Kinh tế Nhật Bản: Abenomics – 'Canh bạc tất tay'

13/02/2015 11:45 AM |

Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 9/2 mới đây đã công bố báo cáo cho hay thặng dư tài khoản vãng lai năm 2014 của nước này giảm tới 18,8% so với năm 2013 xuống mức thấp kỷ lục là 2.630 tỷ yen (22 tỷ USD). Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1985, báo hiệu những khó khăn không nhỏ vẫn đang ở phía trước của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này.

Nội dung nổi bật:

- Với “3 mũi tên” là thúc đẩy chi tiêu công, nới lỏng tiền tệ và tăng trưởng kinh tế sâu rộng, Abenomics được kỳ vọng là liều thuốc mạnh mẽ và hiệu quả nhằm điều trị triệt để căn bệnh trầm kha của nền kinh tế sau gần hai thập kỷ chìm trong giảm phát.

- Kinh tế Nhật Bản đang hồi phục sau hai quý sụt giảm liên tiếp nhờ giá dầu rẻ và đồng yen giảm giá mang lại hy vọng mới về một cái kết có hậu cho Abenomics.


Trước đó, việc giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện nước này hồi giữa tháng 12/2014 cho thấy cử tri Nhật Bản vẫn đặt niềm tin vào chính sách cải cách kinh tế Abenomics do Thủ tướng Shinzo Abe khởi xướng bất chấp những số liệu kinh tế “kém vui” gần đây như GDP giảm hai quý liên tiếp hay nợ công vẫn ở mức cao.

Với “3 mũi tên” là thúc đẩy chi tiêu công, nới lỏng tiền tệ và tăng trưởng kinh tế sâu rộng, Abenomics được kỳ vọng là liều thuốc mạnh mẽ và hiệu quả nhằm điều trị triệt để căn bệnh trầm kha của nền kinh tế sau gần hai thập kỷ chìm trong giảm phát.

Giữa muôn trùng... khó khăn

Kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản trong năm 2014 tăng 9,3% so với năm 2013 lên 74.120 tỷ yen, trong khi nhập khẩu tăng 10,3% lên mức 84.490 tỷ yen. Năm 2014 kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản đã vượt kim ngạch xuất khẩu, khiến thâm hụt thương mại tăng 18,1% lên mức cao kỷ lục là 10.370 tỷ yen.

Đồng yen giảm giá thúc đẩy hoạt động xuất khẩu và làm tăng thu nhập từ các khoản đầu tư ở nước ngoài. Trong khi đó, giá dầu giảm mạnh giúp nước này giảm chi phí nhập khẩu năng lượng. Tháng 12/2014 là tháng thứ 6 liên tiếp Nhật Bản đạt thặng dư cán cân tài khoản vãng lai, với 187,2 tỷ yen - ghi dấu sự chuyển dịch lớn từ thâm hụt 679,9 tỷ yen của cùng kỳ năm 2013.

Kết quả này đạt được là nhờ Nhật Bản đẩy mạnh hoạt động chuyển các nhà máy ra nước ngoài, đồng thời nhờ thâm hụt thương mại giảm do giá dầu thế giới đi xuống. Kim ngạch nhập khẩu dầu mỏ của nước này đã giảm 21,6% do dầu mất giá và giảm nhập khẩu năng lượng.

Trước đó, Chính phủ Nhật Bản ngày 26/1 đã công bố mức thâm hụt thương mại năm 2014 của nước này ở con số kỷ lục 12.780 tỷ yen (tương đương 108 tỷ USD), tăng 11% so với năm 2013, trong bối cảnh đồng yen thấp và giá thành nhập khẩu khí hoá lỏng cao do nhu cầu trong nước tăng.

Năm 2014, kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản đạt 85.890 tỷ yen, tăng 5,7% so với năm 2013 và là mức cao nhất kể từ năm 1979, trong khi xuất khẩu tăng 4,8% lên mức 73.110 tỷ yen, ghi nhận việc nước này thâm hụt thương mại năm thứ 4 liên tiếp.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản tăng 6% lên mức kỷ lục 13.380 tỷ yen, trong khi kim ngạch xuất khẩu vào các nước Liên minh châu Âu (EU) và Bắc Mỹ lần lượt đạt 7.590 tỷ yen (tăng 8,3%) và 13.650 tỷ yen (tăng 5,6%). Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu từ 3 đối tác trên lần lượt ở mức 19.170 tỷ yen (tăng 8,6%), 8.160 tỷ yen (tăng 6,6%) và 7.540 tỷ yen (tăng 10,7%).

Riêng tháng 12/2014, cán cân thương mại đứng thâm hụt 660,7 tỷ yen, chịu mức thâm hụt trong tháng thứ 30 liên tiếp. Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết, tốc độ tăng nhập khẩu chậm lại do giá dầu mỏ trung bình giảm 29,4% so với năm trước xuống còn 79,1 USD/thùng vào tháng 12/2014.

Trong khi đó, giá dầu thô giảm mạnh tác động nhiều chiều lên nền kinh tế Nhật Bản. Bên cạnh những lĩnh vực được hưởng lợi như vận tải, điện lực... hàng loạt các doanh nghiệp buôn bán dầu thô của nước này bị thiệt hại nặng nề. Theo báo Sankei, tính tới tháng 3/2007, cơn bão giá dầu giảm sẽ khiến các doanh nghiệp bán lẻ, bán buôn xăng dầu lớn của Nhật Bản thiệt hại trên 1.000 tỷ yen.

Tập đoàn thương mại hàng đầu Nhật Bản là Mitsui mới đây đã điều chỉnh dự báo kết quả kinh doanh tài khoá 2014, theo đó lợi nhuận của tập đoàn sẽ đạt 320 tỷ yen (hơn 2,7 tỷ USD), thay vì mức 380 tỷ yen được đưa ra trước đây.

Còn các công ty sở hữu hệ thống bán lẻ xăng dầu như Showa Sell, Idemitsu hay các tập đoàn thương mại khổng lồ như Sumitomo thậm chí lo ngại tổn thất tài chính sẽ còn tiếp tục kéo dài. Theo tính toán của Công ty chứng khoán Daiwa, nếu giá dầu tiếp tục duy trì ở mức 50 USD/thùng, lợi nhuận của 27 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xăng dầu của Nhật Bản trong tài khóa 2014 sẽ giảm 2%.

Vẫn vững niềm tin    

Theo kết quả khảo sát hàng tháng do Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 9/2, cả hai chỉ số niềm tin tiêu dùng và niềm tin kinh doanh trong nước đều tăng trong tháng 1/2015, qua đó cho thấy các hộ gia đình lẫn các doanh nghiệp đều đã vượt qua được những tác động tiêu cực của việc tăng thuế tiêu dùng hồi tháng Tư năm ngoái.

Tuy vậy, Chính phủ Nhật Bản vẫn tỏ ra thận trọng khi cho rằng điều này có thể cho thấy nền kinh tế Nhật hiện vẫn còn khá yếu khi chỉ số niềm tin của nhóm gồm các lái xe taxi và nhân viên các nhà hàng trong tháng 1/2015 vẫn đứng ở mức dưới 50 sang tháng thứ sáu liên tiếp, dù đã tăng được 0,4 điểm so với tháng 12/2014, lên mức 45,6. Mức điểm dưới 50 cho thấy những người tham gia cuộc khảo sát cho rằng các điều kiện kinh tế vẫn khá trì trệ.

Trong khi đó, nghiên cứu mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản cũng cho thấy, kinh tế Nhật Bản đang hồi phục sau hai quý sụt giảm liên tiếp nhờ giá dầu rẻ và đồng yen giảm giá mang lại hy vọng mới về một cái kết có hậu cho Abenomics.

Các nhà phân tích được hỏi ý kiến trong nghiên cứu này dự đoán kinh tế Nhật Bản có thể tăng trưởng 1,5-2% trong hai tài khóa 2015 và 2016, cao hơn so với con số ước tính giảm 0,6% tài khóa 2014 (sẽ kết thúc vào ngày 31/3/2015).

Trong bối cảnh vô vàn khó khăn như trên, các tập đoàn điện tử của Nhật Bản vẫn giữ vững tinh thần lạc quan với nhiều kế hoạch tái cơ cấu trong tài khóa 2015. Ngày 4/2, Sony thông báo điều chỉnh hạ dự báo lỗ trong tài khóa 2014 (kết thúc vào tháng 3/2015) xuống 170 tỷ yen từ mức 230 tỷ yen ước tính trước đó, nhờ đồng yen yếu và doanh số bán điện thoại thông minh được cải thiện.

Việc đồng yen mất giá đã phần nào bù lỗ cho Sony khi các khoản thu nhập từ hoạt động kinh doanh ở nước ngoài tăng lên. Sony cho biết triển vọng của tập đoàn cải thiện chủ yếu là do tác động thuận lợi của tỷ giá hối đoái và doanh số bán của mảng viễn thông di động tăng.

Cùng ngày, Tập đoàn Hitachi công bố báo cáo lợi nhuận ròng đạt 174,9 tỷ yen trong giai đoạn chín tháng tính đến tháng 12/2014, tăng 37,4% so với cùng kỳ, nhờ hoạt động kinh doanh tốt tại mảng công nghệ thông tin (IT), thang máy và hệ thống tàu hỏa của hãng.

Doanh nghiệp đầu tàu ngành sản xuất hàng điện tử Nhật Bản này cũng nâng dự báo doanh thu cả tài khóa 2014 lên 9.600 tỷ yen, từ mức ước tính 9.500 tỷ yen trước đó và giữ nguyên lợi nhuận ròng ước đạt 250 tỷ yen.

Trước đó, ngày 3/2, công ty sản xuất hàng điện tử gia dụng Panasonic thông báo vẫn giữ nguyên dự báo lợi nhuận trong tài khóa 2014 là 140 tỷ yen. Panasonic cho biết doanh số bán tấm thu năng lượng Mặt trời dành cho hộ gia đình ở Nhật Bản tăng ổn định, trong khi đồng yen yếu cũng góp phần làm tăng doanh thu của Panasonic ở nước ngoài.

Trong khi đó, các chuyên gia phân tích nhận định cán cân thương mại của Nhật Bản có khả năng sẽ được cải thiện trong thời gian tới, một phần do chi phí cho nhập khẩu năng lượng của nước này giảm trong bối cảnh giá dầu thế giới tiếp tục lao dốc. Đồng yen trượt giá cũng giúp xuất khẩu tăng do hàng hoá Nhật Bản trở nên rẻ hơn ở nước ngoài, cho dù hiện tại sẽ góp phần làm tăng thâm hụt thương mại do kim ngạch nhập khẩu vẫn lớn hơn xuất khẩu.

>> Mối tình Toyota - Abenomics: 'Đường dài mới biết ngựa hay'

Theo Anh Quân

Cùng chuyên mục
XEM