Điểm danh những doanh nghiệp Việt đầu tư vào 'đất vàng' Myanmar
Hiện có 7 dự án đầu tư của Việt Nam vào Myanmar đã được phê duyệt với số vốn đăng ký đầu tư lên tới gần 600 triệu USD.
Được mệnh danh là "vùng đất vàng" của châu Á, Myanmar sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào mà quốc gia nào cũng phải mơ ước như dầu khí, đồng, đá quý, gỗ,... Cơ sở hạ tầng còn hạn chế nơi đây càng là yếu tố thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài tìm đến khai thác và kiếm lời.
(Xem phần trước: Tương lai của Myanmar: Chọn Thái Lan hay Bangladesh?)
Hơn 10 năm tham gia thị trường Myanmar, các doanh nghiệp Việt Nam đang bước vào giai đoạn đầu của quá trình khai thác đầu tư. Vốn đầu tư từ Việt Nam đã chảy mạnh vào Myanmar từ năm 2012. Việt Nam là nhà đầu tư lớn thứ 2 của Myanmar (sau Trung Quốc) vào năm tài chính 2012-2013, và đứng vị trí thứ 5 trong năm ngoái.
Hiện có 7 dự án đầu tư của Việt Nam vào Myanmar đã được phê duyệt với số vốn đăng ký đầu tư lên tới gần 600 triệu USD.
Trong số những doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Myanmar, đầu tiên chắc chắn phải nhắc đến Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Tập đoàn này đang phát triển Khu phức hợp Khách sạn - Văn phòng & Nhà ở cao cấp có tổng vốn lên đến 440 triệu USD.
Tính đến hết năm 2012, HAGL là nhà đầu tư Việt Nam đầu tiên rót vốn vào lĩnh vực khách sạn và du lịch Myanmar; đồng thời trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, chiếm đến 26% tổng vốn FDI vào lĩnh vực khách sạn và trung tâm thương mại nước này.
Là một trong hai doanh nghiệp có dự án nằm trong tuyên bố chung giữa Việt Nam và Myanmar, Công ty cổ phần Cung ứng nhân lực quốc tế và Thương mại Sông Đà (SIMCO) với dự án mỏ đá cẩm thạch trắng tại Nay Pu Taung sau khi đi vào hoạt động đã và đang thu được những kết quả khả quan. Ngoài ra, dự án thăm dò, khai thác dầu khí có vốn đầu tư 136 triệu USD của Tổng công ty thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP) cũng đã cho kết quả thử vỉa thành công với phát hiện khí ở giếng khoan đầu tiên tại Lô M2.
Bên cạnh các dự án đầu tư đã được phê duyệt, có khoảng 60 doanh nghiệp Việt Nam đã được cấp giấy phép hoạt động tại Myanmar, trong đó có rất nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam như Vietnam Airlines, Viettel và Viglacera.
Tất nhiên, không phải DN nào cũng thành công. Chẳng hạn Dược Hậu Giang (DHG) đã quyết định ngừng dự án xây dựng nhà máy mới tại Myanmar vì rủi ro đầu tư cao. BIDV cũng thất bại trong cuộc tuyển chọn xin cấp giấy phép hoạt động tại xứ chùa vàng.
Tuy nhiên trong mắt nhà đầu tư Việt Nam nói riêng và quốc tế nói chung, Myanmar đang trở thành “mảnh đất vàng cuối cùng” ở châu Á.
Trang Lam