Muốn hiểu khủng hoảng Trung Quốc, cần phải biết chuỗi cung ứng toàn cầu

14/09/2015 08:30 AM | Kinh doanh

Sản xuất đang quay trở lại Mỹ và Châu Âu?

Trong vài tuần qua, rất nhiều tờ báo đã đưa tin về tình trạng hỗn loạn ở Trung Quốc, từ phá giá tiền tệ, suy thoái kinh tế tới thị trường chứng khoán “lao dốc không phanh”. Hầu hết các nhà kinh tế, bao gồm cả những chuyên gia IMF, đều cho rằng vẫn còn quá sớm để nói về một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nhưng một phần nguyên nhân có vẻ đến sự quá trình thay đổi chiến lược sản xuất đến gần thị trường mục tiêu của các công ty đa quốc gia.

Sản xuất đang quay trở lại Mỹ và Châu Âu?

Bằng chứng được đưa ra từ một loạt những các cuộc khảo sát được thực hiện bởi nhiều tổ chức khác nhau.

Năm 2012, Diễn đàn đổi mới Chuỗi cung ứng của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã thực hiện một cuộc khảo sát trực tuyến nhằm tìm hiểu những nhà sản xuất của Mỹ đang làm gì để đưa sản xuất trở lại Hoa Kỳ và những yếu tố nào thúc đẩy quá trình ra quyết định của họ. Đã có 156 công ty sản xuất của Hoa Kỳ tham gia khảo sát.

Kết quả cho thấy có 33,6% công ty cho rằng họ đang “xem xét”, trong khi có 15,3% công ty thì đảm bảo “chắc chắn” sẽ đưa sản xuất trở lại nước Mỹ. Cuộc khảo sát năm 2014 trên 89 công ty có trụ sở ở Mỹ và 33 công ty có trụ sở tại nước ngoài cũng cho kết quả tương tự.

Hơn thế nữa, cuộc khảo sát gần đây của AlixPartners trên các công ty sản xuất và phân phối hoạt động ở Bắc Mỹ và Tây Âu đều cho kết quả: quá trình dịch chuyển sản xuất ngày càng gia tăng. 32% công ty trả lời rằng họ gần như đang lên kế hoạch để sản xuất gần thị trường sở tại nhằm đáp ứng nhu cầu trong vòng 1-3 năm tới.

Một dấu hiệu khác cho thấy xu hướng sản xuất đến gần thị trường sở tại đang ngày càng gia tăng là thông qua Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI). Chỉ số này cho thấy sự thay đổi trong quá trình sản xuất (nếu là 50 có nghĩa không đổi, trên 50 thì sản xuất tăng, còn dưới là giảm).

PMI tại Trung Quốc tháng 8/2015 đạt 49,7 và tháng 7/2015 là 50. Trong khi đó, con số tương tự tại Mỹ là 51,1 vào tháng 8 và 52,7 vào tháng 7, dù tốc độ có giảm nhưng hoạt động sản xuất vẫn tăng trưởng tại Mỹ. Còn PMI tại Châu Âu là 52,2 vào tháng 8 và 52,3 vào tháng 07.

Nhìn chung, những con số này khắc họa bức tranh sụt giảm sản xuất tại Trung Quốc liên quan đến việc giảm nhẹ nhu cầu thị trường trong nước, đồng thời xu hướng chuyển dịch sản xuất đến gần thị trường sở tại.

Lý do thực sự khiến sản xuất rời bỏ Trung Quốc

Tất nhiên, việc đưa sản xuất trở lại Mỹ không đồng nghĩa với thêm nhiều việc làm tại đây hay Trung Quốc mất đi vị thế “công xưởng” toàn cầu. Tuy nhiên, xu hướng này đang cho thấy thế giới đang trong xu thế chuyển đổi: các công ty đang chuyển dịch chiến lược sản xuất toàn cầu của mình, từ việc sản xuất tập trung tại nước có chi phí rẻ, sang hướng tới tối ưu hóa sản xuất phù hợp với chiến lược theo vùng.

Ví dụ như sản xuất tại Trung Quốc là cho thị trường nước này; tại Mỹ (hay Mexico và các nước Latin) là phục vụ nhu cầu Châu Mỹ; còn tại Đông Âu là dành cho thị trường châu Âu.

Các cuộc khảo sát cho thấy, xu hướng này đang bắt đầu thịnh hành trong vài năm trở lại đây, không chỉ bởi áp lực đem việc làm trở lại Mỹ, mà còn bởi sản xuất gần thị trường sở tại có nhiều lợi thế nhờ:

1. Giá dầu: Xu hướng sản xuất sang các thị trường giá rẻ một phần lý do là giá dầu thấp. Tuy nhiên, trong một thập kỷ qua, giá dầu đã tăng gấp 3 lần. Kết quả là chi phí vận chuyển tăng lên đáng kể so với ước tính ban đầu. Dù giá dầu hiện tại đang giảm nhưng còn giá các mặt hàng khác, và sản lượng khí thiên nhiên giá rẻ tại Mỹ ngày càng tăng. Điều này có nghĩa là đối với một số ngành công nghiệp thì chi phí sản xuất tại Mỹ sẽ thấp hơn việc sản xuất tại Trung Quốc.

2. Chi phí nhân công: Trong vài năm qua, chi phí lao động tại Trung Quốc tăng 20%/năm, so với 3%/năm tại Hoa Kỳ và 5%/năm tại Mexico. Vì vậy, khi chi phí nhân công là lý do chính các công ty chuyển sản xuất sang Trung Quốc từ 5, 7 hay 10 năm trước thì chắc họ cần phải xem xét quyết định đó từ lúc này.

3. Tự động hóa: Cảm biến giá rẻ, tốc độ máy tính và các công nghệ mới này càng thân thiện, phù hợp cho tự động hóa sản xuất giúp tăng năng suất. Tăng năng suất lao động đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp giảm chi phí nhân công. Và cũng vì thế họ cần đến nguồn nhân lực tay nghề cao, hơn là chỉ có chi phí lao động thấp.

4. Rủi ro: Các công ty đa quốc gia trong vài năm vừa qua đã nhận ra rằng chiến lược gia công hay sản xuất cố định tại một nơi đang tiềm ẩn nhiều rủi ro về chuỗi cung ứng do sự đa dạng về địa lý; do đó mà có rất nhiều vấn đề tiềm tàng, dễ phát sinh trong quá trình sản xuất và vận chuyển.

Một ví dụ điển hình gần đây là vụ nổ tại một nhà kho ở Thiên Tân liên quan đến việc mang vật liệu nguy hiểm, trong đó có vẻ như đã vi phạm trầm trọng nguyên tắc của công ty. Điều này đã dấy lên những lo ngại về mức độ an toàn tại các nhà máy tại đây, cũng như yêu cầu hành động đánh giá lại chất lượng của nhà cung cấp và sản xuất để tăng tính linh hoạt, giảm thiểu nhiều rủi ro từ phía công ty chủ quản.

Và cũng chính tình trạng rối loạn tại Trung Quốc hiện nay phần nào đẩy nhanh xu hướng sản xuất đến gần nước sở tại. Tuy nhiên, sự tác động sẽ khác nhau tùy ngành và tùy từng công ty.

Đối với các ngành công nghệ cao (ví dụ sản xuất máy tính xách tay và điện thoại di đông) thì việc tái tạo cơ sở hạ tằng tại nơi khác ngoài Trung Quốc thì có vẻ khó khăn. Trong khi đối với các công ty quần áo và giày dép thì có vẻ dễ dàng di chuyển đến các địa điểm sản xuất có chi phí thấp hơn. Các nhà máy sản xuất công nghiệp nặng như máy móc, xe hơi mà chi phí vận chuyển trở nên đắt đỏ thì tốt hơn là nên di chuyển sản xuất đến những nơi gần với thị trường có nhu cầu.

Ngọc Quân

Cùng chuyên mục
XEM