Đồng yên yếu và điều kỳ lạ của kinh tế Nhật
Đồng yên đã giảm giá 22% kể từ cuối năm 2012, nhưng xuất khẩu của Nhật Bản lại sụt giảm 1,5% trong năm 2013 và 0,4% trong 8 tháng đầu năm nay.
Thông thường, khi đồng nội tệ của một quốc gia mất gần 1/4 giá trị, xuất khẩu của quốc gia đó sẽ cất cánh. Những tác động tích cực lên xuất khẩu và GDP có thể thổi bùng lên chiến tranh tiền tệ cũng như những cuộc tranh cãi nảy lửa giữa lãnh đạo NHTW các nước.
Tuy nhiên, điều này lại không xảy ra ở Nhật Bản.
Đồng yên đã giảm giá 22% kể từ cuối năm 2012, nhưng xuất khẩu của Nhật Bản lại sụt giảm 1,5% trong năm 2013 và 0,4% trong 8 tháng đầu năm nay.
Tại sao lại như vậy?
Có 4 lý do giải thích cho trường hợp của Nhật Bản.
Lý do đầu tiên và mang tính cơ bản nằm ở chỗ các đối tác thương mại của Nhật Bản chỉ vừa mới phục hồi sau thời kỳ suy thoái đi kèm với khủng hoảng tài chính 2007 – 08. Một lý do khác là các nhà sản xuất xe hơi – bộ phận đóng góp nhiều nhất cho xuất khẩu – giữ giá ở mức cao.
Họ đã lợi dụng sự sụt giảm của đồng yên của tăng lợi nhuận thay vì tăng số lượng bán ra. Lập luận rằng đồng yên mạnh trong suốt một thời gian dài gây nên tình trạng lỗ nặng, các nhà sản xuất xe hơi Nhật cho rằng đây là điều công bằng.
Cả hai lý do trên đều là những yếu tố mang tính chất chu kỳ và có thể giãn ra trong tương lai, từ đó giúp xuất khẩu bật tăng trở lại. Tuy nhiên, lý do thứ ba gây nên nhiều lo ngại. Vì một số lý do thương mại, các doanh nghiệp Nhật đang đẩy mạnh dịch chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài, thường là các địa điểm gần với các thị trường xuất khẩu.
Họ không muốn bị ảnh hưởng quá nhiều bởi đồng yên như ở trong quá khứ. Theo dự đoán, trong năm 2015, số xe hơi mà ngành ô tô Nhật Bản làm ra ở nước ngoài sẽ lớn hơn cả số được sản xuất ở trong nước. Lợi nhuận của ngành này sẽ tăng lên, nhưng các nhà máy nội địa bị bỏ không.
Rủi ro ở đây là những yếu kém trong quản trị doanh nghiệp sẽ khiến các doanh nghiệp “ngồi” trên đống lợi nhuận thay vì tái đầu tư số lợi nhuận đó một cách hiệu quả và tạo ra tăng trưởng cho nền kinh tế.
Lý do cuối cùng và cũng là điều lo lắng nhất là các sản phẩm của Nhật Bản đã mất đi sức cạnh tranh. Một phần nguyên nhân là do sự nổi lên của những “ngôi sao sáng” như Trung Quốc và “các con hổ châu Á”. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp Nhật không có nhiều đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các sản phẩm điện tử gia dụng và xe hơi – những mặt hàng chủ lực đã tạo nên “phép màu” xuất khẩu của Nhật Bản trong quá khứ.
Nếu Sony có thể sáng tạo ra loại điện thoại thông minh đánh bại được iPhone của Apple, câu chuyện có lẽ đã khác.
Vì những lý do trên, xuất khẩu ì ạch cuối cùng lại là yếu tố kìm hãm tăng trưởng GDP.
Sau câu chuyện về “thập kỷ mất mát” với giảm phát kéo dài suốt mấy thập kỷ, dường như Nhật Bản đang trở thành ví dụ cho một hiện tượng bất thường khác: sự kết hợp giữa đồng nội tệ mất giá và xuất khẩu sụt giảm.
>> Kỷ nguyên 'đi bộ ngu ngốc' ở Nhật Bản
Theo Thu Hương