Mang cả nồi cơm lên cơ quan nấu để xài điện 'chùa'
Tranh thủ cắm nồi cơm, sạc đầy pin điện thoại, làm muộn để còn tắm giặt ở công ty,... Sợ hóa đơn tiền điện tăng cao ngất vào những ngày hè nắng nóng, không ít chị em văn phòng tìm đủ cách để xài điện chùa nơi làm việc.
Phòng làm việc thơm mùi cơm chín
Ngày nào cũng như ngày nào, đều như vắt chanh, cứ sáng ra chị Vũ Thị Xuân - nhân viên một cơ quan nhà nước trên đường Phan Đình Phùng (Ba Đình, Hà Nội) - lại đong 2 bát gạo bỏ vào túi nilon đem đến cơ quan để chiều tối, khi chuẩn bị tan sở, là chị tranh thủ vo gạo cắm nồi cơm. Khi về cũng là lúc cơm đã chín, chị chỉ việc bỏ vào cặp lồng rồi xách về.
Chị Xuân kể, cái nắng kinh hoàng của mùa hè năm nay khiến hóa đơn tiền điện nhà chị tăng đột biến. Điều hòa, quạt, tivi, tủ lạnh, máy giặt,... toàn thứ cần thiết không thể ngừng sử dụng. Hô hào mọi người ở nhà tiết kiệm không được, chị nghĩ ra cách đem gạo, nồi cơm điện lên cơ quan để nấu, vừa tiết kiệm lại tranh thủ lúc rảnh rỗi.
“Nhà tôi cách cơ quan chưa đầy 400 m, đi đi về về mất chưa đầy 5 phút nên việc mang gạo chẳng có gì la ngại. Là cơ quan nhà nước nên mọi người cũng không để ý đến việc này”, chị Xuân chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hà, nhân viên một công ty công nghệ thông tin trên đường Duy Tân (Cầu Giấy), cho hay, cơ quan chị đang rộ lên phong trào đem gạo lên cơ quan thổi nấu, tối đem cơm về nhà ăn.
“Có hôm, 3h chiều đã thấy 5-6 cái nồi cơm điện bốc hơi nghi ngút. Mọi người tranh nhau ổ điện cắm cơm, phòng làm việc chiều nào cũng thơm nức mùi cơm chín”, chị nói.
Theo lời chị Hà, mùa đông thì chỉ 1-2 chị tranh thủ xài “điện chùa”, nhưng sang mùa hè thì ai cũng muốn nấu trên cơ quan, tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy.
Thừa nhận điều này, anh Nguyễn Xuân Dương ở khu chung cư Đại Thanh (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, thấy hóa đơn tiền điện tháng 5 tăng gấp đôi, vợ anh liền quán triệt phải tuyệt đối tiết kiệm điện và vạch ra phương án tích cực xài “điện chùa”.
Cụ thể, hàng ngày vợ anh sẽ chịu khó đem nồi cơm điện lên cơ quan để cắm cơm. Còn anh, trước khi tan sở phải sạc đầy pin điện thoại. Thậm chí, chiếc quạt tích điện dự phòng dùng cho lúc mất điện anh cũng đem lên cơ quan để sạc.
“Làm như vậy liền một tháng, tôi thấy đỡ được mấy chục ngàn tiền điện. Số tiền này không nhiều nhưng với vợ tôi, tiết kiệm được một đồng cũng tốt”, anh Dương nói.
Kéo cả con lên cơ quan tắm giặt
Ngoài dùng điện chùa, dân công sở còn tranh thủ dùng “nước chùa” để tắm rửa, giặt giũ trên cơ quan.
Làm việc trên đường Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) ngay cạnh trường mầm non của con trai nên chiều nào trước khi tan sở, chị Phạm Hồng Nhung cũng tranh thủ đón con về cơ quan. Chờ đến khi tan làm, mọi người về hết là cả hai mẹ con cùng tắm táp, giặt giũ quần áo xong xuôi mới về.
Chị Nhung cho hay, tắm giặt ở cơ quan không đơn giản như ở nhà. Chị phải chờ mọi người về hết. Chưa kể, hôm nào cũng lỉnh kỉnh chuẩn bị quần áo cho cả hai mẹ con, tối tắm giặt xong lại xách túi quần áo ướt về. Nhưng chị đành chấp nhận để giảm thiểu việc dùng nước, điện ở nhà.
Tương tự, anh Bùi Minh Đức (Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội) đang thực hiện chiến dịch tiết kiệm điện nước một cách triệt để bằng độc chiêu “xài điện cơ quan”.
Anh chia sẻ, tháng 5 vừa rồi chủ nhà trọ thông báo tiền điện phòng anh hết 780.000 đồng, tiền nước hết 120.000 đồng nữa (giá nước chủ nhà trọ thu 12.000 đồng/m3) làm anh vã mồ hôi hột. Số tiền trên bằng 1/6 tháng lương của anh, chưa kể tiền thuê phòng, tiền internet,... mà anh phải đóng hàng tháng.
“Xót ruột, tháng vừa rồi, tôi chăm đi làm sớm, về muộn. Hôm nào cũng 10 giờ đêm mới mò về phòng trọ. Chuyện tắm giặt, cả tháng rồi tôi phải cắp quần áo lên cơ quan để hết giờ làm việc tắm táp, giặt giũ luôn rồi mới về”, anh nói.
Theo anh Dũng, chuyện anh tắm giặt ở cơ quan cũng có khá nhiều người nhòm ngó, nói ra nói vào. Song, để tiết kiệm tiền điện, tiền nước ở nhà, tránh thâm hụt quá mức vào khoản lương ít ỏi của mình anh đành chấp nhận “làm ngơ, bơ đi”.
“Mới hơn một tháng mà hôm vừa rồi chủ nhà trọ thông báo phòng tôi đã giảm được nửa tiền điện và tiền nước”, anh khoe.