Chuyện sân bay: Quá tải nhà ga, chỉ cần nới ra là được?

17/06/2015 22:25 PM |

Trước tình trạng nguy cơ quá tải sân bay Tân Sơn Nhất, đề án xây mới sân bay Long Thành được Chính phủ trình lên Quốc hội nhưng đã gặp nhất nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận nhân dân.

Nhiều người cho rằng, việc xây mới sân bay Long Thành với kinh phí mười mấy tỷ đồng là quá tốn kém, chưa cấp thiết. Nếu Tân Sơn Nhất bị quá tải nhà ga thì chỉ cần xây thêm nhà ga mới.

Trước vấn đề này, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam khẳng định “Tình trạng quá tải của một cảng hàng không không chỉ liên quan đến nhà ga mà còn phụ thuộc đến khả năng của vùng trời, đường cất hạ cánh và cuối cùng mới là nhà ga. Đó là 3 yếu tố chính quyết định năng lực của một cảng hàng không. Ngoài ra, mỗi sân bay còn phụ thuộc vào hệ thống tiếp cận đến nhà ga đó nữa, mới quyết định việc xây mới hay mở rộng sân bay

Trên thế giới, đa số các nước chọn chiến lược xây cảng hàng không mới bởi sau một quá trình nhiều năm phát triển thì sân bay rất gần thành phố. Liên quan đến vấn đề này, quốc tế còn đặt ra vấn đề phát triển bền vững như môi trường, sự an toàn cho khu dân cư...

Do đó, hiện nay các nước chọn giải pháp xây mới mà chúng ta có thể nhìn thấy hầu như tất cả các nước phát triển và đang phát triển, những thành phố là trung tâm kinh tế của quốc gia đó đều có ít nhất là 2, một số thành phố có đến 6,7 sân bay. Hầu như không có một trung tâm nào lớn mà chỉ có một sân bay như TP HCM, ông cho biết thêm.

Nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất là không khả thi

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, việc nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất hoàn toàn không khả thi về mặt kinh tế.

Ông cho biết, trong đề án tiền khả thi cũng đã đề ra phương án này. Tuy nhiên, với 22 triệu lượt khách năm 2014 đã xảy ra tình trạng quá tải nhà ga Tân Sơn Nhất thì phải cung cấp lên đến 50 triệu lượt khách 1 năm mới đáp ứng được cho năm 2030.

Theo tính toán của TS Nguyễn Bách Phúc, muốn nâng năng lực vận chuyển hành khách của sân bay Tân Sơn Nhất từ 20 triệu hành khách/năm lên 56 triệu hành khách, sân bay Tân Sơn Nhất cần xây dựng thêm 3 nhà ga. Diện tích để xây dựng 3 nhà ga mới có thể lấy từ vùng đất sân golf rộng 157 ha và 38 ha đất trống trong khuôn viên sân bay.

Tuy nhiên, thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng phân tích thêm “ Ngoài đất sân golf vẫn cần 641 ha để làm đường băng độc lập vì Tân Sơn Nhất cũng đang quá tải đường băng".

Theo tiêu chuẩn, hai đường băng phải cách nhau 1035m mới cất cánh độc lập được. Khi đó cần giải phóng trên địa bàn 3 quận với số dân 140.000 hộ. Kinh phí cho dự án này là 9,1 tỷ USD. Thêm vào đó, để giải thoát khoảng 50 triệu khách thì phải nâng cấp giao thông nội đô, cần thêm khoản kinh phí khổng lồ.

Ngoài ra, về môi trường, sân bay giữa trung tâm, tiếng ồn hàng không rất lớn. Lâu dài, không thể cơi nới thêm nữa vì giải tỏa cần chi phí lớn.

Lúc ấy lại đặt vấn đề xây dựng một sân bay khác.

Sân bay Biên Hòa cũng không khả thi

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng cho biết nghiên cứu tiền khả thi đặt vấn đề dân sự hóa đối với sân bay Biên Hòa. Để di dời khoảng 6000 hộ dân, chi phí là 7,1 tỷ USD.

Chưa kể cần làm thêm sân bay quân sự thay thế cho sân bay Biên Hòa.

Ngoài ra, thực trạng hiện nay sân bay Biên Hòa có lượng Dioxin từ chiến tranh chưa được xử lý với khối lượng rất lớn, trong khi nguồn lực chưa có. Sân bay dân sự không thể xây nơi nguy hiểm thế, thứ trưởng nói.

Nếu cứ để Tân Sơn Nhất bị tắc “sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội và cả ngành hàng không” , Cục trưởng Lại Xuân Thanh khẳng định.

Theo ông Thanh, hàng không là lĩnh vực luôn phải được đảm bảo an toàn tuyệt đối. “Hàng không không phải giống như đường bộ, khi tắc người ta nói thôi thì cứ chịu tắc. Với hàng không, khi đến một ngưỡng nào đó chúng ta không thể tăng thêm lượng hành khách qua sân bay, lượng chuyến bay đến sân bay được nữa, thì đó gọi là đóng băng.”

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng nhận định “ tắc nghẽn ở đây không chỉ về công suất cho hạ tầng hiện hữu mà còn ở trên bầu trời. Với mật độ lên xuống của máy bay như vậy, lại có sân bay quân sự Biên Hòa khu vực đó, rồi điều kiện địa lý sân bay Tân Sơn Nhất sát với biên giới nên có những hạn chế nhất định về khoảng không để tiếp cận vào sân bay.

Thực tế, nhiều khi các máy bay phải liệng trên bầu trời vài phút mới hạ cánh. Hoặc xuống rồi thì phải chờ vài phút mới vào được.

"Tắc" nữa còn ở đường ra vào, tiếp cận trung tâm thành phố cũng bị hạn chế, mới có một phương thức đường bộ. Trong khi ở các quốc gia khác, thường dùng đường sắt nội đô, thứ trưởng nói thêm.

Nếu không xây Long Thành thì sẽ sớm dẫn đến ách tắc. Theo kế hoạch, đến năm 2020 các hãng hàng không Việt Nam sẽ có tổng cộng 180 đến 200 chiếc máy bay. Nhu cầu khai thác rất lớn. Nếu chúng ta không xây dựng sân bay Long Thành sớm sẽ mất cơ hội phát triển du lịch quốc tế đến Việt Nam, xây muộn sẽ cản trở sự phát triển của hàng không Việt Nam.

(Ông Trịnh Hồng Quang, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines)

Hiền Giang

Cùng chuyên mục
XEM