Tỷ giá mới: Trao "vương miện" cho doanh nghiệp FDI?

08/01/2016 14:07 PM | Kinh doanh

Từ trước đến nay, người ta nhìn lại thì thấy VNĐ thường chỉ mất giá, mà với kiểu cách xuất nhập khẩu của Việt Nam như từ trước đến nay thì VNĐ càng mất giá thì các doanh nghiệp FDI càng có lợi. Trong khi DN trong nước dễ bị đè chết ngạt.

Ngân hàng nhà nước (NHNN) vừa ban hành Quyết định về cơ chế điều hành tỷ giá mới với tên gọi: Tỷ giá trung tâm, hôm 4/1 vừa qua.

NHNN lý giải, với cơ chế tỷ giá mới, nếu có biến động thì rủi ro cho doanh nghiệp sẽ nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp dường như vẫn rất mù mờ. Phải nhìn vào đâu để ước tính được rủi ro tỷ giá? Và cần có kế hoạch kinh doanh như thế nào để không bị tác động mạnh, từ đó phát triển bền vững trong quá trình này?

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Bùi Trinh bàn về giải pháp cho doanh nghiệp khi Ngân hàng Nhà nước áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm.

Thưa ông, nếu như trước đây, vấn đề rủi ro tỷ giá ít nguy hiểm khi được NHNN cam kết, giới hạn trong một khung nhất định thì với cơ chế tỷ giá mới vừa được công bố, các doanh nghiệp phải nhìn vào đâu để ước tính được rủi ro tỷ giá?

Không chỉ chính sách tỷ giá mà nhiều chính sách của Việt Nam thường không ổn định, trong khi đó, chính sách tiền tệ thường tác động mạnh đến độ thành bại của doanh nghiệp.

Theo tôi hiểu, Ngân hàng Nhà nước công bố điều hành tỉ giá hối đoái lên xuống hàng ngày linh hoạt hơn, theo hướng thị trường hơn, tuy áp dụng tỷ giá trung tâm nhưng lại có biên độ như hiện nay là +/- 3%/năm .

NHNN điều hành tỷ giá cũng dựa trên xu thế của nền kinh tế thực, từ đó người ta sẽ xác lập ra vùng tỷ giá mục tiêu để có lợi nhất cho kinh tế vĩ mô, cơ bản cho xuất khẩu và nhập khẩu.

Như vậy, doanh nghiệp để phát triển bền vững cần nhìn vào nền kinh tế thực để đưa ra các ước tính và chính sách của mình.

Nền kinh tế Việt Nam, phải thẳng thắn nhìn nhận là nền kinh tế cơ bản là gia công, lắp ráp, nguyên vật liệu đầu vào và máy móc thiết bị đều nhập khẩu.

Hơn 90% trong tổng giá trị nhập khẩu là cho sản xuất, như vậy xuất khẩu của Việt Nam gần như chỉ là xuất khẩu hộ.

Giả dụ, Việt Nam đồng mất giá lên kịch trần của biên độ (+3%) thì các doanh nghiệp trong nước sẽ rất khó khăn. Nhưng ngược lại, doanh nghiệp FDI lại có lợi vì cơ bản các doanh nghiệp FDI là xuất khẩu, họ cũng chẳng quan tâm đến hàm lượng Việt Nam trong chuỗi giá trị.

Như vậy doanh nghiệp xuất khẩu FDI là những người thắng lớn trong cơ chế tính tỷ giá mới?

Dù tỷ giá có linh hoạt thế nào thì cũng phải phụ thuộc vào nền kinh tế thực.

Từ trước đến nay người ta nhìn lại thì chỉ thấy Việt Nam đồng thường chỉ mất giá, mà với kiểu cách xuất nhập khẩu của Việt Nam như từ trước đến nay thì VNĐ càng mất giá thì các doanh nghiệp FDI càng có lợi.

Bởi họ vốn đã được ưu đãi đủ thứ nếu lại thêm được hưởng lợi từ tỷ giá nữa. Ngược lại, các doanh nghiệp nội sẽ rất khó ngóc đầu dậy, sẽ không ít doanh nghiệp nội bị đè đến chết ngạt.

Vậy còn việc neo tiền Việt Nam vào 8 đồng tiền thay vì USD như trước có khiến tiền Việt Nam ít phụ thuộc vào USD hơn không, theo ông?

Việc neo vào 8 đồng tiền thay vì USD về cơ bản là một bước đi hay của NHNN.

Khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, phía Việt Nam cũng vội vàng phá giá, lúc đó ý kiến cá nhân tôi là không đồng tình và đến nay cũng vậy.

Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 60% là nguyên vật liệu, khoảng trên 30% cho máy móc thiết bị và chỉ khoảng gần 10% cho tiêu dùng cuối cùng. Như vậy,việc giá hàng nhập khẩu nguyên vật liệu của Trung Quốc giảm sẽ có lợi cho ta.

Kinh tế Việt Nam là nền kinh tế gia công, không có công nghiệp phụ trợ nên khi sản xuất hầu như phải nhập khẩu. Nếu không nhập khẩu sản phẩm từ Trung Quốc thì cũng phải nhập từ nước khác nếu không muốn sản xuất ngưng trệ.

Nhiều ý kiến lo ngại xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi việc TQ phá giá NDT. Tôi khẳng định, lo ngại này là có lý nhưng cần thấy rằng 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là của khu vực FDI, hàng nông sản chỉ chiếm 10-12% tổng kim ngạch xuất khẩu trong đó xuất sang Châu Âu, Nhật bản và Hoa kỳ 5-7% chỉ khoảng vài phần trăm xuất sang TQ.

Tất nhiên, vài phần trăm thì cũng là sản phẩm do mồ hôi và sức lực của người nông dân Việt Nam nhưng để sản phẩm của họ có thể cạnh tranh không chi là vấn đề tỷ giá.

Cơ chế tính tỷ giá mới có ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu xuất khẩu năm nay của Việt Nam không, thưa ông?

Nhìn theo 3 giai đoạn thể hiện qua 3 bảng cân đối liên ngành có thể thấy yếu tố xuất khẩu tuy lan tỏa đến sản lượng ngày càng nhiều nhưng không lan tỏa bao nhiêu đến giá trị gia tăng mà chỉ lan tỏa mạnh đến nhập khẩu mà thôi. Hàm lượng trong xuất khẩu của VN chỉ là sức lao động mà thôi.

Xin cảm ơn ông!

Tô Mạn

Cùng chuyên mục
XEM