“Chiến tranh tiền tệ” vì Nhân dân tệ phá giá

12/08/2015 08:43 AM |

Nhân dân tệ suy yếu có thể buộc các quốc gia khác phải hạ thêm lãi suất và đẩy tỷ giá đồng nội tệ giảm.

Động thái giảm mạnh tỷ giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc ngày 11/8 có thể dẫn tới hành động tương tự từ một loạt quốc gia khác, đặc biệt là các đối tác thương mại của Trung Quốc ở châu Á.

Theo tờ Wall Street Journal, cuộc “chiến tranh tiền tệ” này sẽ diễn ra khi các quốc gia cùng tìm cách giành ưu thế cho hàng hóa xuất khẩu của mình trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu giảm tốc.

Hiệu ứng domino

Chính sách giữ ổn định tỷ giá đồng Nhân dân tệ so với USD mà Trung Quốc áp dụng từ đầu năm đến nay đối lập với những gì diễn ra ở châu Âu, Nhật Bản và các thị trường mới nổi như Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi. Các nước này đều kết hợp giữa cắt giảm lãi suất và các biện pháp kích thích tiền tệ mạnh tay để khiến đồng nội tệ suy yếu.

Ngoài ra, kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sớm tăng lãi suất đẩy đồng USD tăng giá, theo đó càng làm gia tăng áp lực giảm giá đối với một loạt đồng tiền.

PBoC đã không đi theo hướng đi của các ngân hàng trung ương khác, một phần vì Bắc Kinh muốn thúc đẩy đồng Nhân dân tệ trở thành một đồng tiền quốc tế. Ngoài ra, PBoC cũng lo ngại bất ổn tỷ giá sẽ cản trở đầu tư.

Tuy vậy, ngày 11/8, PBoC bất ngờ giảm tỷ giá tham chiếu đồng Nhân dân tệ 2% và tuyên bố sẽ cho phép các lực lượng thị trường đóng một vai trò lớn hơn trong việc thiết lập tỷ giá của đồng tiền này. Động thái này cho thấy Trung Quốc không còn muốn “chịu đựng” một đồng Nhân dân tệ mạnh nữa trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế giảm tốc, lạm phát thấp và xuất khẩu sụt giảm.

Giới phân tích cho rằng, việc Trung Quốc làm đồng Nhân dân tệ suy yếu có thể buộc các quốc gia khác phải hạ thêm lãi suất và đẩy tỷ giá đồng nội tệ giảm, gây tác động bất lợi cho láng giềng.

Đối với Mỹ, quốc gia vẫn xem đồng Nhân dân tệ bị định giá ở mức thấp hơn giá trị thực, động thái ngày 11/8 của PBoC có thể sẽ làm gia tăng sự chỉ trích nhằm vào chính sách tiền tệ của Bắc Kinh. Nhiều nghị sỹ Mỹ cho rằng chính sách này khiến các nhà xuất khẩu Mỹ thiệt hại, và mức độ thiệt hại càng lớn hơn trong bối cảnh đồng USD vốn dĩ đã mạnh.

Tuy vậy, áp lực giảm giá đồng tiền sẽ đặc biệt căng thẳng ở các nước châu Á xuất khẩu một lượng hàng hóa lớn sang Trung Quốc hoặc cạnh tranh với Trung Quốc ở các thị trường xuất khẩu khác.

Các đồng tiền của châu Á đã đồng loạt mất giá ngày 11/8 sau khi Trung Quốc tuyên bố giảm tỷ giá Nhân dân tệ, trong đó giảm mạnh nhất là đồng Won Hàn Quốc, Đôla Australia, và Baht Thái, bởi giới đầu tư đặt cược rằng động thái của PBoC sẽ dẫn tới việc các nước này nới lỏng thêm chính sách tiền tệ.

Từ đầu năm đến nay, nhiều nước châu Á đã cắt giảm lãi suất, và rất có thể sẽ có thêm nhiều động thái hạ lãi suất nữa trong khu vực trong những tháng sắp tới.

“Động thái của PBoC sẽ khuyến khích các nước châu Á là đối tác thương mại gần gũi với Trung Quốc có động thái làm tỷ giá giảm”, ông Wai Ho Leong, chuyên gia kinh tế tại châu Á của Barclays, nhận xét. “Một xu hướng mới đã xuất hiện: các đồng tiền châu Á xuống giá”.

Hàn, Nhật cùng lo

Hàn Quốc được cho sẽ là quốc gia đối mặt với áp lực căng thẳng nhất trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ sau động thái của Trung Quốc. Nước này đang cạnh tranh mạnh với Trung Quốc trong việc xuất khẩu nhiều mặt hàng từ điện thoại di động giá rẻ tới các sản phẩm khác.

Tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc năm nay đã gây thất vọng sâu sắc và Chính phủ nước này đã dựa vào cắt giảm lãi suất và đồng Won yếu để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy vậy, các biện pháp này chưa đem lại kết quả như mong muốn, với kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc giảm 3,3% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng giảm thứ 7 liên tục.

Nhân dân tệ mất giá mạnh cũng có thể gây thiệt hại cho các quốc gia xuất khẩu nhiều nguyên vật liệu thô và hàng chế tạo sang Trung Quốc. Những nước xuất khẩu lớn các mặt hàng đậu tương, than, nickel, và quặng sắt như Brazil, Australia và Indonesia có thể sẽ phải chứng kiến nhu cầu của Trung Quốc đối với các mặt hàng này giảm sút.

Trong khi đó, giá hàng hóa cơ bản toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm.

Tuy vậy, cũng có những quốc gia không muốn đồng tiền của mình mất giá thêm. Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia Mirza Adityaswara nói đồng Nhân dân tệ mất giá sẽ không khiến đồng Rupiah của nước này mất giá thêm nhiều. Hiện đồng tiền của Indonesia đang giao dịch ở mức thấp nhất trong 17 năm và được cho là thấp hơn giá trị thực.

Theo các chuyên gia, sau khi đã tung những biện pháp kích thích tiền tệ chưa từng có tiền lệ để hỗ trợ tăng trưởng, Nhật Bản và châu Âu hiện tại ít có khả năng có thêm hành động làm suy yếu đồng tiền.

Tuy vậy, những dấu hiệu của sự giảm tốc tăng trưởng ở Trung Quốc có thể gây thách thức cho cả hai nền kinh tế này, mở đường cho khả năng nới lỏng thêm trong tương lai, nhất là đối với Nhật - quốc gia có Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ nhì.

Theo An Huy

Cùng chuyên mục
XEM