Người Việt có đang thực sự được uống sữa bò tươi?
Trong khi nguồn sữa tươi nguyên liệu trong nước được sử dụng để chế biến sữa nước chỉ đáp ứng được 46% nhu cầu tiêu thụ sữa của người Việt Nam, thì 54% sản phẩm sữa còn lại trên thị trường có nguồn gốc từ đâu?
Thế nào là sữa bò tươi?
Hiện nay, trên thị trường, sữa nước chia thành 3 dòng sản phẩm: sữa tươi thanh trùng, sữa tươi tiệt trùng và sữa hoàn nguyên tiệt trùng.
Sữa tươi thanh trùng là sữa bổ dưỡng nhất (chứa nhiều vi chất dinh dưỡng nhất) được làm từ nguồn sữa tươi thô - được xử lý với nhiệt độ 75 độ C trong vòng 12-20 phút, sau đó giữ mát ở 4 độ C.
Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng, sữa thanh trùng luôn phải được bảo quản trong một điều kiện hết sức nghiêm ngặt, ở 4-6 độ C và hạn sử dụng ngắn, chỉ trong vòng 10 -15 ngày.
Sữa tươi tiệt trùng được làm từ nguồn sữa tươi thô và được xử lý với nhiệt độ 140 độ C trong vòng 4-6 phút, sau đó giữ mát ở 12 độ C.
Loại sữa nước này là bảo quản ở nhiệt độ thường, hạn sử dụng trong vòng 6 tháng, dễ sử dụng và chỉ đứng sau sữa thanh trùng về bổ sung vi lượng dinh dưỡng.
Sữa hoàn nguyên tiệt trùng (sữa hoàn nguyên) được làm từ nguồn sữa bột cô lại từ sữa tươi. Bột được pha với nước hoặc pha thêm cả sữa tươi ở nhiệt độ 140 độ C, sau đó bảo quản ở nhiệt độ thường, sử dụng trong vòng 6 tháng.
Như vậy, chỉ có sữa tươi thanh trùng và sữa tươi tiệt trùng mới được coi là sản phẩm làm từ sữa tươi (sữa lấy trực tiếp từ bò sữa) và có hàm lượng dinh dưỡng cao nhất.
Người Việt đang uống sữa gì?
Ở các nước phát triển như châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... sữa nước được sản xuất từ 100% sữa bò tươi nguyên liệu phải được công bố rõ ràng minh bạch trên bao bì ở tất cả các sản phẩm.
Còn tại Việt Nam, hầu hết người tiêu dùng hiện nay không phân biệt được đâu là sữa nước làm từ nguyên liệu sữa bột, đâu là sữa tươi nguyên chất. Sự khác nhau này không phải ai cũng phân biệt được bởi vì trên bao bì, nhãn mác các sản phẩm được bày bán trên thị trường hiện nay không ghi rõ.
Theo ý kiến của chuyên gia trong ngành, quy định hiện nay của Cục An toàn Thực phẩm Việt Nam về tiêu chuẩn sản phẩm sữa, sữa tươi tiệt trùng (TCVN 7028:2009), sữa tươi thanh trùng (TCVN 5860:2007), sữa hoàn nguyên tiệt trùng và sữa pha lại tiệt trùng (TCVN 7029:2009) là chưa chính xác và dễ gây hiểu lầm cho người sử dụng.
Để minh bạch hơn, nên chăng các doanh nghiệp cần công bố rõ các loại sữa nước của họ sử dụng bao nhiêu % sữa tươi nguyên liệu sản xuất trong nước, bao nhiêu % nguyên liệu từ sữa bột hoàn nguyên.
Thực tế cho thấy, sữa tươi nguyên liệu sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng trên 38% tổng nhu cầu nguyên liệu để sản xuất sữa nước và tiêu dùng, còn lại đều phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Trong thực tế, không ai đi nhập khẩu sữa tươi từ nước ngoài về để sản xuất sữa nước được vì sữa tươi làm nguyên liệu không thể để quá 7 ngày. Giả sử có nhập về được chăng nữa thì giá thành khi về đến Việt Nam cũng bị đội lên khá cao.
Như vậy, đến hầu hết nguyên liệu sữa tươi được sử dụng để sản xuất các sản phẩm sữa nước tại Việt Nam có nguồn gốc ở trong nước.
Theo số liệu của bộ Công thương năm 2014, Việt Nam có hơn 25.000 hộ nông dân nuôi bò ở cung cấp 549,5 triệu lít sữa tươi. Trong đó, 20% số sữa này được doanh nghiệp đưa vào chế biến sữa chua, còn lại 439,6 triệu lít sữa tươi nguyên liệu được sử dụng làm sữa nước.
Cũng trong năm 2014, số liệu thị trường sữa nước tại Việt Nam ghi nhận đã có đến 947,2 triệu lít được bán ra. Trừ đi 439,6 triệu lít sữa bò tươi, vậy thì hơn 500 triệu lít sữa nước còn lại có nguồn gốc từ đâu?
Số liệu của Tổng cục thống kê cho biết, tổng kim ngạch nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa năm 2014 vào Việt Nam lên tới hơn 1 tỷ USD.