Ông Tony Blair: Cải cách DNNN, luôn bị phản đối nhưng phải làm

04/03/2015 16:31 PM |

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đã nói như vậy tại hội thảo về vai trò mới của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế - kinh nghiệm và bài học cho VN sáng 4-3.

Trước sự có mặt của các bộ, ngành, lãnh đạo 14 tập đoàn, tổng công ty, ông Tony Blair chia sẻ cải cách thật bao giờ cũng có phản đối, nhưng phải làm...

Kinh nghiệm hai nhiệm kỳ thủ tướng, ông Tony Blair nêu có cải cách ông phải giải trình cả đêm trước Quốc hội. Vấn đề là cách làm, và vấn đề là cải cách đó giúp cải thiện cuộc sống người dân, tạo thêm cơ hội cho họ thì cần phải làm...

Theo ông Tony Blair, đã có nhiều bài học về cải cách doanh nghiệp nhà nước trên thế giới.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định hơn 20 năm qua Việt Nam không ngừng cải cách doanh nghiệp nhà nước. Số lượng doanh nghiệp nhà nước thập kỷ 1990 khoảng 12.000, đến nay chỉ còn khoảng 5.600 theo thống kê chính thức của Bộ này.

Chỉ còn 800 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, còn lại đã cổ phần hóa. Tuy nhiên, ông Vinh công nhận đến nay doanh nghiệp nhà nước vẫn đang được giao khối lượng tài sản hết sức lớn, trên 3 triệu tỷ, số vốn là trên 1,1 triệu tỷ - rất lớn.

Doanh nghiệp nhà nước đang tham gia, chi phối nhiều ngành, lĩnh vực dù có lĩnh vực chỉ chiếm 1% tổng doanh nghiệp. Việc cải cách doanh nghiệp nhà nước, theo ông Vinh, là câu chuyện cả Chính phủ và người dân Việt Nam rất quan tâm.

Những cải cách không có phản đối cần...xem lại

Tham gia phát biểu và trả lời nhiều câu hỏi của các chuyên gia và lãnh đạo các tập đoàn, cựu Thủ tướng Tony Blair khẳng định xu hướng phát triển cho thấy những năm 1940-1950 là kỷ nguyên nhà nước nắm quyền chi phối doanh nghiệp. Người ta nghĩ đó là cách để nền kinh tế phát triển, bảo vệ lợi ích người lao động. Nhưng theo thời gian đã nhận ra rằng tính không hiệu quả của mô hình đó.

Ông Tony Blair khẳng định cải cách là quan trọng. Những năm 1980, ở phía đông, quá trình mở cửa nền kinh tế diễn ra, kể cả tại Việt Nam. Trong thời điểm đó, ông Tony Blair cho rằng khi phương Đông mở cửa thì phương Tây đẩy mạnh quá trình tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước lớn.

“Chương trình cải cách ở phương Tây cũng gặp rất nhiều chống đối” - ông Tony Blair nói và cho rằng việc phản đối các cải cách là bình thường, và với những cải cách không có phản đối, thì cần xem lại.

Lý do cần cải cách doanh nghiệp nhà nước, theo ông Tony Blair, thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Công nghệ cũng đang thay đổi cách điều hành doanh nghiệp. Nếu 30 năm về trước, liệt kê 20 doanh nghiệp lớn nhất thế giới, nay so với những doanh nghiệp hàng đầu thế giới, thì đã thay đổi rất nhiều. Nhiều doanh nghiệp 20 năm trước chưa có, nay đã thống lĩnh trên toàn thế giới.

“Kinh doanh trên thế giới đang thay đổi. Trong quá trình thay đổi, việc quản lý cần luôn đổi mới, sáng tạo” - ông Tony Blair nói và cho rằng nhà nước không hiệu quả lắm trong điều hành các tổ chức kinh tế, kinh doanh, nhất là không tốt trong đổi mới, tăng sáng kiến trong doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Văn phòng cựu Thủ tướng Tony Blair tại Việt Nam, nghiên cứu của văn phòng đã xem xét hai nền kinh tế phát triển là Anh và Nhật cùng bốn nền kinh tế đang phát triển có bề dày lịch sử xã hội chủ nghĩa là Brazil, Mexico, Ba Lan và Hungary.

Theo đó, nghiên cứu cho thấy các quốc gia kể trên dù điểm xuất phát thế nào, đều đã tiến hành tư nhân hóa vì nhận thấy doanh nghiệp nhà nước hoạt động thiếu hiệu quả gây thiệt hại cho nền kinh tế. Trong tất cả các trường hợp, báo cáo nêu việc bán tài sản nhà nước không đồng nghĩa với việc rút lui của nhà nước mà tăng vai trò của Chính phủ với việc tăng thêm các quy định.

Phải có lộ trình vững vàng để thực hiện cải cách

Với kinh nghiệm từ 6 nước, văn phòng cựu Thủ tướng Tony Blair đưa kiến nghị: Chính phủ Việt Nam cần xác định rõ mục tiêu của nhà nước và lộ trình vững vàng để thực hiện cải cách. Lộ trình này phải bao gồm các khía cạnh của cải cách doanh nghiệp nhà nước. Lộ trình cũng phải phân rõ trách nhiệm thực hiện, cùng khung thời gian và các sự kiện quan trọng.

Đặc biệt, báo cáo của văn phòng cựu Thủ tướng Tony Blair thẳng thắn nêu Việt Nam nên xác định rõ liệu theo đuổi cổ phần hóa là một phần của nỗ lực lớn hơn nhằm chuyển sang nền kinh tế thị trường, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, giảm nợ Chính phủ - hay đó lại chỉ là kết quả của áp lực quốc tế (như cam kết WTO hay từ các hiệp định thương mại tự do)...

Dựa trên quan điểm rõ ràng, báo cáo khuyến nghị Việt Nam phát triển các chính sách để hỗ trợ quá trình tư nhân hóa. Ngoài ra “cần nỗ lực cải thiện cách thông tin về cải cách doanh nghiệp nhà nước, nhấn mạnh những gì là mục tiêu của Chính phủ".

Ông Tony Blair trả lời các câu hỏi và chia sẻ những kinh nghiệm của mình khi còn là thủ tướng Anh - Ảnh: Nguyễn Khánh

Ông Tony Blair trả lời các câu hỏi và chia sẻ những kinh nghiệm của mình khi còn là thủ tướng Anh - Ảnh: Nguyễn Khánh

 Cựu thủ tướng Anh Tony Blair và Bộ trưởng Bộ kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh (từ trái qua) tươi cười sau khi nghe được một câu hỏi thú vị từ phía các vị khách mời - Ảnh: Nguyễn Khánh

Cựu thủ tướng Anh Tony Blair và Bộ trưởng Bộ kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh (từ trái qua) tươi cười sau khi nghe được một câu hỏi thú vị từ phía các vị khách mời - Ảnh: Nguyễn Khánh

 

Ba lĩnh vực hợp tác với văn phòng Tony Blair Việt Nam

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh, năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định giao Bộ này là đầu mối hợp tác giữa Việt Nam và văn phòng cựu Thủ tướng Tony Blair.

Đầu 2014 sau nhiều tháng thảo luận, khảo sát, Bộ Kế hoạch -  Đầu tư đã ký kết hợp tác với văn phòng cựu Thủ tướng Tony Blair, theo đó từ tháng 4-2014 đến 4-2015 tập trung nghiên cứu nhiều vấn đề, trong đó đi sâu vào 3 mảng chính:

- Nghiên cứu học tập kinh nghiệm quốc tế trong cải cách doanh nghiệp nhà nước.

- Hợp tác xây dựng khuôn khổ pháp lý, triển khai thí điểm về Đối tác công tư (PPP)- Hợp tác nâng cao, cải thiện chất lượng thu hút FDI vào VN, theo kinh nghiệm quốc tế và điều kiện thực tế Việt Nam.

>> World Bank: Tại sao quá trình cổ phần hóa DNNN tốn nhiều thời gian?

Theo C.V.KÌNH - QUỲNH TRUNG

Cùng chuyên mục
XEM