Chân dung 'vị cứu tinh' thật sự của nền kinh tế Trung Quốc

16/09/2015 09:14 AM | Kinh doanh

Trung Quốc đã chuyển đổi từ một nền kinh tế bị thống trị bởi doanh nghiệp nhà nước thành nền kinh tế thị trường.

Bài viết dưới đây được dịch từ báo cáo đặc biệt của tờ The Economist về lĩnh vực kinh doanh tại Trung Quốc. Dù thời gian gần đây, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới gặp nhiều khó khăn nhưng kinh doanh được xem là một lĩnh vực hiếm hoi có nhiều điểm sáng.

Bài viết thứ 2 này đề cập đến lĩnh vực tư nhân của Trung Quốc. Bài báo đưa ra những dẫn chứng cụ thể nhằm khẳng định chính khu vực tư nhân, các doanh nghiệp tư nhân mới là đối tượng đóng góp chủ yếu cho sự tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc.


Trong năm 1984, 11 nhà nghiên cứu đến từ Viên Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) đã cùng tập trung trong một căn phòng chật chội của học viện. Tại đây, dưới sự dẫn dắt của Liu Chuanzhi với số tiền huy động được khoảng 25.000 USD, họ cùng nhau thành lập một công ty công nghệ. Dù có rất ít kiến thức về kinh tế nhưng ông Liu lại được tin tưởng giao trọng trách là người định hình lại tình hình kinh doanh trong nước.

Công ty do ông thành lập mang tên Legend hiện đang đứng trong hàng ngũ dẫn đầu cả nước. Sau khi IPO thành công, công ty đã đạt giá trị 13 tỷ USD. Chi nhánh thành công nhất của công ty có lẽ là Lenovo – nhà sản xuất máy tính lớn nhất thế giới. (Legend nắm giữ 1/3 cổ phần của Lenovo).

Được truyền cảm hứng từ cha – một luật sư hàng đầu trong lĩnh vực bằng sáng chế, ông Liu đã cống hiến toàn bộ sự nghiệp của mình với mong muốn mang lại thực tiễn kinh doanh hiện đại (bao gồm cả việc đề cao vấn đề bằng sáng chế) cho đất nước mình. Ông đã đưa Legend và sau đó là Lenovo trở thành những doanh nghiệp định hướng theo thị trường cao hơn, nhấn mạnh vào phong cách quản lý chuyên nghiệp, chiến lược lâu dài và đề cao tinh thần làm việc nhóm.

Trên thực tế, Trung Quốc có hàng triệu doanh nghiệp tư nhân thành công như vậy. Các công ty Internet tại đây luôn đứng vào hàng ngũ những doanh nghiệp lớn bậc nhất thế giới. Tuy nhiên, lĩnh vực tư nhân lại không đủ tín nhiệm để giao cho trọng trách là động lực tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc.

Nguyên nhân lớn nhất có lẽ là bởi kế hoạch tập trung của chính phủ Trung Quốc đã tạo ra một khu vực nhà nước "quá khổ". Hiện giá trị tài sản của toàn bộ các doanh nghiệp nhà nước lớn gần gấp 2 lần so với kích thước GDP, tức là cao hơn so với chuẩn quốc tế. Hầu hết 100 doanh nghiệp Trung Quốc nằm trong danh sách Fortune 500 đều là những công ty thuộc sở hữu của nhà nước. Tuy nhiên, đáng tiếc, những "gã khổng lồ ì ạch" này không phải là đối tượng thực sự giúp thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc phát triển.

Những anh hùng thực sự

Cỗ máy thật sự giúp thúc đẩy tốc độ phát triển kinh tế Trung Quốc đến từ khu vực tư nhân. Trong cuốn sách “Markets Over Mao” của Nicholas Lardy, tác giả nói rằng "Trung Quốc đã chuyển đổi từ một nền kinh tế bị thống trị bởi doanh nghiệp nhà nước thành nền kinh tế thị trường”. Ngoài ra, Lardy cũng chỉ ra rằng, khu vực tư nhân chính là động lực quan trọng đóng góp vào sự dịch chuyển này.

Khu vực tư nhân theo định nghĩa của Lardy bao gồm tất cả các lao động tự do, các doanh nghiệp tư nhân đăng ký và các công ty có có 1 cổ đông duy nhất hay được chi phối bởi tư nhân. Với định nghĩa như vậy, các công ty tư nhân hiện đóng góp 2/3 GDP của Trung Quốc.

Tăng trưởng đầu ra bình quân của các doanh nghiệp tư nhân kể từ năm 2008 là 18%, tức là gấp đôi so với những doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước. Sau nhiều thập kỷ các ngân hàng cung cấp nhiều khoản vay ưu đãi dành cho các doanh nghiệp nhà nước, hiện nay tín dụng đang chảy về phía các doanh nghiệp tư nhân. Trong năm 2009, lĩnh vực tư nhân chỉ nhận 1/4 trong tổng số các khoản vay mới nhưng giữa những năm 2010 - 2013, con số này đã tăng lên hơn 1/2.

Lợi nhuận của các công ty tư nhân cũng tốt hơn so với doanh nghiệp nhà nước và khoảng cách này đang ngày càng nới rộng ra. Trung bình, các doanh nghiệp nhà nước thậm chí không tạo ra đủ lợi nhuận để trang trải chi phí. Vấn đề này xảy ra với ngay cả những lĩnh vực độc quyền, có lợi nhuận cao như thuốc lá, năng lượng và viễn thông.

Đối lập lại, lĩnh vực tư nhân lại như những con rồng trẻ và tràn đầy sức sống. Họ đang đóng vai trò là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng cho kinh tế Trung Quốc.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM