chuyện tồi tệ hơn từ sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001.

Có những khi anh đi thuê nhà và người ta từ chối anh với lý do: Không tiếp nhận người nước ngoài. Một lần khác, khi anh đi cùng một người bạn đến từ Brazil đến bệnh viện, họ cũng bị từ chối với lý do không nhận bệnh nhân nước ngoài.

Julien Teel, một người Mỹ 44 tuổi, đã sống ở Nhật 23 năm, cũng cho biết anh gặp phải vấn đề phân biệt tương tự như vậy. Có những lần anh đưa bạn đến cửa hàng lưu niệm ở Tokyo nhưng không ai bán hàng cho anh, ngay cả khi anh nói bằng tiếng Nhật với chủ cửa hàng, họ trả lời không tiếp người nước ngoài. Anh rất bực tức bởi nếu là ở Mỹ, họ sẽ có quyền khiếu nại đến cảnh sát, thế nhưng ở Nhật không có luật chống phân biệt đối xử, vì vậy người nước ngoài cũng chẳng thể làm gì được.

Ở đảo Otaru phía bắc tỉnh Hokkaido, vào năm 1998 đã từng có nhiều nhà tắm công cộng treo biển: “Chúng tôi từ chối nhận người nước ngoài”. Sau đó, do khiếu nại từ khách du lịch quá nhiều, tòa án đã phán quyết rằng những nhà tắm đó phải nộp phạt đồng thời giỡ những tấm biển phân biệt chủng tộc kia xuống. Tuy nhiên cuộc sống của những người nước ngoài tại Nhật vẫn còn rất khó khăn. Ở các điểm dịch vụ, vẫn còn rất nhiều tấm biển “Chỉ phục vụ khách Nhật” và giá dịch vụ tính cho khách nước ngoài cao hơn nhiều lần khách Nhật.

Trên đây là những câu chuyện được đăng trên báo Asahi Shimbun năm 2001.

Đến thời điểm hiện tại, dù đã nhiều năm trôi qua nhưng vấn đề bài ngoại vẫn còn rất nhức nhối trong xã hội Nhật. Rất nhiều người Nhật ghét những người có diện mạo không giống họ.

Tháng 7/2015, The Diplomat đưa tin: “Thật đáng buồn khi tình trạng bài ngoại vẫn còn quá phổ biến ở Nhật, người Nhật còn xa lánh cả những láng giềng Hàn Quốc của họ.”

Cô Yasuko Morooka, luật sư bảo vệ nhân quyền cho người nước ngoài, tin rằng chính phủ Nhật cần có biện pháp mạnh tay để chấm dứt thái độ thù địch của một số người Nhật chống lại người Hàn.

Thái độ chống Hàn tại Nhật có một lịch sử rất lâu đời, đó là từ trận động đất vùng Kanto năm 1923. Sau trận động đất, bỗng nhiên có những lời đồn đại về việc người Hàn đầu độc giếng nước ăn của người Nhật, người Hàn sẽ tấn công người Nhật. Sau những lời đồn khủng khiếp đó, hàng ngàn người Hàn và hàng trăm người Trung Quốc đã bị sát hại.

Theo Japan Times, đến ngày nay, truyền thông xã hội còn khiến cho những lời đồn vô căn cứ như thế trở nên dễ phổ biến hơn, ví dụ như sau trận lở đất tại Hiroshima tháng 8 năm ngoái tại Nhật, bỗng nhiên trên mạng xã hội xuất hiện thông tin nhiều người Hàn đột nhập vào nhà của người Nhật để ăn cắp dù chả có căn cứ gì. Trong khi đó trên thực tế cảnh sát công bố họ có nghe người dân báo cáo về một số vụ đột nhập nhà của người Nhật nhưng bởi vì thiệt hại chẳng đáng kể nên không có điều tra gì thêm.

Những thay đổi tích cực

Bộ Nội vụ Nhật công bố tính đến ngày 1/1/2015 dân số Nhật là 126.163.576, giảm 271.058 người so với cách đây 1 năm. Dự kiến vào năm 2025, dân số Nhật sẽ giảm 700 nghìn người/năm. Đến năm 2060, con số này sẽ là 1 triệu người. Điểm sáng duy nhất trong bức tranh nhân khẩu học của Nhật đó là số lượng người nước ngoài tại Nhật tăng 59.528 người trong năm 2014.

Với tình trạng dân số giảm như trên, tình trạng thiếu lao động kéo dài, định hướng thu hút khách du lịch của chính phủ Nhật cũng như việc ngày một nhiều công ty Nhật muốn thâm nhập các thị trường nước ngoài, người Nhật dù có thể trong thâm tâm họ không thực sự muốn nhưng họ sẽ buộc phải chào đón người nước ngoài.

Và thay đổi đang thực sự đến, từ nhiều phía. Japan Today đưa tin tháng 12 năm ngoái, tòa án tối cao Kyoto đã đưa ra phán quyết buộc nhóm Zaitokukai (nhóm những người Nhật phản đối ưu đãi quyền lợi cho người Hàn Quốc) phải nộp phạt vì những lời lẽ bài ngoại chống người Hàn Quốc.

Những nhà hoạt động xã hội cũng đang trở nên tích cực hơn. Một số người Hàn và người Nhật đã lập ra Trung tâm chống phân biệt chủng tộc với trang web riêng. Bất kỳ người Hàn Quốc nào gặp phải vấn đề phân biệt đối xử sẽ có thể thông báo và họ sẽ nhận được trợ giúp. Thông tin thu thập được từ web sẽ dùng để vận động hành lang với chính phủ Nhật nhằm đưa ra chính sách có lợi hơn cho người nước ngoài.

Theo Ashahi, về phía chính phủ Nhật, từ cuối năm ngoái, họ cũng đã tiến hành một cuộc tổng điều tra đối với các hành động phân biệt đối xử để tìm hiểu xem đã có bao nhiêu trường hợp như vậy và nguyên nhân đằng sau nó là gì.

Về phía người dân, ngày càng có nhiều người có thái độ cởi mở với người nước ngoài. Đó là những câu lạc bộ tiếng Nhật được thành lập chuyên hỗ trợ cho người nước ngoài mọc lên như nấm. Ở đó người Nhật không chỉ giúp đỡ người nước ngoài học tiếng mà còn chia sẻ những lời khuyên về cuộc sống ở Nhật.

Cuối năm ngoái, hàng trăm người Nhật đã biểu tình phản đối các hành vi phân biệt đối xử tại Tokyo và Osaka. Và mới đây khi các cuộc biểu tình chống người Hàn đang diễn ra ở Shin-Okubo, hàng trăm người Nhật đã có mặt để lên tiếng ủng hộ cho những người bạn Hàn.

Dù hiện tại còn tình trạng phân biệt đối xử nhưng chắc chắn trong tương lai, người nước ngoài tại Nhật sẽ có cuộc sống dễ chịu hơn bởi chính Nhật cũng đang hướng tới mục tiêu toàn cầu hóa, họ sẽ phải lắng nghe tiếng nói từ quốc tế để dần thay đổi. Nếu người Nhật muốn giữ vị thế hàng đầu của mình trên thế giới, họ cần phải đảm bảo tiếng nói của mỗi thành viên trong xã hội đều được lắng nghe và tôn trọng.

Ngọc Thúy

Cùng chuyên mục
XEM