Mất 1,7 tỷ USD mỗi năm do tắc nghẽn giao thông

12/10/2013 15:37 PM |

15 năm qua liên tục mất cân đối giữa tăng trưởng hàng hóa, thương mại và đầu tư vào hạ tầng.

Nội dung nổi bật:

- Với 90% nhu cầu, thương mại quốc tế của Việt Nam có ưu thế vận chuyển bằng đường biển nhưng quy hoạch tổng thể cảng biển không thúc đẩy sự cân bằng giữa cung và cầu trong xử lý container tại các cảng biển.

- Ảnh hưởng về kinh tế của vấn đề tắc nghẽn giao thông đối với người sử dụng hệ thống này ước tính là 1,7 tỷ USD mỗi năm.

- 15 năm qua Việt Nam liên tục mất cân đối giữa: Tăng trưởng khối lượng vận chuyển hàng hóa là 12%, tăng trưởng thương mại 18%/năm nhưng đầu tư vào hạ tầng chỉ 3,1% GDP và phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư công.


Mới đây trong báo cáo về kinh tế Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2013, Ngân hàng thế giới đã chỉ rõ Cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế khiến hoạt động thương mại bị giảm khả năng cạnh tranh.

Giảm khả năng cạnh tranh!

Hiện nay, cơ sở hạ tầng (CSHT) giao thông của Việt Nam bao gồm 26 sân bay, với 8 sân bay có đường băng dài 3.000m có khả năng đón nhận các máy bay lớn, 3.200 km đường sắt quốc gia, khoảng 17.300 km quốc lộ, 49 bến cảng với 217 cầu cảng.

Mặc dù tiềm năng về cảng biển cũng như dịch vụ logistics của Việt Nam là rất lớn và có nhiều đầu tư công vào nâng cấp hạ tầng giao thông nhưng năng lực giao thông vẫn chưa theo kịp tăng trưởng xuất khẩu.

Với 90% nhu cầu, thương mại quốc tế của Việt Nam có ưu thế vận chuyển bằng đường biển. Tuy công suất cảng biển hiện có thể đáp ứng được nhu cầu hiện tại song quy hoạch cảng biển mới không phải lúc nào cũng dựa trên nhưng dự báo nhu cầu. Quy hoạch tổng thể cảng biển không thúc đẩy sự cân bằng giữa cung và cầu trong xử lý container tại các cảng biển.

Cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế
Cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế

Đơn cử, cảng Cái Mép xây dựng với công suất thiết kế là 6,4 triệu TEUs/năm vào thời điểm năm 2011 nhưng nhu cầu hiện nay chỉ đạt 0,5 – 0,7 triệu TEUs. Mức độ sử dụng cảng Cái Mép – Thị Vải là 18% và dự kiến chỉ đạt 40% vào năm 2012.

Điều này chứng tỏ cảng biển nước sâu Cái Mép – Thị Vải vẫn chưa khai thác triệt để, thiếu khối lượng tới hạn để trở thành trung tâm trung chuyển. Ngoài ra, các hãng vận tải container càng ngày càng thấy cảng này ít hấp dẫn trong việc thu hút những tàu lớn.

Bên cạnh việc chậm phát triển về cảng biển thì hệ thống giao thông vận tải đường bộ nhỏ hẹp, xuống cấp trầm trọng ảnh hưởng lớn đến việc trung chuyển trong hoạt động kinh doanh. Ngân hàng thế giới tại Việt Nam thống kê, tắc nghẽn đường cao tốc cũng khiến cho những người sử dụng và không sử dụng hệ thống vận tải hàng hóa phải chịu một khoản chi phí.

Ước tính việc tắc nghẽn giao thông có thể khiến cho DN mất 152 triệu USD trong năm 2012 và mất 274 triệu USD trong năm 2020. Trong đó, ảnh hưởng về kinh tế của vấn đề tắc nghẽn giao thông đối với người sử dụng hệ thống này ước tính là 1,7 tỷ USD mỗi năm.

Rào cản hạ tầng

Với tình trạng hạ tầng yếu như hiện nay vô hình chung hạ tầng đang là rào cản cho hoạt động thương mại”. Thực tế chứng minh rõ sự yếu kém của cơ sở hạ tầng, 15 năm vừa qua Việt Nam liên tục mất cân đối giữa tăng trưởng khối lượng vận chuyển hàng hóa là 12%, tăng trưởng thương mại 18%/năm nhưng tăng trưởng đầu tư hạ tầng giao thông chỉ ở mức rất thấp. Đầu tư vào hạ tầng chỉ 3,1% GDP và phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư công.

Ông Nguyễn Trọng Hoài, Phó hiệu trường đại học Kinh tế TP.HCM lý giải về nguyên nhân ì ạch trong đầu tư cơ sở hạ tầng: “Phát triển hạ tầng giao thông là đúng nhưng ngân sách của chính phủ hạn chế vì thâm hụt nhân sách của NN là 5%, nợ công 5% nên khó khăn cho việc đầu tư công vào hệ thống cơ sở hạ tầng”.

Đầu tư hạ tầng còn phụ thuộc nhiều vào đầu tư công
Đầu tư hạ tầng còn phụ thuộc nhiều vào đầu tư công

Ông Phạm Minh Đức, chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng thế giới cho biết: “Mức độ đầu tư hạ tầng giao thông vận tải hàng năm là 3,1% GDP (năm 2009- 2011), thấp hơn nhiều so với mức trung bình của các quốc gia có cùng một mức độ phát triển. Trong khi đó, dự kiến năm 2020, xuất khẩu sẽ tăng gấp 3 lần.

Trong khi đầu tư hạ tầng hỗ trợ thương mại Việt Nam vẫn “giậm chân tại chỗ” thì các quốc gia như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan… lại tích cực đầu tư vào lĩnh vực này. Cho nên, dự báo Việt Nam sẽ mất năng lực cạnh tranh nếu như không đầu tư thêm vào hạ tầng giao thông.

Trước sự quan trọng và cấp thiết để đáp ứng tốt nhu cầu hỗ trợ thương mại ông Nguyễn Trọng Hoài cho rằng, trong thời gian tới, Việt Nam cần huy động nguồn vốn tư nhân vào đầu tư cơ sở hạ tầng thông qua hình thức hợp tác công tư (PPP). Đồng thời, tăng cường hành lang thương mại và tiếp cận với các cửa ngõ quốc tế tăng cường năng lực cạnh tranh thương mại.

Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế, thu hút nhiều DN trong và ngoài nước đầu tư nhưng hạ tầng giao thông chậm phát triển và là yếu điểm cần khắc phục. “Nên xây dựng và thực thi kế hoạch hành động quốc gia về logistic. Trong đó, nên xây dựng gấp một khung pháp lý để thực hiện đầu tư PPP”, ông Phạm Minh Đức nhấn mạnh.

Theo Việt Lê

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM