Lọt 20 tỷ USD từ TQ: Do VN không kiểm soát được gian lận thương mại

26/06/2015 18:04 PM |

Khi xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, Trung Quốc sẽ ghi nhận giá trị hàng hóa xuất khẩu. Còn ở Việt Nam, nếu cơ quan chức năng không kiểm soát được vấn đề gian lận thì trị giá hàng hóa này sẽ không được tính vào số liệu nhập khẩu.

Nội dung nổi bật:

- Khi so sánh số liệu thống kê của Việt Nam với các nước thì TCTK khẳng định số liệu chênh lệch giữa Việt Nam với các nước là rất ít, ngoại trừ 3 nước là Singapore, Hong Kong và Trung Quốc .

- Sự vụ chênh lệch 20 tỷ USD số liệu thống kê xuất nhập khẩu với Trung Quốc, Tổng cục Thống kê cho rằng có 2 nguyên nhân:

+ Một là, hàng hóa tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh từ Trung Quốc quá cảnh qua Việt Nam được tính vào thống kê xuất khẩu của Trung Quốc nhưng không tính vào nhập khẩu của Việt Nam

+ Hai là, do buôn lậu, gian lận thương mại.


Tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2015 chiều ngày 26/06/2015, đại diện Tổng cục Thống kê đã trình bày về nguyên nhân sự chênh lệch lên tới 20 tỷ USD trong số liệu XNK giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Tổng cục thống kê (TCTK) khẳng định phương pháp thống kê trong lĩnh vực XNK hàng hóa đều tuân theo chuẩn mực 2010 của Liên Hợp Quốc, tất cả các nước đều áp dụng các tiêu chí cơ bản như nước xuất xứ, phân tổ hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu, cách tính trị giá... Do đó chúng ta có thể yên tâm số liệu thống kê có thể được so sánh quốc tế và số liệu này cũng được hòa nhập với cơ sở dữ liệu của LHQ là UN Comtrade.

Bà Lê Thị Minh Thủy - Vụ trưởng vụ thống kê thương mại dịch vụ

Bà Lê Thị Minh Thủy - Vụ trưởng vụ thống kê thương mại dịch vụ

Khi so sánh số liệu thống kê của Việt Nam với các nước thì TCTK khẳng định số liệu chênh lệch giữa Việt Nam với các nước là rất ít, ngoại trừ 3 nước là Singapore, Hong Kong và Trung Quốc.

Singapore và Hong Kong có đặc điểm riêng là những cảng mở nên việc các nước này mua hàng hóa rồi bán lại cho nước thứ 3 là rất phổ biến. Riêng Trung Quốc còn có một đặc thù nữa là nước này có biên giới chung với Việt Nam.

Từ năm 2009 trở về trước Việt Nam áp dụng nguyên tắc tính nhập khẩu hàng hóa tính theo nước gửi hàng do đó chênh lệch trong số liệu thống kê là rất ít. Tuy nhiên từ năm 2010 chúng ta đã áp dụng nguyên tắc nhập khẩu tính theo nước xuất xứ. Do đó từ năm 2010 đến nay chênh lệch số liệu có xu hướng tăng lên. Việc mua hàng nước này bán sang nước khác rất phát triển.

Nguyên nhân chênh lệch

TCTK nhìn nhận có rất nhiều nguyên nhân gây ra chênh lệch này nằm trong 2 nhóm nguyên nhân chính.

Đầu tiên là nhóm nguyên nhân do phương pháp, nhóm này đương nhiên sẽ gây ra chênh lệch trong số liệu, nguyên nhân lớn nhất là nguyên tắc xuất khẩu theo nước hàng đến cuối cùng và nhập khẩu theo nước xuất xứ.

Khi Trung Quốc nhập khẩu hàng của nước khác bán cho Việt Nam hoặc xuất khẩu hàng do Trung Quốc sản xuất thì Việt Nam chỉ ghi nhận nhập khẩu hàng hóa do Trung Quốc sản xuất. Còn hàng hóa do Trung Quốc nhập khẩu từ nước nào thì Việt Nam ghi nhận nhập khẩu theo xuất xứ của nước đó.

Một nguồn nữa gây ra chênh lệch là thống kê với hàng hóa tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh từ Trung Quốc quá cảnh qua Việt Nam. Giá trị hàng hóa này được tính vào thống kê xuất khẩu của Trung Quốc nhưng không tính vào nhập khẩu của Việt Nam do hàng hóa này không tham gia vào quá trình sản xuất tiêu thụ ở Việt Nam. Ngoài ra còn có vấn đề áp trị giá thống kê, cùng một lô hàng hải quan các nước có thể áp trị giá cao thấp khác nhau.

Nhóm nguyên nhân thứ hai là do buôn lậu, gian lận thương mại. Việt Nam có đường biên giới rất dài với Trung Quốc nên việc kiểm soát buôn lậu, gian lận rất khó. Như vậy, Trung Quốc xuất khẩu theo đường tiểu ngạch qua biên giới đường bộ thì nước này sẽ ghi nhận giá trị hàng hóa xuất khẩu.

Tuy nhiên ở Việt Nam nếu cơ quan chức năng không kiểm soát được vấn đề gian lận thì trị giá hàng hóa này sẽ không được tính vào số liệu nhập khẩu. Với các doanh nghiệp khai giảm trị giá nhập khẩu với các nhóm hàng có thuế nhập khẩu cao để giảm số thuế phải nộp thì các cơ quan chức năng của Việt Nam cần có những giải pháp quyết liệt.

Trung Quốc: chênh lệch số liệu không chỉ với Việt Nam

Đại diện TCTK cũng cho biết thêm số liệu thống kê XNK của Trung Quốc với các nước khác cũng chênh lệch rất nhiều với các nước như Malaysia, Thái Lan, Phillipines. Qua theo dõi số liệu thống kê của Trung Quốc từ năm 2010 đến 2013 thì chênh lệch này theo hai hướng ngược nhau. Với những nước ASEAN như Phillipines, chênh lệch số liệu có thể lên tới 50-60%.

Theo hướng ngược lại, thống kê của Trung Quốc với các nước phát triển cũng chênh lệch rất lớn trong đó có Mỹ, Châu Âu. Xuất khẩu của Trung Quốc thấp hơn nhập khẩu của các nước này và nhập khẩu của Trung Quốc cao hơn của các nước này xuất khẩu.

Trong bối cảnh hiện nay giao thương hàng hóa quốc tế rất phát triển, các nước có thể mua bán trao đổi hàng hóa của nhau và điều này gây nên một phần lớn các chênh lệch về số liệu. Việc chênh lệch số liệu này cũng được Trung Quốc đề cập đến trong các hội nghị quốc tế về thống kê và một nguyên nhân rất lớn được đưa ra là do quy tắc xuất xứ và hàng tạm nhập tái xuất.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc TCTK có thể bóc tách được tác động của từng nguyên nhân đến con số chênh lệch thống kê hay không, bà Thủy cho biết việc này chỉ có thể thực hiện được nếu có sự phối hợp với bên Trung Quốc. Hơn nữa số liệu về nhập lậu và gian lận Việt Nam không thể tính toán được do đó việc này cần rất nhiều thời gian.

Sơn Đức

Cùng chuyên mục
XEM