Cơ chế tính tỷ giá VND mới: Từ giờ phải “ngó” sang Trung Quốc nhiều hơn?

07/01/2016 11:26 AM | Kinh doanh

Trong số 8 nước thuộc rổ tiền tệ để tính tỉ giá VND, Trung Quốc là quốc gia có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất với hơn 60,5 tỉ USD trong 11 tháng năm 2015, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch. Kế tiếp là Mỹ, EU và Hàn Quốc.

Kể từ ngày 4/1/2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính thức áp dụng cơ chế tỷ giá mới là tỷ giá trung tâm, thay cho tỷ giá bình quân liên ngân hàng trước đây.

Sự thay đổi cơ chế này có một điểm mới rõ ràng nhất: Tỉ giá sẽ thay đổi liên tục theo ngày thay vì tăng đột ngột khi NHNN ra quyết định như trước kia.

Vậy tỉ giá hàng ngày của VND sẽ dựa vào đâu? Theo NHNN, tỷ giá trung tâm sẽ được tính toán tương quan với rổ 8 đồng tiền có tỉ trọng thương mại, đầu tư, vay nợ ảnh hưởng lớn nhất tới Việt Nam.

8 đồng tiền đó bao gồm: đồng USD, đồng Euro, đồng Bath Thái, đồng Nhân dân tệ, đồng đôla Singapore, đồng Yên Nhật, đồng Won Hàn Quốc và Đài tệ của Đài Loan.

Điều này không có nghĩa là tỉ giá sẽ thả nổi hoàn toàn theo rổ tiền tệ trên. NHNN vẫn sẽ có vai trò điều tiết, quản lý để tỉ giá ở mức độ phù hợp.

Mặc dù vậy, cơ chế mới này chắc chắn sẽ khiến các đồng tiền, ít nhất là trong rổ 8 loại tiền tệ trên tác động lớn hơn đến giá trị của tiền Việt. NHNN không công bố tỉ lệ cụ thể với từng đồng tiền, nhưng nếu nhìn vào những yếu tố xem xét, có thể thấy đồng tiền nào càng có tỉ trọng thương mại lớn tới Việt Nam, tầm ảnh hưởng của nó càng lớn.

Trong số 8 nước trên, Trung Quốc là quốc gia có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất với hơn 60,5 tỉ USD trong 11 tháng năm 2015, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch. Kế tiếp là Mỹ, EU và Hàn Quốc.

Nhật Bản xếp ở vị trí thứ 4 trong các quốc gia và khu vực xuất nhập khẩu nhiều nhất vào Việt Nam, nhưng tác động của Nhật Bản tới Việt Nam lớn hơn ở khía cạnh vốn đầu tư FDI và ODA.

Đáng chú ý, trong số 60,5 tỉ USD trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc, chúng ta đang nhập siêu tới 30 tỉ USD, bằng với kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ.

Nền kinh tế Trung Quốc cũng là điểm nóng của kinh tế toàn cầu tại thời điểm hiện tại khi tăng trưởng chậm nhất trong vòng 2 thập kỷ qua. Riêng đầu năm 2016 này, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã đón cú sốc với 2 lần phải đóng cửa sớm vì chỉ số liên tục lao dốc.

Kinh tế khó khăn khiến Trung Quốc liên tục phá giá Nhân dân tệ trong thời gian gần đây.

Đây là một trong những yếu tố khiến tỉ giá trung tâm của Việt Nam vừa ra mắt đã tăng lên 21.919 đồng đổi 1 USD, tăng 12 đồng so với ngày 6/1 và tăng 29 đồng so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng vẫn áp dụng suốt 4 tháng trước.

Trung Quân

Cùng chuyên mục
XEM