Làm ăn ở Trung Quốc ngày càng khó
Chính sách không nhất quán và luật lệ thiếu minh bạch là lý do chính khiến doanh nghiệp Mỹ nản lòng
Doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại về môi trường pháp lý thiếu minh bạch, thái độ bài ngoại và tình trạng dư thừa công suất của nước này, làm tăng thêm nỗi lo sẵn có về sự bất ổn của nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà đi xuống.
Bản khảo sát thường niên của Phòng Công nghiệp và Thương mại Mỹ ở Trung Quốc ra ngày 20/1 cho thấy các doanh nghiệp Mỹ nhìn nhận môi trường kinh doanh ở Trung Quốc đang trở nên khó khăn hơn.
Trong số 496 doanh nghiệp trả lời bản khảo sát, khoảng 57% – bao gồm các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, tiêu dùng và dịch vụ - cho biết các thách thức hàng đầu ở Trung Quốc là chính sách không nhất quán và luật lệ thiếu minh bạch.
Một phần mười doanh nghiệp được hỏi có kế hoạch chuyển hoặc di dời một phần hoạt động kinh doanh của mình ra khỏi Trung Quốc do các rảo cản pháp lý.
Khảo sát cho thấy hầu hết doanh nghiệp tin rằng thái độ bài ngoại của chính phủ đang gia tăng và 77% doanh nghiệp cảm thấy không được chào đón như một năm trở về trước so với con số 47% của năm ngoái và 44% của năm 2014.
Các doanh nghiệp công nghệ, công nghiệp và tài nguyên là nhóm bi quan nhất với 83% trong số này cảm thấy không được chào đón. Và 44% doanh nghiệp công nghệ cảm thấy bi quan về môi trường pháp lý tương lai ở đây.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã từng nói sẽ bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp nước ngoài làm ăn tại nước này.
Trong vài năm qua, lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố họ đang phát triển một nền kinh tế định hướng thị trường hơn, củng cố chế độ pháp quyền và tạo ra một sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp.
Bất chấp những quan ngại trên, 68% doanh nghiệp trong bản khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ cho biết họ vẫn sẽ tăng đầu tư vào Trung Quốc. Nhưng 32% nói không có kể hoạch đầu tư mới vào nước này – mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và tăng so với mức 24% của năm 2014.
Trong lĩnh vực dịch vụ, 61% doanh nghiệp nói các thay đổi trong chính sách của chính phủ Trung Quốc có lợi cho hoạt động kinh doanh của họ.
Trong khi đó, doanh nghiệp Mỹ và các nước khác cảm thấy mình đang phải đối mặt với môi trường kinh doanh khó khăn hơn ở Trung Quốc. Một khảo sát tương tự về các doanh nghiệp Châu Âu công bố hồi tháng 6 cũng ghi nhận những quan ngại về sự giảm tốc của nền kinh tế và các rào cản chính sách của Trung Quốc.
Lãnh đạo Trung Quốc đang tiếp sức cho các doanh nghiệp trong nước để cạnh tranh với các công ty đa quốc gia nước ngoài.
Chính phủ nước này đã cương quyết hơn trong các cuộc điều tra về chuyển giá và chống độc quyền và thông qua luật an ninh quốc gia trong đó yêu cầu các doanh nghiệp công nghệ phải cung cấp thông tin độc quyền và chia sẻ mã nguồn.
“Vấn đề là hệ thống của Trung Quốc có công bằng và minh bạch?” chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ James Zimmerman nói. Ông cho biết doanh nghiệp Mỹ “sẽ cần phải thay đổi chiến lược nhằm đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận ở Trung Quốc.”
Khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ về môi trường kinh doanh ở Trung Quốc không đưa ra tên bất cứ doanh nghiệp cụ thể nào.
Lần đầu tiên trong 18 cuộc khảo sát thường niên, các doanh nghiệp tỏ ra lo lắng về tình trạng dư thừa công suất.
Trợ giá của chính phủ đã khuyến khích các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp tiếp tục sản xuất bất chấp nhu cầu thấp và sau đó bán sản phẩm ra thị trường nước ngoài, chiếm lĩnh mọi mặt hàng từ thép đến lốp xe và đẩy giá bán xuống.
Các doanh nghiệp cho biết doanh thu và lợi nhuận của họ đã giảm trong năm 2015 khi 13% bị lỗ và 23% hòa vốn. Tuy nhiên, 64% vẫn có lãi trong năm 2015, giảm so với 73% trong năm 2014.
Các quan ngại khác của doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc là giá lao động tăng, nguy cơ sao chép dữ liệu và kiểm duyệt Internet.
Bản khảo sát cho thấy ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn của Trung Quốc cũng cản trở nỗ lực của 52% doanh nghiệp trong việc thu hút các quản lý cấp cao làm việc ở nước này.