Bộ trưởng Hoàng nói gì về sự kỳ lạ của giá xăng, giá điện?

12/06/2015 08:43 AM |

Bên cạnh tiêu thụ sản phẩm cho nông nghiệp, sự kỳ lạ của giá xăng, giá điện cũng là vấn đề được đặt ra tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, chiều 11/6 tại nghị trường.

Dư luận ngã ngửa

Dành chất vấn cho cả Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) nói, giá cơ sở là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước điều hành giá bán lẻ xăng dầu.

Giá cơ sở bao gồm nhiều thành tố, trong đó có chi phí định mức hiện nay được quy định là 1.050 đồng/lít xăng và 950 đồng/lít dầu, lợi nhuận định mức 300 đồng/lít.

Nếu chi phí định mức xin được, gửi được, tăng thêm 100 đồng/lít thì người tiêu dùng gánh thêm 1.600 tỷ đồng/năm. Lợi nhuận được mặc định 300 đồng/lít, người tiêu dùng mặc nhiên trả lãi 4.800 tỷ, ông Hiến phân tích.

“Cộng hai khoản trên là 6.400 tỷ đồng, chính điều đó dư luận cứ ngã ngửa mỗi khi các doanh nghiệp xăng dầu công bố lợi nhuận. Bộ trưởng có nghĩ đó là sự bất hợp lý, là sơ hở cần phải thay đổi để minh bạch hơn, công bằng hơn, để đảm bảo hài lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng”, đại biểu Hiến chất vấn

“Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với cách đặt vấn đề của đại biểu”, Bộ trưởng Hoàng trả lời đại biểu Hiến.

Theo Bộ trưởng thì nghị định 83 mới thực hiện từ tháng 11/2014, có những mặt cần tiếp tục phải nghiên cứu để hoàn chỉnh, trong đó có cả vấn đề xác định giá cơ sở, có chi phí định mức và lợi nhuận định mức.

“Tôi xin được tiếp thu ý kiến của đại biểu và sẽ cùng với Bộ tài chính trong quá trình điều hành giá xăng dầu sẽ phát hiện và đề xuất với Chính phủ những bất cập để nếu cần thiết thì có sự bổ sung, sửa đổi, để đáp ứng được mục tiêu như đại biểu đã nêu là kết hợp hài hòa 3 lợi ích”, Bộ trưởng nói.

“Chia lửa” với Bộ trưởng Hoàng, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng sau một hồi giải thích cũng khẳng định “rất tiếp thu ý kiến của đại biểu, sẽ rà soát chi phí đang khoán cho doanh nghiệp”.

Vừa qua, các doanh nghiệp đang đề nghị điều chỉnh tăng các chi phí về kinh doanh định mức, nhưng hai bộ đang rà soát, ông Dũng cho biết thêm.

"Câu chuyện đại biểu đặt ra, tức là lợi nhuận của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn quá, các đồng chí tiếp thu là rà lại các yếu tố đầu vào, như thế chắc đại biểu Hiến cũng bằng lòng thôi", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bình luận từ vị trí điều hành phiến chất vấn.

Tăng giá, tăng giá và tăng giá

“Ở nước ta điện là một mặt hàng rất kỳ lạ. Tăng giá, tăng giá và tăng giá. Tăng rồi, tăng tiếp, và tăng nữa đó là điệp khúc mà có lẽ ra đời từ thủa khai sinh ra ngành điện lực nước nhà”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nhận xét.

Vị đại biểu này cũng cho rằng, việc tăng giá điện không phải không có lý. Lẽ ra, việc tăng giá điện phải khiến người dân được lợi. Về lý thuyết giá bán lẻ cũng là một trong những điều khoản thu hút vốn của các nhà đầu tư và một khi có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia sản xuất và bán thi chi phí sẽ hạ. Khi đó người dân sẽ được hưởng một mức giá cạnh tranh nhất.

“Nói vậy quá đúng. Đúng với tất cả các ngành nhưng không đúng với ngành điện. Xin Bộ trưởng cho biết bao giờ cái lý thuyết đấy đúng với ngành điện?”, ông Cương đặt câu hỏi.

“Điện cho đến giờ phút này mới bắt đầu giá bán cao hơn giá thành, trước đây giá bán điện duy trì cơ chế bao cấp nên giá thấp. Bắt đầu từ năm 2014 giá bán cao hơn giá thành, tuy nhiên chưa phải là giá thị trường. Giá điện không dám tăng một cách thường xuyên, tăng theo lộ trình và theo nguyên tắc thị trường nhưng đảm bảo yếu tố cho xã hội”, Bộ trưởng giải thích.

Điều được Bộ trưởng nhấn mạnh là thời kỳ bao cấp cho giá điện quá dài và đến 2016 sẽ hoàn toàn theo cơ chế thị trường.

Đại biểu Cương đứng dậy lần thứ hai, và nhấn mạnh câu hỏi: bao giờ xóa bỏ được độc quyền trong kinh doanh điện, bởi  nếu tiếp tục giữ độc quyền giá điện sẽ theo chiều hướng tăng mãi.

“Nếu lộ trình năm 2016 như Bộ trưởng nhắc đến, xóa bỏ được độc quyền kinh doanh điện thì tôi nghĩ đó là một điều rất đáng mừng cho người dân”, ông Cương nói.

Nguyễn Lê

Cùng chuyên mục
XEM