Myanmar: Đất nước đang chờ được thắp sáng

30/01/2015 09:33 AM |

Tuy mức thuế suất dành cho ngành điện tại Myanmar thuộc loại thấp nhất trên thế giới nhưng có tới 70% dân số nước này không được tiếp cận với nguồn điện.

Nội dung nổi bật:

- Thị trường điện tại Myanmar rất có tiềm năng khi lượng điện sản xuất tại đây chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu dân số.

- Thủy điện là nguồn sản xuất điện năng chính tại Myanmar, chiếm hơn 70% sản lượng điện. Điều này gây nên khó khăn lớn vào mùa khô, sản lượng điện bị sụt giảm đáng kể, thậm chí là bị gián đoạn hoàn toàn.

- Khi đầu tư vào ngành điện tại Myanmar, các nhà đầu tư sẽ đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức bao gồm chính sách chưa ổn định, rủi ro chính trị, giá điện thấp và hệ thống truyền tải và phân phối điện kém.


Chỉ 33% dân số được sử dụng điện

Myanmar là một trong những nước có tỷ lệ điện hóa thấp nhất thế giới. Ngay cả với mức tăng trong những năm gần đây, chỉ có 33% dân số nước này được kết nối với lưới điện. Trong khi tỷ lệ này đạt mức cao hơn đối với các thành phố lớn, phần lớn khu vực nông thôn Myanmar hầu như không có điện.

Thiếu điện đe dọa tới tiến trình chuyển đổi kinh tế của Myanmar. Nó hạn chế việc mở rộng các dự án cơ sở hạ tầng, khiến cho các ngành công nghiệp không thể phát triển ổn định, và làm kìm hãm tăng trưởng việc làm. Tại các khu vực nông thôn, trường học và trạm y tế hoạt động với nguồn điện năng ít ỏi, thậm chí phải hoạt động trong bóng tối.

Theo đánh giá của ngân hàng thế giới, thúc đẩy tăng trưởng toàn diện ở Myanmar đồng nghĩa với việc phải cải thiện nguồn cung điện "nghèo nàn" của nước này.

 

Hơn 70% sản lượng điện của Myanmar được sản xuất từ các nhà máy thủy điện, 25% từ các nhà máy điện khí và số còn lại đến từ nhà máy điện hơi (điện than).

Hơn 70% sản lượng điện của Myanmar được sản xuất từ các nhà máy thủy điện, 25% từ các nhà máy điện khí và số còn lại đến từ nhà máy điện hơi (điện than).

Myanmar nằm trong khu vực địa lý có trữ lượng rất lớn của khí tự nhiên và thấp hơn một chút là dầu. Cả khí và dầu đều có thể được tận dụng để chuyển hóa thành điện năng. Tuy nhiên, hầu hết các nguồn điện của Myanmar đến từ thủy điện. Cả nước Myanmar mới có 10 nhà máy điện khí đốt với công suất 834 MW và một nhà máy điện đốt than duy nhất.

Dựa vào thủy điện gây ra những thách thức to lớn trong mùa khô khi gần 75% nguồn điện năng của đất nước bị sụt giảm đáng kể, thậm chí là gián đoạn hoàn toàn. Trong mùa khô, rất nhiều gia đình phải chờ đợi rất lâu chỉ để có thể sử dụng điện trong vòng 1 giờ mỗi ngày.

Người dân giận dữ

Năm ngoái, tại Yangon - thành phố được cung cấp lượng điện năng cao nhất nước, người dân đã tỏ ra giận dữ và tổ chức biểu tình đối với kế hoạch tăng giá điện của chính phủ. Theo đó, chính phủ Myanmar đã phải nhượng bộ và giữ nguyên mức giá cũ.

Thực tế, giá điện tại Myanmar đang được hưởng mức trợ giá khá cao, đồng nghĩa với giá điện bán ra thấp hơn nhiều so với chi phí sản xuất. Mức giá người tiêu dùng phải trả chỉ bằng 33% chi phí sản xuất.

"Mức thuế dành cho ngành điện năng tại Myanmar thuộc hàng thấp nhất trên thế giới", Vikas Sharma,phó giám đốc tại công ty nghiên cứu thị trường Frost & Sullivan Singapore cho biết.

Một số chuyên gia nhận định rằng, các cuộc biểu tình có thể sẽ khiến cho nguồn điện khó tới gần hơn với người dân Myanmar. Dưới góc độ của nhà sản xuất điện và chính phủ, khi những khoản thu về không đủ để vượt qua chi phí sản xuất, rất khó để các nhà sản xuất có thể tăng thêm sản lượng điện.

Đồng thời, Yangon cũng đang phải lo đối phó với các cuộc biểu tình từ những người dân không được sử dụng điện. Có đến 70% người dân của nước này vẫn không được tiếp cận với nguồn điện và thậm chí nhiều hơn như vậy, vậy mà 1/10 lượng điện năng được sản xuất tại Myanmar lại đang được xuất khẩu ra bên ngoài biên giới của chính nước này.

Hiện tại, công suất tiêu thụ điện của nước này ước tính khoảng 110 kWh/người/năm, đây là mức tiêu thụ thấp nhất tại ASEAN. Yangon và một số thành phố chính thường xuyên xảy ra việc cắt điện luân phiên. Hầu hết doanh nghiệp phải sử dụng máy phát điện tại chỗ với chi phí đắt đỏ.

Một chuyên gia người Mỹ giấu tên cho biết rằng nhiều người ở khu vực nông thôn dường như đã từ bỏ hy vọng về việc chính phủ sẽ cung cấp nguồn điện tới nơi họ sinh sống.

Tiềm năng nhưng cũng nhiều rủi ro

Theo nhận định của VPBS, thiếu hụt điện là một trong những mối quan tâm chính của Myanmar vì nó làm giảm sự phát triển kinh tế của đất nước. Vì vậy, ngành điện sẽ vẫn là một trong những ngành được ưu tiên đầu tư của Chính phủ nước này.

Theo thống kê, ngành năng lượng là ngành thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều nhất Myanmar. Mặc dù số dự án đầu tư không nhiều nhưng theo cục trưởng Cục quản lý Đầu tư và Doanh nghiệp (DICA), tổng vốn FDI vào ngành điện đã lên tới 19,32 tỷ USD, chiếm 36,57% tổng vốn FDI.

Trong đó, Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong ngành điện của Myanmar (chủ yếu là thủy điện) với tổng giá trị đầu tư hơn 13 tỷ USD. Thái Lan xếp thứ hai với 6 tỷ USD. Gần đây, một số quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Mỹ cũng khá quan tâm đến ngành điện của Myanmar.

Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể gặp phải một số rủi ro và thách thức bao gồm chính sách chưa ổn định, rủi ro chính trị, giá điện thấp và hệ thống truyền tải và phân phối điện kém.

Cùng với đó, nhà đầu tư cũng nên quan tâm đến những ảnh hưởng của dự án đến xã hội và môi trường. Dự án được biết đến nhiều nhất trong các dự án của Trung Quốc là dự án thủy điện Đập Myitsone trên sông Ayeyawady đã bị dừng thi công từ năm 2011, do sự phản đối của người dân về các ảnh hưởng đến xã hội và môi trường xung quanh.

Báo cáo từ ngân hàng thế giới cho biết, công suất điện lắp đặt tại Myanmar hiện chỉ vào khoảng 3.734 MW (so với 26.500 MW tại Việt Nam). Theo ước tính của Bộ Điện lực Myanmar, nhu cầu tiêu thụ điện có thể tăng mạnh lên khoảng 20.000 MW vào năm 2031.

>> Điểm danh những doanh nghiệp Việt đầu tư vào 'đất vàng' Myanmar

Thái Nam

Nguyễn Trung Anh

Cùng chuyên mục
XEM