Chỉ số PMI tháng 5 giảm nhẹ xuống 52,5 điểm

02/06/2014 23:09 PM |

Theo HSBC chỉ số PMI tháng 5 vẫn cho thấy có sự cải thiện về điều kiện hoạt động tại các công ty sản xuất. Số lượng đơn hàng mới tăng lên, nhưng tốc độ tạo việc làm chậm, lạm phát chi phí tăng mạnh.

Ngày 02/06/2014, ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) phối hợp cùng với công ty Markit Economics công bố Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam trong tháng 5.2014: 

Theo đó: Những điều kiện kinh doanh chung trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong tháng 5 đã tốt lên khi nhu cầu của khách hàng tiếp tục được cải thiện. Sản lượng tăng tháng thứ 8 liên tiếp khi số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng mạnh. 

Các thành viên nhóm khảo sát tiếp tục đưa ra bằng chứng cho thấy các quy định mới về vận tải đã ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất khi mà thời gian giao hàng của nhà cung cấp bị kéo dài với một tốc độ kỷ lục và giá cả đầu vào tăng mạnh.

Cụ thể: 

Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) toàn phần được điều chỉnh theo mùa đã giảm từ mức 53,1 điểm trong tháng 4 còn 52,5 điểm trong tháng 5 vẫn cho thấy có sự cải thiện về điều kiện hoạt động tại các công ty sản xuất.

Số lượng đơn đặt hàng mới trong tháng 5 đã tăng 6 tháng liên tiếp, với tốc độ tăng nhanh chóng, chỉ  kém hơn một chút so với mức cao kỷ lục của tháng 4. Các thành viên nhóm khảo sát cho biết các điều kiện kinh tế tốt lên đã giúp làm tăng nhu cầu của khách  hàng. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng trong tháng 5, nhưng tốc độ tăng chỉ là nhẹ.

Nhu cầu khách hàng cao hơn đã làm cho sản xuất tiếp tục tăng trong tháng và đây là tháng tăng thứ  8 liên tiếp. Một số thành viên nhóm khảo sát cho biết hoạt động mua hàng hóa nguyên liệu trong những tháng gần đây đã giúp họ tăng sản lượng. Hoạt động sản xuất tăng đã giúp các công ty xử lý lượng công việc tồn đọng. Lượng công việc tồn đọng đã giảm nhẹ sau khi tăng trong tháng trước.

Những thay đổi  mới đây trong quy định về vận tải  tiếp tục gây ảnh hưởng đến lĩnh vực sản suất trong tháng 5. Thời gian giao hàng của nhà cung cấp bị kéo dài thành mức cao nhất trong lịch sử khảo sát khi các quy định mới về trọng tải làm cho các nhà cung cấp phải thực hiện nhiều chuyến hơn để vận chuyển cùng một khối lượng hàng hóa. Quy định này cũng ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển, từ đó làm tăng tốc độ  tăng giá chi phí đầu vào tháng thứ 2 liên tiếp và đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2012.

Mặc dù chi phí đầu vào tăng mạnh, các nhà sản xuất hầu như vẫn không thay đổi giá cả đầu ra trong tháng. Trong khi một số thành viên nhóm khảo sát cho biết đã chuyển  gánh  nặng  chi  phí  cao hơn sang cho khách hàng,  những thành viên khác lại cho biết họ phải  giảm giá bán của họ để kích thích nhu cầu. 

Việc làm trong tháng 5 đã tăng tháng thứ 2 liên tiếp, mặc dù tốc độ tạo việc làm đã chậm lại và chỉ  còn  ở mức tăng nhẹ. Yêu cầu về sản xuất cao hơn đã buộc một  số thành viên nhóm khảo sát phải tăng số  lượng nhân công.

Yêu cầu về sản lượng tăng cũng làm cho họ phải gia tăng hoạt động mua hàng trong tháng. Hoạt động mua hàng hóa đầu vào đã tăng trong suốt 9 tháng qua, với tốc độ tăng vẫn còn mạnh mặc dù đã giảm  bớt so với tháng 4. Tồn kho hàng mua đã giảm nhẹ khi hàng hóa đầu vào đã được dùng trong quá  trình  sản xuất. Hàng tồn kho thành phẩm cũng đã giảm sau khi tăng trong tháng trước. Tuy nhiên, tốc độ giảm chỉ là nhỏ.

Bình luận về cuộc  khảo  sát  chỉ số PMI™  Việt Nam, Trinh Nguyen Chuyên viên kinh tế - Ngân hàng HSBC nói: “Chỉ số PMI tháng 5 cho thấy lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam có sự cạnh tranh, với  hoạt động  kinh  doanh tiếp tục mở rộng mặc dù với tốc độ chậm hơn. Chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ lãi suất ổn định để hỗ trợ nhu cầu trong nước”,

Theo Q. Nguyễn

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM