Châu Á thu hút đầu tư mạo hiểm hơn thung lũng Silicon?
Số lượng và giá trị các thương vụ đầu tư mạo hiểm ở châu Á đang có khả năng cạnh tranh với Bắc Mỹ, quê hương của thung lũng Silicon và là nơi khai sinh của mô hình “đầu tư mạo hiểm” hiện đại.
Số tiền đầu tư vào Trung Quốc và Ấn Độ, nơi mà hầu hết các thương vụ lớn đang diễn ra, đã tăng lên gấp ba lần tại mức 16,9 tỷ USD trong quý ba, chỉ ít hơn con số 17,5 tỷ USD Bắc Mỹ một chút tính đến ngày 1 tháng 10, theo báo cáo của Preqin Ltd., một công ty tư vấn tại London.
Những khoản đầu tư này chưa bao gồm các thương vụ tại Nhật Bản, nghĩa là nếu xét về tổng thì châu Á sẽ cao hơn. Chín trong số mười khoản đầu tư mạo hiểm lớn nhất đều thuộc về khu vực châu Á, trong đó có thương vụ Didi Kuaidi với mức 3 tỷ USD.
Dòng tiền chảy vào Bắc Kinh và Bangalore cho thấy sự cạnh tranh ngày càng gia tăng đối với thung lũng Silicon, nơi sở hữu những cái tên thống trị ngành công nghiệp công nghệ như Fairchild Semiconductor International Inc và Hewlett-Packard Co. Apple Inc, Google Inc và Facebook Inc. Thậm chí, sự kiện IPO thành công nhất trong lịch sử cũng thuộc về Alibaba Group Holding Ltd của Trung Quốc vào năm ngoái. Các nhà đầu tư mạo hiểm tìm kiếm thành công tương tự đã đẩy số lượng thương vụ ở Trung Quốc trong năm nay lên con số 1016, nhiều hơn cả năm 2014.
"Tôi rất lạc quan về các cơ hội trong dài hạn", Kai-Fu Lee, người sáng lập của Innovation Works tại Bắc Kinh cho biết. "Điều này được thúc đẩy bởi số lượng người sử dụng điện thoại di động ngày càng tăng và sự phổ biến của thanh toán di động."
Giá trị các thương vụ đầu tư mạo hiểm tại châu Á ngày càng tăng
Tổng số vốn đầu tư mạo hiểm ở Trung Quốc và Ấn Độ trong 9 tháng đầu năm là 36,2 tỷ USD, lớn hơn rất nhiều so với 19,9 tỷ USD trong cả năm ngoái. Trung Quốc chiếm 28,6 tỷ USD tài trợ, trong khi Ấn Độ thu hút được phần còn lại. Các thỏa thuận đầu tư mạo hiểm Bắc Mỹ đạt tổng cộng 53,5 tỷ USD trong ba quý vừa qua.
Công ty cung cấp thực phẩm ele.me của Trung Quốc đã huy động được 630 triệu USD từ các nhà đầu tư bao gồm Sequoia Capital và Gopher Asset Management. Didi Kuaidi thu hút nguồn vốn từ SoftBank Group Corp, Ping An Insurance (Group) Co. và China Investment Corp, theo nguồn thông tin thân cận.
Điều này thực sự đang diễn ra bất chấp hàng loạt những số liệu ảm đạm từ Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được dự báo trong năm nay sẽ phải trải qua mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 25 năm, song song với việc thị trường chứng khoán đã giảm giá trị tới 5 nghìn tỷ USD sau khi lên đỉnh vào ngày 12 tháng 6.
Số liệu của chính phủ đưa ra vào ngày thứ hai cho thấy lĩnh vực dịch vụ đang có dấu hiểu tăng trưởng. Đây được coi là tin tốt cho các công ty như 58.com Inc., công ty Trung Quốc đã tuyên bố vào ngày 12 tháng 10 rằng đã huy động được 300 triệu USD từ các nhà đầu tư Alibaba và KKR.
"Các quỹ đầu tư mạo hiểm luôn những kế hoạch được xây dựng cho dài hạn, vì vậy không bị ảnh hưởng mấy bởi diễn biến thị trường" Ee Fai Kam, quản lý tại Preqin, cho biết. "Sự tăng trưởng kèm theo vô số những cơ hội trong những năm gần đây tại châu Á khiến họ không hề do dự, bất chấp khủng hoảng kinh tế."
Số lượng các dự án đầu tư mạo hiểm tại châu Á
Hiện nay đang có một sự suy giảm trong nguồn lực tài chính của các quỹ đầu tư mạo do có quá nhiều dự án startup cần được tài trợ. Hai lĩnh vực đang trở nên khó khăn hơn trong thời gian gần đây là peer-to-peer và online-to-offline.
"Có một sự cạnh tranh thật sự đang diễn ra. Rất nhiều nguồn vốn đang bị lãng phí bởi những công ty khởi nghiệp có chất lượng thấp", theo Mingchen Xia, người đứng đầu Hamilton Lane Advisors LLC. - một công ty cổ phần tư nhân từ Pennsylvania, “những dự án startup kém chất lượng này sẽ không thể sống sót khi mùa đông đến.”
Ấn Độ cũng đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ. Các công ty tại đây đã huy động được 13 tỷ USD trong năm nay, gần bằng con số năm ngoái. Flipkart, một công ty thương mại điện tử tương tự như Alibaba, đã nhận được hơn 2 tỷ USD kể từ tháng 7 năm 2014 từ các nhà đầu tư như Tiger Global Management và Accel Partners.
Châu Á ngày càng được tài trợ nhiều tiền hơn, nhưng tốc độ lại chậm hơn so với năm ngoái, theo báo cáo của Preqin. Thung lũng Silicon hiện vẫn duy trì vị thế dẫn đầu thị trường khi mà Trung Quốc vẫn chưa chứng minh được rằng, họ có thể tạo ra một Google tiếp theo.