Kiểm toán tiếp tục lưu ý các nghĩa vụ tiềm ẩn của Vietinbank liên quan vụ Huyền Như

31/08/2015 09:18 AM |

Dựa trên các thủ tục đối chiếu, rà soát, kiểm tra đã thực hiện, VietinBank tin tưởng sẽ không chịu bất kỳ tổn thất tài chính nào liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân trong vụ Huyền Như.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã soát xét vừa được Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank – CTG) công bố, đơn vị kiểm toán là Deloitte đã có ý kiến liên quan tới công tác soát xét báo cáo tài chính hợp nhất của VietinBank.

Theo đó, kiểm toán cho biết, trên cơ sở công tác soát xét, Deloitte không thấy có sự kiện nào để cho rằng báo cáo tài chính hợp nhất không phản ánh trung thực và hợp lý, trên các khía cạnh trọng yếu, tình hình tài chính của ngân hàng cũng như kết quả hoạt động kinh doanh và lưu chuyển tiền tệ trong 6 tháng đầu năm nay.

Deloitte không đưa ra kết luận ngoại trừ, nhưng vẫn lưu ý người đọc đến Thuyết minh số 50 trong Bản thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất về Các nghĩa vụ tiềm ẩn.

Phần thuyết minh số 50 nêu rõ: Tại ngày 30/6/2015, Vietinbank đang là Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và một số cá nhân nguyên là nhân viên của chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh và chi nhánh Nhà Bè. Tại thời điểm lập báo cáo tài chính hợp nhất này, Tòa phúc thẩm, Tòa án nhân dân tối cao tại Tp. Hồ Chí minh (gọi chung là Tòa án) đã xác định các cá nhân nêu trên phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và một số tội danh khác; đồng thời tuyên các mức án cho các bị cáo.

Về trách nhiệm dân sự: Tòa án tuyên buộc Huỳnh Thị Huyền Như phải bồi thường cho 3 ngân hàng, 4 công ty và 3 cá nhân đã bị Huyền Như lừa đảo và Ngân hàng không có trách nhiệm bồi thường, không phải chịu trách nhiệm liên đới và bất kỳ tổn thất tài chính nào liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân nói trên.

Trong vụ án này, tòa phúc thẩm đã tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm có liên quan đến hành vi phạm tội của Huyền Như đối với 5 công ty khác, nên vụ án sẽ được các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện lại việc điều tra, truy tố và xét xử theo quy định của pháp luật. Vì vậy, việc xác định trách nhiệm và nghĩa vụ pháp lý của các bên liên quan chỉ được thực hiện khi vụ án đã điều tra, truy tố, xét xử và có phán quyết cụ thể bằng bản án đã có hiệu lực của Tòa án.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo ngân hàng tin tưởng rằng, dựa trên kết quả của các thủ tục đối chiếu, rà soát và kiểm tra đã thực hiện đến thời điểm lập báo cáo tài chính này thì Ngân hàng không phải chịu trách nhiệm liên đới và bất kỳ tổn thất tài chính nào liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân nói trên.

Cổ đông đã từng chất vấn

Trước đó, tại Đại hội cổ đông thường niên của ngân hàng tổ chức ngày 14/4, cổ đông đã chất vấn lãnh đạo của ngân hàng liên quan đến việc tòa quyết định hủy một phần bản án để điều tra lại từ đầu bản án liên quan đến 5 công ty (SBBS, An Lộc, ORS, Công ty Hưng Yên và Bảo Hiểm Toàn cầu), vậy VietinBank đã chuẩn bị gì cho việc điều tra lại này và ban lãnh đạo có tự tin rằng sẽ không phải trả lại hơn 1.000 tỷ đồng cho các công ty hay không?

Đại diện VietinBank cho biết, liên quan đến vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can. Trong quá trình điều tra, VietinBank đã cung cấp đầy đủ cho cơ quan điều tra để làm rõ dòng tiền, làm rõ đối tượng liên quan để pháp luật xét xử.

Vừa qua, tòa án đã xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Quá trình điều tra cũng như sơ thẩm và phúc thẩm khẳng định bản chất là Huyền Như có ý thức chiếm đoạt tiền từ trước. Để thực hiện ý đồ này, Như đã giả danh VietinBank để lừa đảo, chiếm đoạt tiền. Với chiêu thức dùng bẫy lãi suất cao và phần trăm môi giới lớn, Như đã dẫn dụ các cá nhân, tổ chức, trong đó có 2 ngân hàng am hiểu rất rõ hoạt động huy động vốn. Như đã dẫn dụ hoàn toàn các cá nhân làm theo sự sắp đặt có sẵn ở Huyền Như. Việc các đơn vị bị chiếm đoạt tiền đã sai phạm nghiêm trọng, thể hiện sự tắc trách, vô trách nhiệm của cá nhân đối với chính tài sản của đơn vị mình quản lý.

VietinBank xác định rõ không có lỗi đối với các sai phạm cá nhân là bị hại phạm tội của vụ Huyền Như . VietinBank cũng khó có thể xác định ngay từ đầu hành vi lừa đảo khi các bị hại và Như đã thỏa thuận ngầm với nhau, và có thỏa thuận che giấu.

Đối với việc tòa phúc thẩm đề nghị điều tra lại vụ liên quan 5 công ty, có dấu hiệu tham ô hay không thì phải chờ kết luận điều tra sau khi 5 công ty này được điều tra lại.

VietinBank khẳng định sẽ căn cứ và tuân thủ các quy định của một vụ án được đề nghị điều tra lại để xác định rõ bản chất vụ việc. Trách nhệm pháp lý chỉ được thực hiện sau khi có có kết luận điều tra lại.

VietinBank tôn trọng hoàn toàn và tuân thủ cao các quy định của pháp luật, tin tưởng vào sự nghiêm minh của pháp luật. Ngân hàng cũng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của VietinBank đối với tài sản ngân hàng, cũng như ngân hàng hoàn toàn tôn trọng quy định pháp luật tuy nhiên trên cơ sở bảo vệ lợi ích của ngân hàng và xác định tính khách quan, đúng bản chất sự việc, đảm bảo cân bằng giữa các sai phạm của các tổ chức liên quan.

Theo Tùng Lâm

Cùng chuyên mục
XEM