Nghệ thuật rửa tiền của người giàu Trung Quốc
09/05/2014 14:08 PM
|
Theo Tổ chức Tài chính minh bạch thế giới, ước tính lên tới 1,08 nghìn tỷ USD tài sản bất hợp pháp đã tuồn vào Đại lục từ năm 2002 - 2011.
Nội dung nổi bật:
- Các tác phẩm nghệ thuật đang được giới rửa tiền ưa thích vì giá của chúng khó xác minh. Nền nghệ thuật tại Trung Quốc đang phát triển chạm mốc 15 tỷ USD, trở thành thánh địa lý tưởng để giới tội phạm tiến hành những “tiểu xảo” rửa tiền.
- Đầu tiên, người giàu Trung Quốc mua một tác phẩm nghệ thuật trong Đại lục, sau đó bán ra nước ngoài lấy một khoản tiền lớn. Khoản lợi nhuận dưới dạng ngoại hối sẽ được cho vào két một cách hợp pháp.
- Trong nhiều trường hợp, các tác phẩm được dùng như một hình thức để đút lót, trong đó người đi đút lót sẽ trả mức giá cao bất thường để người nhận đút lót bán một tác phẩm, sau đó tiền sẽ nằm trong tài khoản của người nhận đút lót một cách hợp pháp.
- Theo số liệu của Tổ chức Tài chính minh bạch thế giới, ước tính lên tới 1,08 nghìn tỷ USD tài sản bất hợp pháp đã tuồn vào Đại lục từ năm 2002 - 2011.
Chính quyền Trung Quốc đã có nhiều biện pháp để kiểm soát dòng tiền chảy ra nước ngoài, trong đó có quy định giới hạn lượng tiền cá nhân được phép mang theo khi xuất cảnh tối đa 50.000 USD/năm.
Tuy nhiên, rất khó ngăn cản con đường rửa tiền xuyên biên giới của nhiều người giàu tại đất nước này. Các tác phẩm nghệ thuật đang được giới rửa tiền ưa thích vì giá của chúng khó xác minh. Nền nghệ thuật tại Trung Quốc đang phát triển chạm mốc 15 tỷ USD, trở thành thánh địa lý tưởng để giới tội phạm tiến hành những “tiểu xảo” rửa tiền.
Chi tiêu tiền mặt là phương thức giao dịch phổ biến nhất của hoạt động này, khiến việc lần tìm nguồn gốc của tiền trở nên khó khăn hơn. “Mấu chốt của ngành công nghiệp rửa tiền là tính bí mật. Cội nguồn của mọi loại giấy tờ sẽ không thể bị lần ra”, bà Lynda Albertson, Giám đốc Điều hành Tổ chức nghiên cứu tội phạm chống lại nghệ thuật cho biết.
Quả thật, điều này phù hợp với đặc thù của thị trường nghệ thuật nói chung và thị trường nghệ thuật Trung Quốc nói riêng. Chúng rất thích hợp để che giấu những hành vi trái pháp luật. Bởi đầu tiên, người giàu Trung Quốc mua một tác phẩm nghệ thuật trong Đại lục, sau đó bán ra nước ngoài lấy một khoản tiền lớn. Khoản lợi nhuận dưới dạng ngoại hối sẽ được cho vào két một cách hợp pháp.
Một phương pháp khác là mua tác phẩm từ nước ngoài của một bên thứ ba với giá bị thổi lên, bên thứ ba đóng vai trò “chân gỗ” sẽ lấy phần gốc, gửi phần dư ra vào một tài khoản ngân hàng nước ngoài do bên mua chỉ định. Như vậy, nếu cơ quan chức năng đến điều tra, người mua chỉ việc trình ra hóa đơn và tác phẩm, kể cả đó chỉ là một tác phẩm giả mạo.
Trong nhiều trường hợp, các tác phẩm được dùng như một hình thức để đút lót, trong đó người đi đút lót sẽ trả mức giá cao bất thường để người nhận đút lót bán một tác phẩm, sau đó tiền sẽ nằm trong tài khoản của người nhận đút lót một cách hợp pháp.
Năm 2011, một báo cáo được tung ra gây chấn động, cho thấy Trung Quốc vượt mặt Mỹ trên thị trường trao đổi đồ cổ và các tác phẩm nghệ thuật. Nhưng sau khi tiến hành tìm hiểu, các chuyên gia nhận thấy một sàn giao dịch có tên Poly Auctions, trụ sở tại Bắc Kinh, đóng vai trò trong rất nhiều đợt đấu giá và giao dịch lớn trên thị trường.
Poly Auctions với tôn chỉ hoạt động “Mang lại những tác phẩm nghệ thuật của Trung Quốc về Trung Quốc”, nhưng sàn giao dịch này có liên quan trong rất nhiều hoạt động mập mờ.
Một nguồn thạo tin tiết lộ, Poly Auctions thường xuyên thỏa thuận ngầm với người bán để xác định một mức giá cố định cho tác phẩm, thường cao gấp hàng chục lần giá trị thực, sau đó cho phép chính người bán tham gia đấu giá. Khi đưa lên sàn, nếu mọi người trả giá thấp hơn giá đã định trước, người bán sẽ chốt tại giá đã định và cầm về bức tranh.
Sau đó, người bán sẽ trả một khoản phí cho Poly Auctions, nhưng sở hữu một tác phẩm đã được đẩy giá khống lên gấp nhiều lần. Các tác phẩm này sau đó có thể được bán lấy tiền hoặc dùng như một lễ vật để đút lót vì quan chức Trung Quốc thích những khoản lót tay không truy được nguồn gốc như vậy.
Các hình thức này có hiệu quả vì rất khó để định giá một bức tranh hay món đồ cổ. Do việc thẩm định quá trình giao dịch là rất khó, kể cả Chính phủ Trung Quốc cũng không dễ cáo buộc một người nào đó đã trả giá quá cao, ông Steve Dickinson, luật sư tại Phòng luật Harris & Moure cho biết. “Đây là một phương cách hoàn hảo, vì không ai có thể bắt bẻ bạn về giá cả. Một bức tranh có thể giá 5 USD, nhưng cũng có thể được định giá 50 triệu USD”, ông giả định.
Tuy nhiên, đôi lúc vẫn có những vụ truy quét diễn ra. Ông Paul Tehan, chuyên viên tại TrackArt, một công ty Hong Kong chuyên tư vấn về rủi ro trong nghệ thuật cho biết, trong năm 2012, giới lãnh đạo của một công ty vận chuyển các tác phẩm nghệ thuật của Trung Quốc đã bị bắt giữ do cáo buộc định giá khống các tác phẩm nhập khẩu để giúp người mua trốn hàng triệu USD tiền thuế.
Rất khó để xác định lượng tiền chảy ra khỏi Trung Quốc qua con đường này. Nhưng theo số liệu của Tổ chức Tài chính minh bạch thế giới, con số là rất khổng lồ, ước tính lên tới 1,08 nghìn tỷ USD tài sản bất hợp pháp đã tuồn vào Đại lục từ năm 2002 - 2011.
Hai sàn đấu giá lớn nhất thế giới là Christie's và Sotheby's đều tiến hành nhiều giao dịch lớn với Trung Quốc, đã từ chối bình luận về các biện pháp bảo vệ tác phẩm của họ đối với những hoạt động trái pháp luật.
Đối với nền nghệ thuật chân chính, các hoạt động rửa tiền là một vấn đề đau đầu. Một số chuyên gia cho biết, cách duy nhất để dẹp bỏ vấn nạn này là gột sạch tham nhũng. Rất nhiều tác phẩm chào bán đã bị đẩy xa khỏi giá trị thật. Bà Katie de Tilly, Giám đốc Phòng triển lãm 10 Chancery Lane Gallery tại Hong Kong cho biết: “Điều này tạo ra sự mập mờ trong việc đầu tư và sưu tập các tác phẩm nghệ thuật”.
Theo Trương Thị Thùy Giang
Theo Thời báo Ngân hàng
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!