Chi 110 tỷ đồng mỗi tháng chỉ để ghi... công tơ điện

08/07/2015 10:05 AM |

Việc dùng máy tính bảng và "gậy tự sướng" để ghi công tơ điện được cho là “phát minh” của ngành điện. Từ đó, EVN phải chi tối thiểu là 110 tỷ đồng mỗi tháng để làm việc này.

Nội dung nổi bật:

- Bộ thiết bị bao gồm một cây sào có thể điều chỉnh độ dài, giống như “gậy tự sướng” dùng để chụp ảnh, một đầu camera, một máy tính bảng, có giá 4-5 triệu đồng

- Con số ấy nhân với giá thành, có nghĩa Tổng công ty Điện lực Hà Nội sẽ phải chi tới hàng chục tỷ đồng cho “nỗ lực làm minh bạch giá điện”, chỉ để ghi số công tơ điện


Công nhân sướng với… “gậy tự sướng”

Hôm 7/7, theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương, hiện Tổng công ty Điện lực Hà Nội đã triển khai ghi số điện bằng máy tính bảng phối hợp với thiết bị ghi chỉ số cho 29/30 công ty điện lực, với 1.129 thiết bị áp dụng cho 500.000 khách hàng. Trong kỳ hóa đơn tháng 7/2015 này, dự kiến số lượng khách hàng được áp dụng biện pháp ghi chỉ số công tơ là 1 triệu, chiếm tỷ lệ 40%.

Việc đưa ra thiết bị này được EVN đánh giá là “nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh”. Mặt khác với thiết bị đã có, ngay cả những ngày mưa, việc ghi số điện vẫn được tiến hành, đảm bảo an toàn cho công nhân, không phải leo trèo lên “đo bằng mắt” như trước đây mà nhàn hạ, thảnh thơi hơn.

Bộ thiết bị bao gồm một cây sào có thể điều chỉnh độ dài, giống như “gậy tự sướng” dùng để chụp ảnh, một đầu camera, một máy tính bảng. Camera gắn vào đầu gậy, ghi hình chỉ số công tơ và hình ảnh sẽ lưu vào máy tính bảng để khi có thắc mắc, kiến nghị của khách hàng, EVN sẽ đưa ra hình ảnh có đầy đủ chỉ số công tơ hiển thị ngày, giờ chụp để đối chiếu. Được biết, giá của một bộ thiết bị này khoảng 4-5 triệu đồng.

Dùng máy tính bảng và gậy “tự sướng” để ghi côngtơ điện tại Hà Nội.

Dùng máy tính bảng và gậy “tự sướng” để ghi công tơ điện tại Hà Nội.

Bộ Công Thương cho biết, riêng trong tháng 6 đã có 151.788 thắc mắc của khách hàng, trong đó liên quan đến hóa đơn là 3.505 vụ. Tổng công ty Điện lực Hà Nội tiếp nhận 30.320 vụ, Tổng công ty Điện lực TP HCM tiếp nhận 117.115 vụ thắc mắc, kiến nghị về giá điện.

Vẫn phải chi 110 tỷ đồng mỗi tháng

Theo dự tính, nếu Hà Nội hoàn thành 100% công tơ được ghi bằng “máy tính bảng” và “gậy tự sướng”, tức 2,5 triệu công tơ, số lượng máy tính bảng và thiết bị đo đạc sẽ rơi vào khoảng… 5.000 bộ. Con số ấy nhân với giá thành, có nghĩa Tổng công ty Điện lực Hà Nội sẽ phải chi tới hàng chục tỷ đồng cho “nỗ lực làm minh bạch giá điện”.

Liệu con số ấy có được tính vào giá thành để rồi mỗi người dân lại phải gánh thêm một khoản gọi là bù trừ cho chi phí máy tính bảng và “gậy tự sướng”? Điều đáng nói, mới đây, dư luận đã không đồng tình với con số hàng chục ngàn lao động của EVN (EVN không thừa nhận con số 67.000 lao động) chỉ “ăn lương rồi đi ghi số công tơ và đòi tiền điện”. Chi phí cho lực lượng đó quá lớn được cho góp phần đẩy giá điện lên cao.

Trao đổi với báo Lao Động, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đinh Quang Tri cho biết: “Việc ghi chỉ số công tơ từ xa mới chỉ áp dụng với các khách hàng lớn là các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị sử dụng điện. Đối với khoảng 22 triệu hộ gia đình sử dụng điện sinh hoạt, tương đương 22 triệu công tơ, hình thức phổ biến vẫn là ghi chỉ số công tơ trực tiếp tại hộ dân.

Nếu áp dụng đồng loạt việc nối mạng để truyền dữ liệu công tơ từ xa sẽ hết sức tốn kém, so với chi phí tối thiểu hiện nay đọc chỉ số công tơ chỉ khoảng 5.000 đồng/công tơ”. Như vậy, với chi phí cho một lần đọc công tơ nhân với lượng hộ sử dụng, tương đương mỗi tháng là 110 tỷ đồng.

Theo Cục trưởng Cục Điều tiết điện Bộ Công Thương, hiện ngành điện đang đẩy nhanh lộ trình đưa khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất và kinh doanh, nhằm tiết kiệm chi phí, tăng năng suất lao động và giảm lực lượng đi ghi công tơ và thu hóa đơn tiền điện. Một trong những giải pháp là dùng công tơ điện tử, ghi chỉ số công tơ từ xa, phối hợp với ngân hàng thu tiền điện qua tài khoản cá nhân. Hiện ở Hà Nội đã triển khai công tơ điện tử cho một số khách hàng lớn như các khu chung cư, khách sạn.

Trong khi chờ lộ trình điện tử hóa việc ghi số điện từ xa và thu tiền điện qua hệ thống ngân hàng, EVN vẫn cứ phải chấp nhận “vung tay dùng gậy tự sướng” để minh chứng cho sự minh bạch của mình.

Năm 2021 ngành điện sẽ hết độc quyền: Quyết định số 63 ngày 8/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành điện. Theo đó từ năm 2016, thị trường điện Việt Nam sẽ chuyển từ thị trường phát điện cạnh tranh sang thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm. Khách hàng lớn nối lưới truyền tải điện sẽ được phép mua điện từ các nhà sản xuất điện độc lập, và từ năm 2021, khi thị trường bán lẻ điện cạnh tranh đi vào hoạt động, tất cả khách hàng mua điện sẽ được quyền lựa chọn người bán.

Thay công tơ điện tử tốn 10.000 tỷ đồng: Ông Đinh Quang Chi cho hay, một vấn đề nữa là muốn áp dụng hình thức ghi chỉ số từ xa, bắt buộc phải thay thế toàn bộ 22 triệu công tơ hiện có bằng công tơ điện tử. Theo tính toán của ngành điện, trong vòng 5 năm tới, nếu có đủ kinh phí, mỗi năm EVN phải thay thế 4-5 triệu công tơ, chưa kể số phát triển thêm khoảng 500.000 đến 1 triệu côngtơ điện mỗi năm.

Với chi phí trung bình khoảng 600.000 - 700.000 đồng/công tơ, đến năm 2020, khi cơ bản thay thế hoàn toàn công tơ điện tử, EVN phải bỏ ra lượng kinh phí khoảng trên 10.000 tỷ đồng. Chi phí này đương nhiên tính vào giá điện.

Theo Anh Khoa - Mạnh Quân

Cùng chuyên mục
XEM