Mỗi dự án giao thông bị 'siết' có thể tiết kiệm được 900 tỷ đồng
Mới chỉ rà soát thiết kế, xác lập lại một số hạnh mục chưa thực sự cần thiết tại 44 dự án, Bộ GTVT đã tiết giảm được 39.365 tỷ đồng. Mỗi dự án giao thông lại đã tiết kiệm 900 tỷ đồng.
Cuối tháng 7 vừa qua, tại buổi họp báo công bố Báo cáo kiểm toán năm 2013 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2012; Kiểm toán nhà nước đã cho rằng, hàng loạt dự án giao thông đã "đội vốn" lên nhiều nghìn tỷ đồng so với dự toán ban đầu.
Điều lạ là, những kết quả kiểm toán không làm nhiều người bất ngờ, bởi lẽ, từ trước tới nay, việc các dự án giao thông "đội vốn" hay "chậm tiến độ"... đã nghe truyền thông nói không ít, thậm chí trong tiềm thức của nhiều người, đó là "chuyện thường ngày ở huyện".
Tuy nhiên, con số gần 40.000 tỷ đồng Bộ Giao thông vừa "tiết kiệm" được từ việc rà soát, điều chỉnh một số hạng mục của 44 dự án giao thông vừa qua chắc hẳn khiến không ít người giật mình.
Con số đáng chú ý này đã được Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông Trần Xuân Sanh báo cáo với Bộ trưởng Đinh La Thăng trong cuộc họp về công tác quản lý chất lượng và tiến độ các dự án xây dựng công trình giao thông 7 tháng đầu năm và kế hoạch các tháng cuối năm 2014 vừa diễn ra.
Theo thông tin từ Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, trong năm 2014 dự kiến có 155 công trình, dự án được khởi công và hoàn thành.
Bao gồm, có tổng số 78 công trình, dự án khởi công, hoàn thành trong 7 tháng đầu năm 2014 và 77 công trình, dự án dự kiến khởi công, hoàn thành dự kiến trong 5 tháng cuối năm 2014.
Về việc rà soát kết quả áp dụng các giải pháp để tiết giảm chi phí đầu tư của các dự án, từ khi thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP đến nay đã rà soát 44 dự án với kinh phí tiết giảm là 39.365 tỷ đồng.
Trong đó, tính đến tháng 12/2013 đã rà soát 19 dự án, kinh phí tiết giảm là 34.124 tỷ đồng. Trong 7 tháng đầu năm 2014 đã rà soát 25 dự án, kinh phí tiết giảm ước tính khoảng 5.241 tỷ đồng.
Tính trung bình, mỗi dự án giao thông rà soát lại, Bộ Giao thông vận tải đã "tiết kiệm" được khoảng 900 tỷ đồng.
Cụ thể, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đã giảm được 8.464 tỷ đồng; dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi giảm hơn 3.000 tỷ đồng; tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng giảm được 3.300 tỷ đồng...
Theo đánh giá của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, hoạt động rà soát thiết kế, tiết giảm chi phí đầu tư sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng các công trình giao thông.
Đại diện cục này cho rằng, thiết kế không phù hợp dẫn đến một số hạng mục chưa cần thiết là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều dự án giao thông bị đội vốn. Do đó, khi rà soát lại và cắt bỏ, chi phí đầu tư đã lập tức giảm đi rất nhiều.
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, giao thông vận tải là ngành chịu nhiều ảnh hưởng trong quá trình tổ chức thi công, đồng thời cũng ảnh hưởng lớn nhất đến người dân.
"Cho nên chúng ta phải có trách nhiệm tổ chức, xử lý đảm bảo tiến độ và chất lượng các công trình giao thông, đáp ứng được sự đòi hỏi chính đáng của người dân. Đây vừa là mục tiêu, vừa là trách nhiệm, danh dự của ngành giao thông vận tải", Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Thăng cũng chỉ rõ những hạn chế trong công tác rà soát, thực hiện các dự án giao thông như: Việc thực hiện các chế tài còn chưa nghiêm, chưa quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ của từng cá nhân, từng chủ thể.
Do đó, vẫn còn tồn tại những hạn chế như một số công trình kém chất lượng; vấn đề chậm tiến độ tại một số dự án vẫn còn khó khăn.
Đặc biệt, các công trình, dự án giao thông ngoài Bộ Giao thông vận tải quản lý vẫn chưa được quan tâm đầy đủ, đúng mức. Việc bán thầu vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, nhiều dự án.
Bộ trưởng Thăng yêu cầu, thời gian tới tiếp tục xác định công tác quản lý chất lượng, tiến độ các dự án, công trình giao thông là yêu cầu cấp bách, lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì bền bỉ. Coi đây là mục tiêu, động lực và trách nhiệm, danh dự đồng thời là hiệu quả của doanh nghiệp, là thu nhập của người lao động.
Bộ trưởng đề nghị Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông sớm hoàn chỉnh nội dung báo cáo để làm căn cứ tổ chức triển khai thực hiện.
Hy vọng rằng, quyết tâm của người đứng đầu ngành giao thông sẽ truyền được lửa cho toàn ngành, nhất là quyết tâm trong việc rà soát, siết lại các dự án, công trình giao thông.
Bởi lẽ, chỉ tính riêng trong năm 2014, đã có tới 155 dự án khởi công và hoàn thành, nếu mỗi dự án rà soát chỉ cần giảm được vài chục tỷ đồng, ngân sách Nhà nước cũng đã tiết kiệm được nhiều tỷ USD.>> Những chính sách có hiệu lực từ giữa tháng 8/2014