Bùng nổ làn sóng đầu tư vào thị trường bán lẻ châu Á Thái Bình Dương
Theo CBRE nhận định, châu Á –Thái Bình Dương đang bước vào giai đoạn bùng nổ xây dựng hệ thống bán lẻ, đáng chú ý Hà Nội cũng lọt vào trong tốp 10 thành phố đón nhận làn sóng đầu tư này.
Trong những năm gần đây, kinh tế khu vực châu Á –Thái Bình Dương luôn được xem là nơi năng động nhất thế giới với đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và tầng lớp trung lưu tăng mạnh.
Bùng nổ làn sóng đầu tư
Châu Á- Thái Bình Dương đang trải qua sự bùng nổ xây dựng hệ thống bán lẻ để đáp ứng nhu cầu khi các nhà bán lẻ quốc tế đang ào ạt thâm nhập khu vực này.
Báo cáo mới nhất của CBRE “Giai đoạn mới của các thị trường bán lẻ khu vực châu Á – Thái Bình Dương 2014″ cho thấy tầng lớp trung lưu châu Á đã tăng gấp ba lần, từ 525 triệu người vào năm 2009 đến hơn 1,7 tỷ vào năm 2020. Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia được dự đoán sẽ nằm trong tốp 10 thị trường tiêu thụ bán lẻ toàn cầu.
Các nhà bán lẻ quốc tế, chủ yếu là các thương hiệu thời trang, đang tiếp tục tận dụng bối cảnh tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng để đầu tư và mở rộng hoạt động ồ ạt trên toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Bất chấp những quan ngại về tốc độ tăng trưởng kinh tế và doanh thu bán lẻ đang chậm lại, đặc biệt tại Trung Quốc, số lượng doanh nghiệp bán lẻ vẫn không ngừng tăng lên.
Theo ghi nhận của CBRE, Hồng Kông, Bắc Kinh và Thượng Hải đón nhận dòng vốn mạnh mẽ nhất của các nhà đầu tư mới gia nhập thị trường. Tokyo đã từng trải qua giai đoạn tương tự vào năm 2013 và đà phát triển đó vẫn tiếp tục trong năm 2014, chủ yếu nhờ vào nhóm hàng cao cấp. Singapore vẫn là điểm sáng tại khu vực Đông Nam Á, trong khi Đài Loan và Seoul là hai thị trường sôi động nhất toàn cầu cho các nhà bán lẻ đầu tư vào.
Các thị trường mục tiêu hàng đầu thu hút nhà bán lẻ trong năm 2013
Source: Retail Hotspots in Asia Pacific, CBRE Research, 2014
Năm 2015, cần cẩn trọng hơn
Xu hướng đầu tư này được CBRE nhận định sẽ vẫn tiếp diễn trong năm 2015 nhưng nguồn cầu sẽ phân bổ khắp nơi. Theo Jonathan Hsu, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu, CBRE châu Á – Thái Bình Dương, Nhật và Úc được kỳ vọng giữ được đà tăng còn Trung Quốc, Hồng Kông và Singapore sẽ chững lại để làm dịu mức tiêu thụ nội địa, hơn nữa người tiêu dùng Trung Quốc đang dần ít có nhu cầu với các mặt hàng xa xỉ.
Cũng theo Jonathan Hsu, các nhà đầu tư đang có xu hướng đầu tư vào các thành phố loại 2. Các thị trường mới nổi tại khu vực Đông Nam Á, như là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn tại Indonesia, Malaysia và Philippines sẽ có sức hút đầu tư vì nhu cầu hàng tiêu dùng đang tăng cao cộng với việc nới lỏng các điều luật cho nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào năm sau. Việc xây dựng trung tâm mua sắm hiện đại giúp cho các nhà bán lẻ có thêm nhiều sự lựa chọn khi đầu tư vào những thị trường kể trên.
Tuy nhiên, các nhà bán lẻ sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách, bao gồm chi phí vận hành tăng cao, thương mại điện tử phát triển nhanh chóng và người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn, càng làm cho mức độ cạnh tranh của thị trường tăng cao.
Theo Sebastian Skiff, Giám đốc điều hành Dịch vụ Bán lẻ của CBRE, mức độ cạnh tranh cao là điều hiển nhiên trong trung tâm mua sắm, nơi mà các chủ đầu tư sẽ phải sử dụng hàng loạt chiến lược để đảm bảo rằng họ vẫn thu hút được người tiêu dùng và người thuê.
>> Đầu tư, đầu cơ bất động sản sẽ tăng cao?
Theo Nam Long