Giá trị của Bitcoin không nằm ở vai trò tiền tệ, nó là công nghệ
Bitcoin mang trong mình nó 4 yếu tố then chốt như một sứ mệnh có thể làm nền tảng cho cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo thay vì chỉ dưới danh nghĩa đồng tiền kỹ thuật số đầu tiên.
Nếu ai đó có thể kết hợp 4 yếu tố then chốt tạo nên một tài sản tài chính: tính ẩn danh của tiền mặt, sự bảo đảm về tính tin cậy, sự tiện lợi và tính quy mô của giao dịch số, và là nơi lưu trữ giá trị tài sản đáng tin cậy, bạn sẽ có một sản phẩm phi thường.
Đó sẽ là nơi lý tưởng cho những người ủng hộ tự do cá nhân, ghét những quy định về thuế và những hành động tìm kiếm hành vi trốn thuế của chính quyền.
Đó cũng chính là lời hứa của bitcoin.
Bitcoin đã thành công trong việc bảo đảm tính ẩn danh và cho phép những người lạ giao dịch mà không cần bên thứ ba như Amex, Visa, Mastercard, hay một ngân hàng chứng thực. Cho tới giờ nó là tốt nhất xét trên quy mô và tính tiện lợi.
Hiện tại, hệ thống chỉ có thể xử lý 7 giao dịch mỗi giây và tốn 10 phút để xác nhận giao dịch, mặc dù có vẻ như những khuyết điểm này có thể được giải quyết nhưng hệ thống đòi hỏi đáp ứng những yêu cầu như vậy.
Điều đó chính là lý do khiến những kẻ lập dị nhất sử dụng các ví tiền kĩ thuật số khác vốn ít bảo mật hơn bitcoin. Nhưng nơi mà bitcoin thất bại chính là khả năng bảo toàn giá trị.
Dù sao thì Bitcoin vốn đã không có giá trị
Nó không được bất kì chính quyền nào chấp nhận như là đơn vị tiền tệ hợp pháp. Nó không được hậu thuẫn bởi bất kì loại tài sản nào. Nó không được thừa nhận đại diện cho cả tài sản hữu hình và vô hình.
Tuy nhiên, như nghệ thuật, nó có phẩm chất của sự khan hiếm. Hiện đang có 13 triệu đơn vị bitcoin đang tồn tại. Những bitcoin mới hiện đang được tạo ra với tốc độ khoảng 8%/năm, một tốc độ sẽ giảm qua thời gian, và sẽ không bao giờ có hơn 21 triệu đơn vị số dư.
Miễn là mọi người sẵn sàng chi trả cho những tác phẩm nghệ thuật, một thị trường nghệ thuật sẽ tồn tại, và nghệ thuật trở thành nơi lưu giữ giá trị. Như con người đã sẵn sàng trao đổi phần lớn tiền cho những đóa hoa tulip ở Hà Lan vào thế kỉ 17, cho cổ phẩn trong Công ty Biển Nam ở Anh vào thế kỉ 18, và cho hầu hết những cổ phiếu dotcom mơ hồ nhất vào năm 2000.
Tất cả đều như bong bóng.
Vì thế câu hỏi trở thành: thị trường cho bitcoin có đại diện cho sự bảo toàn giá trị ổn định và lâu dài hay không? Với những người có quan điểm cho rằng đó là một điểm yếu, họ sẽ chỉ vào tính cực kì không ổn định của nó.
Trong 3 năm qua, bitcoin được giao dịch thấp nhất ở mức 5 USD, và cao nhất ở mức 1.200 USD, và hiện đang được giao dịch ở mức khoảng 250 USD.
Họ cũng có lý do cho rằng bitcoin không có tính thanh khoản: tất cả những bitcoin đang tồn tại có giá trị khoảng 3,2 tỉ USD. Lượng giao dịch là 2 triệu USD/ngày, (khoảng ¼ lượng giao dịch hàng ngày của một công ty thông thường trên thị trường có giá 3,2 tỉ USD).
Hơn thế, không có bất kì quy định hay cơ chế nào khác để ngăn chặn những người nắm giữ số lượng lớn đơn vị bitcoin không thể sắp xếp trước những giao dịch giữa họ để tạo thanh khoản ảo.
Tính sở hữu ở bitcoin dường như tập trung cao hơn so với các cổ phiếu thông thường cho khoản tiền tương tự. Một nhân vật giấu tên am hiểu về lĩnh vực kinh doanh bitcoin (cựu điều hành của một sàn giao dịch bitcoin rất thành công và là một trong những người chơi bitcoin thành công nhất), đã phát biểu rằng hơn 50% bitcoin được nắm giữ bởi không hơn 20 cá nhân.
Họ có mọi động cơ để thông đồng trong một chiến dịch “bơm và bỏ” cổ điển – mặc dù tất nhiên không có bằng chứng nào họ hành động phối hợp hay ngay cả họ biết danh tính của nhau. Số đông còn lại thì tích lũy số bitcoin ít ỏi để có một phần nhỏ của các quỹ mở, nhưng không chiếm lượng lớn.
Có lẽ điều đó không quan trọng. Bất kì ai thấy sự tương đồng giữa bitcoin và các vấn đề kinh tế được đề cập trong các tựa sách kinh điển, “Extraordinary Popular Delusions and the Madness of Crowds” của MacKay hay “Madness of Crowds” hay “Manias, Panics and Crashes” của Kindelberger có thể nhận ra rằng bitcoin có những tính chất của một bong bóng và nó có thể vỡ tung bất kì lúc nào.
Tại sao Bitcoin có thể không phải là một bong bóng?
Bởi vì nó dựa vào một cải tiến chính: chuỗi khối.
Chuỗi khối có tiềm năng thay đổi hoàn toàn cách thức vận hành của những doanh nghiệp nhờ cậy vào việc giữ sổ sách kĩ thuật số, như ngân hàng, các công ty thẻ tín dụng và các sàn chứng khoán.
Thông tin nhạy cảm của các công ty dạng này được tập trung hóa, bí mật và những người nắm giữ tài khoản chính là nguồn nguy cơ gây rò rỉ thông tin. Đó là chưa kể các tổ chức lớn như vậy thường có bộ máy rất cồng kềnh và không linh hoạt khi xảy ra các tình huống như vậy.
Ngược lại, chuỗi khối là một kho lưu trữ thông tin chung, bảo vệ danh tính của những người nắm giữ tài khoản với mật mã bảo mật cấp độ cao, và có thể mở với sự giám sát bằng máy tính của một người bất kỳ. Chuỗi khối được duy trì bởi một cộng đồng hàng ngàn, có lẽ là 100 ngàn, những kế toán độc lập.
Họ cạnh tranh với nhau vì năng suất, nhưng chỉ khi cộng đồng có đồng thuận với nhau thì mới ra được con số chính xác trong kho thông tin. Do đó, thông tin trong kho được tạo ra và những thông số thay đổi đều được ghi nhận chi tiết không chỉ với những người sở hữu bitcoin ngày hôm nay, mà còn duy trì ghi chép thông số của những người đã sở hữu từng bitcoin kể từ lúc bắt đầu.
Có lẽ sự khác biệt quan trọng nhất chính là ngân hàng, công ty thẻ tín dụng và sàn giao dịch chứng khoán đều định danh, tọa lạc trên những địa điểm cụ thể và là đối tượng đã được xác định cho việc đánh thuế và giám sát việc tuân thủ các quy định.
Chuỗi khối sống trên đám mây, và nó hoàn toàn độc lập, không chịu ảnh hưởng từ sự kiểm soát của bất kỳ chính quyền nào.
Có lẽ bitcoin có ít giá trị về mặt tài sản, nhưng nó có nhiều tiềm năng công nghệ ẩn sau bên trong.
Các công ty thẻ tín dụng tính phí khoảng 2,5% giá trị thanh toán của khách hàng mỗi giao dịch. Các ngân hàng tính phí ít nhất cũng cỡ đó cho giao dịch quốc tế. Những giao dịch chuỗi khối chỉ tính phí một phần nhỏ - khoảng 0,5% giá trị giao dịch và thậm chí có thể còn thấp hơn thế nhiều.
Tiềm năng của chuỗi khối còn nằm ở chỗ nó có thể ghi nhận và chuyển quyền sở hữu những tài sản hữu hình như xe hơi, bất động sản, tác phẩm nghệ thuật và những tài sản vô hình như quyền sáng chế và nhuận bút. Theo đó, nó có thể cho phép thực hiện những giao dịch vay mượn bảo mật giữa những người lạ mặt.
Công nghệ chuỗi khối là tác nhân kích thích hàng tá thương vụ đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp, hầu hết đều đến từ thị trường ngân hàng và tài chính truyền thống. Ripple đang tìm kiếm giải pháp thay thế hệ thống thanh toán nội bộ giữa các ngân hàng.
Sàn giao dịch chứng khoán New York - NYSE đã đầu tư vào Coinbase, một sàn giao dịch thương mại. Goldman Sachs có cổ phần trong Circle Internet Financial, công ty khởi nghiệp trong mảng bitcoin. IBM đang tiến hành nghiên cứu một hệ thống thanh toán số thế hệ mới; Samsung muốn biến chuỗi khối trở thành xương sống cho nền tảng công nghệ của tương lai gần: Internet vạn vật - Internet of Things.
Nhưng chuỗi khối thế hệ 2.0 hoặc 3.0 hứa hẹn cung cấp nhiều lợi ích còn hơn cả một cơ chế thanh toán hiệu quả. Nó kết hợp các yếu tố của sự ước tính, thiết kế mạng lưới, mật mã và trí thông minh nhân tạo.
Một doanh nghiệp tên Ethereum (được sáng lập bởi một hacker 20 tuổi, Vitalik Buterin) đang phát triển một nền tảng và ngôn ngữ lập trình mới: một hệ sinh thái cơ bản được mã hóa dùng cho tất cả những lĩnh vực như phân phối công đoạn xử lý dữ liệu, nhắn tin, truyền tải và xử lý tập tin, và tạo các ứng dụng ngôi sao thế hệ mới.
Chuỗi khối có vai trò tương tự với giai đoạn đầu của Web. Tương lai của nó có thể rất lớn và sáng chói, có thể thấy được theo một mặt nào đó nhưng không thấy được chi tiết, một mô hình phi tập trung mới.
Những người sở hữu bitcoin có thể tham gia vào một chuyến đi vô tận. Những ly cocktail được pha chế từ mật mã, web, P2P, và những ý tưởng khác sẽ hỗ trợ bitcoin để nó trở thành công nghệ đột phá nhất trong nhiều thập kỉ: một dạng Internet mới có thể cách mạng hóa vị trí của tiền bạc và chính quyền.
Có lẽ bitcoin có giá trị nhỏ, nhưng nó có rất nhiều tiềm năng công nghệ ứng dụng ẩn sâu bên dưới.