Kéo Nhật khỏi giảm phát kéo dài là thách thức lớn
Theo số liệu thống kê công bố ngày 1/5, tỷ lệ lạm phát lõi của Nhật Bản (không bao gồm biến động giá thực phẩm tươi) đã tăng 2,2% trong tháng Ba so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu lần tăng đầu tiên kể từ tháng 5/2014.
Tuy nhiên, chi tiêu của các hộ gia đình Nhật Bản lại giảm 10,6% trong tháng Ba, mức giảm mạnh nhất kể từ khi số liệu này được thu thập năm 2001 và cao hơn cả mức giảm kỷ lục 8,2% hồi tháng 3/2011, giai đoạn kinh tế Nhật Bản bị tác động mạnh từ thảm họa động đất-sóng thần và khủng hoảng hạt nhân tại Fukushima.
Giới phân tích cho rằng, các nhà hoạch định chính sách Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) có thể buộc phải mở rộng kế hoạch nới lỏng tiền tệ nhằm nâng giá tiêu dùng lên và chống lại nguy cơ suy giảm tại nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Duy trì lạm phát là mục tiêu quan trọng của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hoặc đối phó giá cả sụt giảm.
Trước đó, ngày 30/4, BoJ đã hạ dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế nước này và lạm phát trong tài khóa kết thúc vào tháng 3/2016 xuống các mức tương ứng 2% và 0,8%, trong khi các con số được đưa ra trước đó là 2,1% và 1%.
BoJ tuyên bố không tung thêm các biện pháp nới lỏng mới, bất chấp tỷ lệ lạm phát còn yếu là thách thức lớn đối với chương trình kích thích kinh tế được thực hiện trong hai năm qua.
Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda thừa nhận rằng đưa Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát vốn kéo dài trong nhiều năm qua là thách thức rất lớn, và ông cảnh báo tỷ lệ lạm phát có thể tạm thời rơi xuống 0%.
>> Kinh tế chậm phục hồi, Nhật ngày càng ít đám cưới