Đồng ruble mất giá ảnh hưởng như thế nào đến các DN Việt Nam?

22/12/2014 07:51 AM |

Việc đồng ruble của Nga mất giá mạnh sẽ tác động đến các DN Việt Nam chủ yếu thông qua kênh thương mại.

Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Độ - Viện kinh tế - tài chính (Học viện tài chính), việc đồng ruble của Nga mất giá mạnh sẽ tác động đến các DN Việt Nam chủ yếu thông qua kênh thương mại.

Trước mắt, doanh thu và lợi nhuận của các DN xuất khẩu của Việt Nam tính bằng USD sẽ bị giảm mạnh ngay lập tức, bởi giá bán tính bằng ruble sẽ không thể tăng nhanh bằng mức độ mất giá “khủng khiếp” của đồng ruble trong mấy ngày qua.

Tuy nhiên, trong tương lai gần các tác động tiêu cực sẽ giảm dần.

Một mặt, các DN xuất khẩu của Việt Nam sẽ thích nghi với hoàn cảnh bằng cách tăng giá bán hàng hoá tính bằng ruble để giảm thiệt hại. Mặt khác, việc giá trị của đồng ruble rơi nhanh có liên quan đến các hoạt động đầu cơ, nên khi các nhà đầu cơ chốt lời xong, thị trường bớt hoảng loạn, giá trị của đồng ruble có thể sẽ phục hồi và lấy lại được một phần đã mất. Xu hướng này sẽ được các chính sách can thiệp của Nhà nước Nga như tăng lãi suất, bán USD… hỗ trợ.

Tất nhiên, giá trị của đồng ruble so với USD sẽ không thể phục hồi về mức như trước đây. Bản thân nước Nga đang cần một đồng ruble yếu để tăng thu ngân sách (tính bằng ruble) trong bối cảnh giá dầu giảm, từ đó đảm bảo nguồn lực cho các khoản chi.

Hơn nữa, việc đồng ruble yếu sẽ giúp các ngành “phi dầu lửa và khí đốt” tăng khả năng cạnh tranh, giúp nền kinh tế Nga phát triển nhanh hơn và cân bằng hơn. Thực tiễn kinh tế Nga thời kỳ sau khủng hoảng 1998 cho thấy đồng ruble yếu cũng có những tác động tích cực.

Về khối lượng thương mại Việt – Nga, trước mắt có thể chưa bị ảnh hưởng nhiều, khi nguồn cung hàng hoá của Nga chưa kịp tăng. Nhưng trong trung hạn, đồng ruble yếu sẽ ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của các hàng hoá Việt Nam so với hàng hoá cùng loại mà Nga sản xuất được. Các ngành sản xuất nguyên vật liệu, điện thoại di động có thể sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Mặc dù vậy, do Việt Nam vẫn thiên về xuất khẩu lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng giá rẻ và có độ co giãn theo giá thấp, nên nhiều khả năng sẽ không bị ảnh hưởng mạnh. Trong bối cảnh đồng ruble bị mất giá (do tỷ giá và lạm phát), thu nhập bị giảm, người tiêu dùng Nga có thể vẫn mua nhiều hàng hoá của Việt Nam, thay cho các hàng hoá từ châu Âu có giá đắt hơn.

Như vậy, các tác động của những diễn biến về tài chính-tiền tệ tại Nga đến kinh tế Việt Nam sẽ chỉ mang tính ngắn hạn và cục bộ đến một số doanh nghiệp. Về tổng thể và trong dài hạn, kinh tế Việt Nam sẽ ít bị tác động, bởi quy mô thương mại giữa 2 nước hiện còn nhỏ.

>> Đồng Rúp mất giá mạnh nhất trong 16 năm

Theo Nguyễn Đức Độ 

Cùng chuyên mục
XEM