Nga cuống cuồng tăng lãi suất để cứu đồng Rúp

12/12/2014 11:05 AM |

Tuy nhiên, sau động thái này, đồng Rúp vẫn rớt xuống mức thấp kỷ lục mới, đe dọa nền kinh tế Nga...

Ngân hàng Trung ương Nga ngày 11/12 đã có động thái tăng lãi suất lần thứ 5 kể từ đầu năm nhằm cản đà lao dốc của tỷ giá đồng Rúp và chống lại sự leo thang của lạm phát. Tuy nhiên, sau động thái này, đồng Rúp vẫn rớt xuống mức thấp kỷ lục mới, đe dọa nền kinh tế Nga vốn dĩ đã “tơi tả” vì lệnh trừng phạt và sự sụt giảm chóng mặt của giá dầu.

Theo tin từ Bloomberg, Ngân hàng Trung ương Nga tăng lãi suất cơ bản thêm 100 điểm phần trăm, lên mức 10,5% từ mức 9,5% trước đó.

Ngay sau tuyên bố của Ngân hàng Trung ương Nga về việc tăng lãi suất được phát đi, đồng Rúp rớt giá xuống mức thấp chưa từng có trong lịch sử so với đồng USD, với 55,46 Rúp đổi 1 USD. So với thời điểm đầu năm, đồng Rúp hiện đã mất giá khoảng 40% so với đồng USD.

Giới phân tích đánh giá, việc tăng lãi suất cho thấy sự lựa chọn ngày càng thu hẹp đối với các nhà hoạch định chính sách Nga sau khi đã chi khoảng 80 tỷ USD từ đầu năm để bảo vệ tỷ giá. Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Nga cũng quyết định thả nổi đồng Rúp trước thời hạn dự kiến.

Ngân hàng Trung ương Nga đã tuyên bố sẵn sàng hành động bất kỳ lúc nào để hỗ trợ tỷ giá đồng nội tệ. Tuần trước, dự trữ ngoại hối của Nga giảm 4,3 tỷ USD, còn 416,2 tỷ USD, vì các động thái can thiệp vào thị trường ngoại hối.

Trong tuyên bố ngày 11/12, Ngân hàng Trung ương Nga cho rằng, đồng Rúp yếu cùng với kỳ vọng lạm phát gia tăng đang đặt ra những rủi ro lớn đối về sự gia tăng của giá cả. “Trong trường hợp rủi ro lạm phát gia tăng cao hơn, Ngân hàng Trung ương Nga sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Sự tăng giá tiêu dùng trong nửa sau của năm 2014 chủ yếu là do đồng Rúp mất giá”, tuyên bố cho biết.

Động thái tăng lãi suất này diễn ra chỉ 1 tuần sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu Ngân hàng Trung ương và Chính phủ nước này phối hợp thực hiện các biện pháp mạnh để trừng trị giới đầu cơ và ổn định thị trường tiền tệ. Đồng Rúp là đồng tiền mất giá mạnh thứ nhì thế giới trong năm nay, sau đồng Hryvnia của Ukraine, trong số 170 đồng tiền được Bloomberg theo dõi.

Dưới sự chỉ đạo của Thống đốc Elvira Nabiullina, Ngân hàng Trung ương Nga đã liên tục tăng lãi suất kể từ khi Nga sáp nhập Crimea hồi tháng 3. Lãi suất đồng Rúp tăng bất chấp Nga đang mấp mé bờ vực của cuộc suy thoái kinh tế đầu tiên kể từ năm 2009.

Trong tuyên bố ngày 11/12, Ngân hàng Trung ương Nga dự báo nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng ở mức gần 0% trong năm 2015-2016 và lạm phát sẽ vào khoảng 10% trong 3 tháng đầu năm sau.

Tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Nga tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, mạnh nhất từ tháng 6/2011. Mục tiêu của Ngân hàng Trung ương Nga là giảm lạm phát về ngưỡng 4% trong trung hạn.

Ngày 10/12, thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho biết Chính phủ nước này đang đàm phán với các công ty lớn về việc bán ra ngoại tệ của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Moscow cũng hối thúc các nhà xuất khẩu chuyển đổi tiền từ ngoại tệ sang Rúp để hỗ trợ cho tỷ giá đồng nội tệ.

Theo chiến lược gia tiền tệ Piotr Matys thuộc ngân hàng Rabobank, quyết định tăng lãi suất ngày 11/12 “chưa đủ để ổn định tỷ gái đồng Rúp và sẽ làm gia tăng nguy cơ của một cuộc khủng hoảng tiền tệ toàn diện”.

Ông Matys nhận định, Ngân hàng Trung ương Nga có thể can thiệp quyết liệt hơn vào thị trường, nhưng việc bán ra ngoại tệ đã chứng tỏ là một công cụ không hiệu quả. Điều này được thể hiện qua đợt giảm giá tồi tệ này của đồng Rúp, đợt giảm giá mạnh nhất của đồng tiền Nga kể từ cuộc khủng hoảng 1998.

Đồng Rúp mất giá mạnh đang làm suy yếu sức mua của người tiêu dùng Nga -một động lực chính của sự phục hồi nền kinh tế nước này từ cuộc khủng hoảng 2008-2009. Tuy nhiên, hiện không có lý do gì để Nga “đặc biệt lo sợ” - ông Medvedev nói trong chương trình trả lời phỏng vấn trên truyền hình Nga ngày 10/12.

“Chúng ta cần kiên nhẫn để vượt qua giai đoạn khó khăn này và nhìn về tương lai”, Thủ tướng Nga phát biểu.

>> Cách kiếm tiền khi giá dầu giảm

Theo Diệp Vũ

Cùng chuyên mục
XEM