Giá dầu giảm: Chủ cây xăng lãi to, "ông lớn" dầu khí lại buồn

17/12/2015 09:24 AM |

Việc giá dầu liên tiếp giảm trong thời gian vừa qua, một mặt đem lại lợi ích kinh tế cho ngành kinh doanh xăng dầu, vận tải, logistics. Mặt khác, lại tác động xấu đến tình hình tài chính của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Sau 7 phiên lao dốc liên tiếp, giá dầu thô đã chạm dưới mức 35 USD/thùng. Thậm chí, có nhiều loại dầu thô đã xuống gần 20 USD/thùng. Đây là giai đoạn giảm dài nhất trong vòng 1 năm qua.

Ngay sau cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) với quyết định không hạ sản lượng, nhiều dự báo cho thấy giá dầu có thể xuống khoảng 20 – 25 USD/thùng.

Xuất khẩu dầu thô từng đóng góp tới 20% GDP của Việt Nam (và giảm xuống rất nhanh, chỉ còn chiếm 6,7% trong năm nay?). Sự sụt giảm mạnh của giá dầu thô chắn chắn sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, không phải lúc nào giá giảm cũng là chuyện buồn.

Dễ thấy người buồn nhất ở đây là ngành khai thác dầu khí mà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - PVN đang là đơn vị chính trong khai thác. Chính vì vậy, khi giá dầu thô giảm càng giảm sâu, PVN càng chịu nhiều đau khổ, kết quả kinh doanh càng tái sắc.

Tại cuộc họp báo cáo tình hình ở Bộ Công Thương vào đầu tháng 12, ông Đỗ Chí Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết việc giá dầu giảm xuống mức 48 USD/thùng đã khiến cho Tập đoàn này bị hụt thu tới 163.400 tỷ đồng trong năm 2015.

Do đó, việc giá dầu giảm xuống dưới mức 35 USD/thùng đang đặt ra bài toán khó cho ngành dầu khí và PVN trong việc đạt được chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận đặt ra cho năm nay. Ngân sách Nhà nước cũng sẽ chịu ảnh hưởng vì thất thu.

Tuy nhiên, giá dầu giảm lại là tin vui với ngành kinh doanh xăng dầu, vận tải, logistics.

Báo cáo của một số doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu cho thấy mức lãi lớn liên tiếp từ đầu năm tới nay. Đơn cử tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), mặc dù doanh thu 9 tháng đầu năm giảm mạnh nhưng tập đoàn này lại đạt hơn 2.600 tỷ đồng trước thuế - vượt kế hoạch cả năm.

Khi giá đầu vào giảm và đầu ra giữ nguyên thì việc lãi lớn là điều tất nhiên.

Ngoài ra, các DN vận tải cũng đang rất hạnh phúc. Giá cước vận tải giảm không đáng kể trong thời gian qua. Khá nhiều đơn vị kinh doanh vận tải hàng không và đường bộ cùng báo lãi.

Tuy nhiên, theo TS. Lương Văn Khôi, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm thông tin dự báo kinh tế xã hội (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nếu như những ngành vận tải được lợi khi không điều chỉnh giá dịch vụ vận tải giảm xuống theo với giá dầu thế giới, thì những lợi ích của giá dầu giảm lại không mang lại lớn cho các ngành sản xuất, dịch vụ của Việt Nam.

“Giá dầu là đầu vào cho tất cả các ngành sản xuất. Giá dầu thế giới giảm, nhưng ngành dịch vụ, logistics mà không giảm thì tác động tích cực đến ngành và nền kinh tế Việt Nam không nhiều.” – TS. Khôi nhận định.

Xét ở góc độ vĩ mô hơn, một chuyên gia kinh tế đã nhận định, nếu giá dầu tiếp tục giảm sâu sẽ có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam và có thể làm giảm 2 điểm phần trăm tăng trưởng GDP năm 2016.

Trong khi đó, theo phân tích của TS. Khôi, việc giá dầu giảm sâu một mặt sẽ có tác động tích cực kích thích tăng trưởng đối với các nền kinh tế sử dụng dầu song lại có tác động rất tiêu cực tới các nền kinh tế vốn phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ như Nga, Trung Đông, châu Phi, Na Uy.

Khi thu nhập từ xuất khẩu dầu của các nước này giảm mạnh, cầu nhập khẩu hàng hóa của các nước/khu vực này từ các nền kinh tế phát triển khác sẽ giảm mạnh.

“Điều này sẽ tác động đến các ngành sản xuất trong nước liên quan đến hoạt động xuất khẩu, từ đó tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế.”, TS. Khôi nói.

Trong 11 tháng đầu năm qua xuất khẩu ước đạt 148,7 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Theo nhận định của Bộ Công Thương, giá dầu thô giảm mạnh cùng với sự sụt giảm của nhóm hàng nông, lâm sản và khoáng sản đang khiến cho mục tiêu xuất khẩu năm 2015 gặp nhiều thách thức và khó hoàn thành mục tiêu 165 tỷ USD.

Tô Mạn

Cùng chuyên mục
XEM