Có thật là Việt Nam đang tụt hậu?
Lúc năm cũ qua đi, năm mới vừa đến có lẽ là thời điểm thích hợp nhất để nhìn lại và suy ngẫm thấu đáo hơn về những cách đánh giá khác nhau về cơ đồ, về tình hình và tương lai đất nước.
Trong 5 năm qua cũng như trong 30 năm đổi mới, dù đã đạt được rất nhiều thành quả lớn nhưng Việt Nam vẫn là một nước đang phát triển mới đạt mức thu nhập trung bình. Trong chặng đường tiếp theo, bên cạnh những thời cơ, cơ hội lớn rất rõ ràng là hàng loạt khó khăn, thách thức và không ít những hạn chế, yếu kém.
Trong bối cảnh như vậy, có những ý kiến đánh giá kém lạc quan, thậm chí là bi quan về tình hình và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam. Tuy thừa nhận Việt Nam đã vượt qua giai đoạn kém phát triển, nhưng những ý kiến này cho rằng Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình, với hàm ý rằng không có bất kỳ cơ hội nào để Việt Nam vượt lên, phát triển giàu mạnh.
Nhưng có thật là Việt Nam không có bất kỳ cơ hội nào để bứt phá?
Ngày cuối cùng của năm 2015, trong một status ngắn mang tính tổng kết đăng trên Facebook, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du đã nhận xét, trong khi “bên ngoài nhìn bức tranh chung nên thấy nền kinh tế Việt Nam rất lạc quan”, thì “trong nước thường so sánh Việt Nam với các nước đã phát triển hay đi trước Việt Nam rất xa và nhiều người kỳ vọng quá cao vào vai trò của nhà nước nên thường rất bi quan”.
“Công bằng mà nói, Việt Nam vẫn có rất nhiều vấn đề, nhưng ba thập niên qua, so sánh toàn cầu, Việt Nam thuộc nhóm nước có sự cải thiện tốt nhất về những chỉ tiêu cơ bản”.
Và cách nhìn này không chỉ của riêng ông Huỳnh Thế Du.
Trong báo cáo được công bố ngày 23/12, ANZ-Roy Morgan cho biết chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Việt Nam trong tháng 12 đã đạt mức kỷ lục, cao nhất trong 2 năm qua và lần đầu tiên đạt mức cao nhất trong khu vực châu Á. Chuyên gia kinh tế trưởng Khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương của ANZ nhận định, những số liệu này đã “cho thấy niềm tin chắc chắn rằng Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế phát triển vượt trội ở châu Á trong giai đoạn 2016-2017”.
Còn tại một hội thảo hồi cuối tháng 11, trước những thông tin cho rằng Việt Nam ngày càng tụt hậu so với thế giới, bà Victoria Kwakwa – Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam đã khẳng định Việt Nam không hề bị bỏ lại phía sau. Theo vị này, xét về dài hạn và nhìn ra cả thế giới trong 25 năm gần đây, Việt Nam là nước có nền kinh tế tăng trưởng nhanh thứ 2, chỉ đứng sau Trung Quốc.
Bà Kwakwa đưa thêm dẫn chứng: Khoảng cách giữa GDP/người của Việt Nam so với các nước đang ngày càng rút ngắn. So với Thái Lan, nếu như năm 1990, GDP/người của Việt Nam chỉ bằng 1/16, thì đến năm 1995, tỷ lệ này đã được rút ngắn còn 1/10, năm 2000 còn 1/5. Dự kiến năm 2015, GDP/người của Việt Nam sẽ bằng 40% Thái Lan.
Riêng về năm 2015, Bloomberg vừa nhận định Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng cao thứ 6 trong số các nền kinh tế mới nổi trên thế giới, cùng bảng với các nước như Ấn Độ hay Trung Quốc. Hãng tin này cũng cho rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2015 có thể ở mức cao nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á, theo Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á 2015 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
Ngày 29/12, trang tin Channel News Asia (Singapore) đăng bài viết nhan đề Tại sao nền kinh tế Việt Nam tiến triển vượt trội hơn các nước khác ở Đông Nam Á, ghi nhận Việt Nam đang đi ngược lại xu hướng kinh tế trì trệ phổ biến trong khu vực.
Bài viết cho rằng suy thoái thương mại toàn cầu và nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc đã cản trở tăng trưởng ở hầu hết các nước khu vực, ngoại trừ Việt Nam dường như biết cách xoay xở để vượt lên. Mức tăng GDP 6,68% đã đưa Việt Nam vào tốp đầu khu vực, xếp ngay sau Việt Nam là Philippines nhưng nước này trong năm 2015 có thể không đạt mục tiêu 6% đã đặt ra.
Từ Thái Lan, tờ Bangkok Post ngày 28/12 đăng bài viết cho rằng thời kỳ “chờ xem” ở Việt Nam đã qua và hiện là lúc các nhà đầu tư nên bước vào nền kinh tế đang được coi là hứa hẹn ở Đông Nam Á. Bài báo dẫn ý kiến đánh giá “Việt Nam đang nhanh chóng bắt kịp các nền kinh tế lớn hơn, nâng GDP của mình từ mức bằng 1/3 lên mức bằng 1/2 GDP của Thái Lan trong chưa đầy một thập kỷ”.
Giữa tháng 12/2015, cũng lần đầu tiên Việt Nam xuất hiện trên Bảng xếp hạng Tinh thần khởi nghiệp cao nhất thế giới năm 2015, ở vị trí thứ 7/44, theo báo cáo quy mô nhất từ trước tới nay về khởi nghiệp do Trường đại học Technische Universitat Munchen và Công ty Nghiên cứu thị trường GfK của Đức thực hiện.
Vị trí này có thể khiến không ít người ngạc nhiên, nhưng trên thực tế lại phù hợp với tình hình trong nước, khi số doanh nghiệp đăng ký thành lập năm 2015 tại Việt Nam tăng cao nhất từ trước đến nay, cả về số doanh nghiệp và số vốn đăng ký. Tổng cộng đã có gần 100.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng gần 30% so với năm trước.
“Để đưa ra quan điểm, cần nhìn vào một bức tranh toàn cảnh”, có lẽ chúng ta cần nhắc lại lời “rào đón” đó của bà Victoria Kwakwa trước khi bà nhận xét về triển vọng kinh tế Việt Nam. Những vấn đề của nền kinh tế Việt Nam là có thật và có nhiều, thậm chí rất nhiều.
Đó là nỗi lo về nợ công, tình trạng tham nhũng, lãng phí, sự cồng kềnh của bộ máy nhà nước… Cả những thành quả đạt được cũng còn cách xa so với kỳ vọng và tiềm năng. Nhưng nếu chỉ nhìn thấy những hạn chế, yếu kém đó hay cứ so sánh Việt Nam với các nước đã phát triển đi trước chúng ta hàng trăm năm, thì rất dễ bi quan.
Ngay cả khi nhìn vào những hạn chế của nền kinh tế cũng rất cần cái nhìn đa diện. Chẳng hạn nợ công trong thời gian qua đã tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn – điều này đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp vừa qua như một trong những hạn chế, yếu kém của 5 năm qua.
Thế nhưng một sự thật khác cũng không thể phủ nhận là nợ công vẫn trong giới hạn được Quốc hội cho phép, Việt Nam vẫn trả nợ đúng hạn, và quan trọng hơn cả, nguồn vốn vay đã được sử dụng hiệu quả, góp phần cải thiện rõ nét hệ thống cơ sở hạ tầng.
Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam về chất lượng cơ sở hạ tầng đã tăng ngoạn mục tới 24 bậc, từ 123/139 năm 2010 lên 99/140 năm 2015, riêng chỉ số về hạ tầng giao thông vận tải tăng 36 bậc.
Suy cho cùng, nhìn từ trong ra hay từ ngoài vào, thì cũng không thể có cái nhìn nào là hoàn toàn chính xác, hoàn toàn khách quan, hoàn toàn đầy đủ, cũng không có cái nhìn nào nhận được sự ủng hộ tuyệt đối.
Nhưng, như phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh mới đây trước các doanh nghiệp, thì các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đã nỗ lực “làm hết mình” vì người dân, vì doanh nghiệp.
Thực tiễn cuộc sống đang hàng ngày hàng giờ đòi hỏi Nhà nước và cả mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp nỗ lực, sáng tạo không ngừng. Thực tiễn sẽ là thước đo hiệu quả nhất và người dân sẽ đánh giá những nỗ lực ấy một cách khách quan nhất!