Việt Nam: Điểm đến "màu mỡ" của các Quỹ đầu tư mạo hiểm

24/09/2015 07:36 AM | Kinh doanh

Nếu xem các thương vụ và sự quan tâm của quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) và các nhà đầu tư nước ngoài là một chỉ báo thì Việt Nam đang nổi lên như một môi trường màu mỡ cho các hoạt động startup.

Bên cạnh các quỹ đầu tư đã có mặt từ trước như IDG Ventures Vietnam, một số VC mới đã gia nhập hệ sinh thái khởi nghiệp Việt và đang rất lạc quan về những cơ hội trước mắt.

Tháng 8/2015, quỹ đầu tư mạo hiểm Captii Ventures thuộc tập đoàn Captii vừa đầu tư một khoản 6 con số vào startup nạp tiền điện thoại OnOnPay. Đây là khoản đầu tư mạo hiểm đầu tiên của Captii tại Việt Nam. Cũng trong tháng này, quỹ 500 Startups thông báo hai thành viên mới của họ là Eddie Thai và Binh Tran.

Tại sao lại là Việt Nam?

Yếu tố thu hút nhà đầu tư ở đây chính là các lợi thế về nhân khẩu học và các mô hình kinh doanh có thể nhân rộng. Theo Techlist.asia, con số startup ở Việt Nam đã lên đến 1.400, đưa nước này trở thành hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ 3 ở Đông Nam Á, chỉ sau Singapore và Indonesia.

Chính những thành công của thế hệ các công ty công nghệ Việt Nam đầu tiên như FPT, VNG và VCCorp đã taọ động lực cho hệ sinh thái, bản thân các công ty này hiện tại cũng trở thành những nhà đầu tư vào một số startup.

Saikit Ng - Giám đốc điều hành của Captii Ventures nhận xét: "Với lợi thế dân số 90 triệu người đang trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế, cơ cấu dân số trẻ, tầng lớp trung lưu mới nổi và tỉ lệ sử dụng Internet tăng nhanh, đặc biệt là di động, Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của một chu kỳ rất thú vị".

Theo Bình Trần – đồng sáng lập của Klout, sức hấp dẫn ngày càng tăng của các startup Việt Nam một phần là do các yếu tố bên ngoài và sự dịch chuyển của thị trường nội địa. Klout là một startup đánh giá mức độ ảnh hưởng của mạng xã hội lên người tiêu dùng, và Bình Trần là một trong những thành viên người Việt mới nhất của quỹ đầu tư mạo hiểm 500 Startups.

“Nhìn từ bên ngoài, chúng tôi nghĩ rằng đang có sự quan tâm quá mức vào một số thị trường được định giá bất hợp lý như Silicon Valley, Trung Quốc và Ấn Độ”. Đồng thời, các nhà đầu tư cũng bắt đầu nhận ra rằng rất nhiều start-up tuyệt vời đang được khởi tạo bên ngoài những thị trường “nóng” này, nghĩa là sáng tạo có thể đến từ bất kỳ ai, bất kỳ đâu.”, Bình Trần cho biết thêm.

Khác biệt của Việt Nam

Eddie Thái, một thành viên khác của 500 Startups, giải thích lý do các quỹ mạo hiểm chọn Việt Nam thay vì các thị trường mới nổi khác “Vì Việt Nam là một nền kinh tế lớn, trẻ, và đang tăng trưởng nhanh, các chỉ số về công nghệ như tỉ lệ sử dụng Internet và smartphone đều ở quy mô lớn, thế hệ founder đi đầu đã đạt được thành công và chứng minh được tiềm năng của thị trường và nhân tài Việt Nam.”

Nếu so sánh với các nước Đông Nam Á khác (Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines and Việt Nam), thì Việt Nam có lợi thế mạnh về nhân lực kỹ thuật sẵn có, năng lượng, nguồn lực và tiềm năng tăng trưởng của thị trường.

Theo Bình Trần, một lợi thế quan trọng khác nữa là cộng đồng Việt Nam hải ngoại, mà theo Anh Minh Do, biên tập của TechinAsia, gọi là “vũ khí bí mật” của ngành công nghệ Việt Nam. Người Việt Nam thường hoài nghi về khả năng thu hút nhân tài từ chính dân số của họ, vì lo sợ tình trạng chảy máu chất xám khi ngày càng nhiều người ra nước ngoài học tập và làm việc. Tuy nhiên, xu hướng đã thay đổi, với rất nhiều người trong số họ về nước để lập dự án khởi nghiệp riêng của mình.

Bình nói: “Theo một nghiên cứu gần đây của Topica Founder Institute, trong số 27 start-up công nghệ thành công nhất Việt Nam, gần một nửa trong số đó có người sáng lập làm việc hoặc học tập ở nước ngoài”. Trong khi Việt Nam được xem là tụt hậu về thiết kế sản phẩm, chia sẻ và uy tín, tính linh hoạt và hiệu quả của thể chế và khả năng tiếp cận vốn, thì 500 Startups đã nhìn thấy sự tiến bộ trên tất cả các mặt đó.

Tìm kiếm cơ hội ở Việt Nam

Saikit Ng - Giám đốc điều hành của Captii Ventures nói rằng quỹ của anh ấy đã tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các start-up tại Đông Nam Á ở nhiều mức độ từ nửa cuối năm nay. “Chuyến đi đầu tiên của tôi đến Vietnam với tư cách nhà đầu tư là vào tháng 10/2014 và đó là một chuyến đi rất ngắn, chính xác là 1 ngày, để dự lễ tốt nghiệp của Founder Institute. Từ đó tôi biết rằng Việt Nam sẽ là một thị trường mà chúng tôi cần quan tâm hơn nữa.”

Ng gặp Ononpay ở Techfest vào tháng 5/2015, và không mất nhiều thời gian để quyết định đầu tư. Anh cho biết: “Khi chúng tôi gặp Sỹ Phong và nói về Ononpay, chúng tôi đã đủ hiểu thị trường để ra quyết định đầu tư.”

Khoản đầu tư cũng rất đúng thời điểm khi chính sách mới về đầu tư nước ngoài có hiệu lực vào ngày 1/7/2015. Quy định cởi mở hơn đã được công bố từ tháng 7, với nhiều tự do hơn cho người nước ngoài sở hữu bất động sản ở Việt Nam và thủ tục đơn giản hơn cho dự án hoặc danh mục đầu tư.

“Chúng tôi rất vui với sức hấp dẫn mà Ononpay đã lan tỏa. Với trải nghiệm đầu tư đầu tiên tốt như vậy, không có lý do gì để chúng tôi dừng lại. Còn khoản đầu tư thứ hai? Sẽ có thể có nếu tất cả diễn ra như dự tính,” Ng nới với Dealstreetasia.

Điều gì tiếp theo cho Việt Nam?

Captii Ventures cho biết sẽ không chỉ dừng lại ở các startup phù hợp với kế hoạch đầu tư của mình. Bên cạnh các startup đang ở giai đoạn đầu, qũy còn nhận ra có nhiều dự án đã phát triển đến giai đoạn sau mà quỹ sẽ tham gia như một nhà đồng đầu tư.

Trong 3 mảng mà Captii Ventures đang tập trung là thị trường, truyền thông số và ứng dụng cho doanh nghiệp, họ sẽ tham gia chủ động hơn vào ít nhất 2 mảng là thị trường và ứng dụng doanh nghiệp.

Trong khi đó, Bình chia sẻ, “Rất đơn giản, chúng tôi đi tìm những nhóm tuyệt vời có sản phẩm khác biệt mà chúng tôi có thể giúp họ nhân rộng mô hình lên gấp nhiều lần”. “Nhưng về mặt cá nhân, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến các sản phẩm và dịch vụ có thể cải thiện cuộc sống, ví dụ, công nghệ cho các lĩnh vực tài chính, giáo dục, y tế, và truyền thông, đặc biệt là được tối ưu cho điện thoại di động.”

Ng nhận xét, "Miễn là tính thanh khoản trên toàn thế giới vẫn còn và Đông Nam Á vẫn là một khu vực nhiều hứa hẹn tăng trưởng, Việt Nam sẽ không có lý do nào lọt khỏi tầm ngắm của các VC". Ng quả quyết rằng Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia đứng đầu cuộc đua của khu vực Đông Nam Á, vì hầu hết mọi thứ đã sẵn sàng.

"Tôi không có con số chính xác vì rất khó dự đoán hiện nay khi rất nhiều người mới, không chỉ là các VC, đã gia nhập thị trường, nhưng chắc chắn sẽ có tăng trưởng theo cấp số nhân."

Tiềm năng cho dòng vốn dài hạn

Không chỉ với các VC, startup Việt Nam còn hấp dẫn các doanh nghiệp nước ngoài khác, như Yello Mobile của Hàn Quốc đã đầu tư vào công ty quảng cáo CleverAds và trang so sánh giá cả Websosanh.

Garena, một công ty internet của Singapore, vào tháng 7/2015 đã đầu tư Series B cho Foody, startup địa điểm mà trong cùng tháng đó tiếp tục nhận đầu tư Series C từ quỹ đầu tư mạo hiểm Mỹ Tiger Global Management.

Transcosmos, công ty gia công phần mềm có trụ sở tại Tokyo, trước đó đã mua lại 30% cổ phần của nền tảng thương mại điện tử Hotdeal trong một thương vụ ký kết hồi tháng 8/2015.

Eddie cũng lạc quan rằng sẽ có lượng tiền lớn chảy vào Việt Nam, vì anh tin rằng vốn chảy vào nơi nào mà nó có khả năng tạo ra lợi nhuận được điều chỉnh rủi ro tốt nhất. Đặc biệt anh hy vọng trong dài hạn, nguồn vốn cho giai đoạn đầu tư hạt giống (seed round) sẽ đến từ các nhà đầu tư thiên thần tập trung vào Việt Nam (cùng với nguồn vốn của 500 Startups).

"Chúng tôi đã thấy nhiều nhà đầu tư trong nước tiếp cận sân chơi, mặc dù một số rất thận trọng," Eddie nói. Trong khi đó, nguồn vốn cho giai đoạn Series A trở đi hy vọng sẽ đến từ các quỹ có quy mô khu vực và toàn cầu và các nhà đầu tư doanh nghiệp, đặc biệt là từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Mỹ.

Minh Hương

Cùng chuyên mục
XEM