Cơ chế tỷ giá mới thực ra đã có từ… 10 năm trước!

19/01/2016 11:49 AM |

Cơ chế tỷ giá mới đã được áp dụng từ trước năm 2007. Do lạm phát bùng phát từ năm 2008, cho nên cơ chế này bị loại bỏ…

Đây là chia sẻ của TS. Lê Xuân Nghĩa – chuyên gia tài chính – tại tọa đàm trực tuyến: Đường đi của tỷ giá 2016 do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức.

Trả lời câu hỏi chính sách tỷ giá có tiếp tục nhất quán trong thời gian tới nếu có sự thay đổi về bộ máy lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, ông Lê Xuân Nghĩa cho biết: Thực ra, cơ chế tỷ giá hối đoái mới đã được áp dụng từ trước năm 2007.

Tuy nhiên do lạm phát bùng phát từ năm 2008, cho nên cơ chế này bị loại bỏ. Hiện nay lạm phát đã ổn định, kinh tế lấy lại đà tăng trưởng, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn.

Vì vậy, cơ chế tỷ giá hối đoái mới sẽ được áp dụng lâu dài không phụ thuộc vào nhiệm kỳ Thống đốc mới.

“Ngân hàng Nhà nước là một tổ chức trực tiếp chịu sự điều hành của Chính phủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chịu sự giám sát của Quốc hội và nhân dân, chứ không phải là một doanh nghiệp đơn thuần để có thể áp dụng thay đổi kiểu tân lãnh đạo - tân chính sách một cách không bài bản khoa học”, ông Nguyễn Đức Hưởng - Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) – cho biết.

2 thách thức trong vận hành cơ chế tỷ giá mới

Theo ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, việc Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày tham chiếu tỷ giá trong nước, diễn biến của 8 đồng tiền quốc tế và cân đối vĩ mô, tiền tệ sẽ tạo ra một số thuận lợi như:

- Tỷ giá phản ánh sát thị trường sẽ giúp cung - cầu ngoại tệ thông suốt hơn, các hoạt động mua bán ngoại tệ sẽ ngày càng thuận lợi.

- Việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá trung tâm hàng ngày với mức biến động nhỏ sẽ không gây sốc cho thị trường cũng như doanh nghiệp, đồng thời, sẽ hạn chế đáng kể tình trạng găm giữ ngoại tệ.

- Tỷ giá trung tâm tham chiếu diễn biến tỷ giá của một số đồng tiền trên thị trường quốc tế sẽ hạn chế tác động của các cú sốc bên ngoài đối với thị trường ngoại hối trong nước.

- Tỷ giá linh hoạt, biến động hàng ngày sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp chú trọng hơn công tác phòng ngừa rủi ro tỷ giá, giúp cho thị trường phái sinh ngoại tệ phát triển.

Tuy nhiên, việc thực hiện cơ chế mới cũng đặt ra 2 thách thức.

Một là, Ngân hàng Nhà nước cần phải chủ động và theo dõi sát sao diễn biến thị trường, đặc biệt là việc đánh giá, nhận định sự tác động của các yếu tố vĩ mô trong nước và quốc tế đến diễn biến tỷ giá, thị trường ngoại ngoại tệ hàng ngày và cả trong dài hạn để có cách thức điều hành tỷ giá phù hợp.

Hai là, để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, bên cạnh các công cụ can thiệp truyền thống như bán ngoại tệ giao ngay để can thiệp thị trường, Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua đã xây dựng thêm những công cụ mới như giao dịch forward giữa Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng, đồng thời trong thời gian tới cũng sẽ có một số quy định mới nhằm hướng tới mục tiêu giảm thiểu đầu cơ ngoại tệ trên cả thị trường 1 và thị trường 2.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM