EuroCham: Nợ của DNNN đang đè nặng lên ngân sách

09/06/2015 08:01 AM |

"So với các công ty tư nhân, tỷ lệ hiệu quả sử dụng vốn của DNNN tại Việt Nam còn ở mức rất thấp, nợ của DNNN vẫn đang đè nặng lên ngân sách Nhà nước".

Đây là nhận định của ông Tomaso Andreatta – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ diễn ra sáng 9/6.

Theo ông Tomaso, với sự hỗ trợ về tài chính của nhiều tổ chức như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), trong những năm qua, nhiều đợt tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã được tiến hành ở Việt Nam. Tuy nhiên trên thực tế, hoạt động tái cấu trúc diễn ra với tốc độ chậm.

“Chính phủ Việt Nam dường như chưa sẵn sàng tái cấu trúc các DNNN chiến lược. Trong khi các DNNN nhỏ và làm ăn thua lỗ đã được sáp nhập hay thanh lý, đến nay Nhà nước vẫn mong muốn giữ lại quyền kiểm soát các DNNN lớn”, lãnh đạo EuroCham nhận định.

Xét về số lượng, hiện có khoảng 800 DNNN được Nhà nước nắm giữ 100% vốn, giảm rất nhiều so với con số 12.000 DNNN tồn tại năm 1990. Theo số liệu thống kê chính thức gần đây, các DNNN chiếm khoảng 35% GDP của Việt Nam và khoảng 30% doanh thu của Nhà nước trong năm 2013. EuroCham nhận thấy tái cấu trúc DNNN tại Việt Nam từ năm 1986 đã đạt được những thành công nhất định.

Tuy nhiên, EuroCham tin rằng Việt Nam cần tiếp tục tái cấu trúc DNNN thêm nữa. Theo đó, tái cấu trúc DNNN tại Việt Nam đang tồn tại 4 vấn đề.

Một là, từ quá trình tư nhân hóa tại châu Âu năm 1990, chúng ta thấy rằng doanh thu của các DNNN lớn và hoạt động tốt là một nguồn lực tài chính góp phần cải thiện tình hình nợ công hoặc để đầu tư cơ sở hạ tầng cần thiết. Trong khi đó, so với các công ty tư nhân, tỷ lệ hiệu quả sử dụng vốn của DNNN tại Việt Nam còn ở mức rất thấp, nợ của DNNN vẫn đang đè nặng lên ngân sách Nhà nước.

Hai là, khó khăn còn tồn tại trong việc tách biệt chức năng của Nhà nước khi Nhà nước nắm vai trò là người sở hữu và điều tiết thị trường, cũng như khó khăn trong việc công khai thông tin với công chúng. Mặc dù DNNN độc lập về pháp lý và tài chính, Nhà nước vẫn thường giữ quyền kiểm soát như thông qua quyền bổ nhiệm phần lớn các thành viên hội đồng quản trị.

Ba là, thực tế, DNNN tiếp tục nhận được nhiều ưu đãi (ví dụ trong tiếp cận vốn, đất đai và các khoản trợ cấp), dẫn đến việc bóp méo thị trường và cạnh tranh không lành mạnh giữa khu vực tư nhân và khu vực NN.

“Điều đáng tiếc là chúng ta không thể nhận thấy có một “sân chơi bình đẳng” giữa các công ty tư nhân và các DNNN”, EuroCham nhận định.

Bốn là, chưa thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài thường chỉ quan tâm đến việc mua cổ phần DNNN nếu họ có thể nắm quyền quyết định trong doanh nghiệp. Tu nhiên, số lượng cổ phiếu dành cho các nhà đầu tư tư nhân thường được đánh giá là quá thấp để thu hút đầu tư chiến lược từ khối tư nhân một cách hiệu quả (chỉ từ 5 – 20% cổ phiếu được chào bán ra thị trường).

Bên cạnh đó, Nhà nước có xu hướng giữ quyền bổ nhiệm tất cả hoặc một phần lớn thành viên HĐQT và DNNN tiếp tục được hưởng ưu đãi cao hơn các doanh nghiệp tư nhân. Ngoài ra, trong thực tế, cổ phần hóa thường có nghĩa là cổ phiếu được bán cho chính người lao động của các DNNN đó. Với những lý do này, cho đến nay, sự quan tâm từ khu vực tư nhân nước ngoài trong việc đầu tư vào DNNN vẫn còn khá thấp.

Dù Chính phủ Việt Nam đang theo đuổi kế hoạch đầy tham vọng để cổ phần hóa 289 DNNN vào năm 2015, EuroCham nhận thấy rằng cổ phần hóa DNNN thực tế vẫn chưa đạt đến hiệu quả tiềm năng cao nhất.

“Cải cách quan trọng nhất là mở cửa thị trường năng lượng mà hiện nay hầu hết vẫn đang được đặt dưới sự kiểm soát của các công ty độc quyền Nhà nước. Sự cạnh tranh trong thị trường này sẽ mang lại tính minh bạch cũng như tăng thêm nguồn vốn đầu tư dồi dào đến từ cả trong nước và quốc tế”, ông Tomaso khuyến nghị.

Trước đó, bàn về vấn đề cổ phần hóa DNNN tại Việt Nam, bà Victoria Kwawa - Giám đốc World Bank tại Việt Nam cho rằng: “Vấn đề không phải con số bao nhiêu doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa mà là cổ phần hóa thế nào mới là điều quan trọng để cải thiện hơn nữa thị trường chứng khoán và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp”.

“Chúng ta vẫn có tiến bộ trong cải cách DNNN, và chúng ta vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Cách tốt nhất để tái cơ cấu DNNN là để đối mặt với cạnh tranh nhiều hơn để họ có thể cải cách, có thể thay đổi”.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM