Bức tranh sáng màu nền kinh tế Việt Nam trên báo nước ngoài

08/02/2016 18:47 PM |

Báo giới quốc tế có cái nhìn khá lạc quan về kinh tế Việt Nam, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài và tận dụng cơ hội từ thương mại tự do.

Kinh tế tăng trưởng mạnh

Trong một bài viết đăng tải gần đây, trang Bloomberg nhận định, trong khi các nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới như Nga, Brazil và Trung Quốc đang chững lại thì nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ổn định ở mức gần 7% trong năm 2016, giúp Việt Nam lọt vào nhóm những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Theo Bloomberg, gia tăng nhu cầu nội địa và bùng nổ đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đang giúp Việt Nam chống lại những mối đe dọa từ nền kinh tế toàn cầu như làn sóng bán tháo chứng khoán và tình trạng phá giá đồng tiền trong năm vừa qua.

Theo số liệu do chính phủ công bố, tiêu dùng cá nhân của Việt Nam tăng 9,3% trong năm qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài được giải ngân tăng 17,4% đến mức cao kỷ lục 14,5 tỷ USD.

Kênh Channel News Asia cũng đăng tải bài viết ‘mổ xẻ’ công thức thành công của kinh tế Việt Nam. Theo kênh thông tin này, chính sự tăng trưởng mạnh từ xuất khẩu và đầu tư nước ngoài là những yếu tố then chốt giúp Việt Nam đi ngược với xu hướng suy thoái kinh tế trong khu vực.


Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài

Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài

Trong bài viết nhan đề “Vì sao kinh tế Việt Nam tăng mạnh hơn các nước Đông Nam Á khác”, Channel News Asia bình luận tăng trưởng kinh tế của hầu hết các quốc gia Đông Nam Á trong năm 2015 bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái kinh tế toàn cầu và khủng hoảng kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam dường như không nằm trong vòng xoáy này.

Channel News Asia cho hay, tốc độ tăng trưởng GDP ba tháng cuối năm 2015 của Việt Nam đạt 7,01%, cao hơn so với tỉ lệ 6,9% cùng kỳ năm trước đó, đồng thời là mức tăng cao kỷ lục trong vòng 5 năm qua. Điều này giúp Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng về tăng trưởng GDP tại Đông Nam Á.

Chìa khóa thành công

Theo Channel News Asia, lĩnh vực của Việt Nam có tốc độ phát triển tốt hơn các quốc gia lân cận chính là xuất khẩu. Sức mạnh của thương mại Việt Nam đến từ thành công trong việc đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu theo hướng tập trung vào hàng điện tử và may mặc.

Ngoài các đa dạng hóa hàng hóa xuất khẩu, Việt Nam còn đa dạng hóa cả thị trường xuất khẩu, Channel News Asia dẫn đánh giá của chuyên gia kinh tế trưởng Glenn Maguire của ANZ cho hay.

Giới quan sát còn đánh giá rằng Việt Nam, với dân số khoảng 90 triệu người, cũng đang tăng trưởng tốt nhờ nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng kỷ lục.

Channel News Asia đánh giá, sự hấp dẫn ngày càng tăng của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài xuất phát từ vị trí địa lý thuận lợi, nhân công và chi phí hoạt động giá rẻ, cũng như việc Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ngoài ra, báo chí nước ngoài còn ca ngợi về sự phục hồi trong tăng trưởng tín dụng của Việt Nam. Chính phủ đạt được tiến triển khả quan trong việc xóa bỏ nợ xấu, vốn từng là chướng ngại vật lớn đối với tăng trưởng kinh tế trong nước.

Thời báo Tài chính (Financial Times) của Anh đánh giá, nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển nhanh chóng và hấp dẫn các nhà đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu. Từ năm 2003-2014, Việt Nam đã thu hút được hơn 2.000 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó chủ yếu tập trung vào ngành sản xuất với lợi thế nhân lực dồi dào và chi phí rẻ.


Môi trường kinh doanh ổn định, nguồn nhân công dồi dào, giá rẻ là một trong những yếu tố “hút” các nhà đầu tư quốc tế

Môi trường kinh doanh ổn định, nguồn nhân công dồi dào, giá rẻ là một trong những yếu tố “hút” các nhà đầu tư quốc tế

 

Thời báo này cũng cho rằng, Việt Nam tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, giảm thuế doanh nghiệp từ 25% xuống 22% và cải tổ hệ thống thông tin tín dụng. Việt Nam cũng đạt mức điểm cao nhất trong số các quốc gia phát triển và nền kinh tế mới nổi, khi thu hút hơn 100 dự án FDI đầu tư mới trong năm 2014.

Không chỉ dẫn đầu về thu hút vốn FDI, Việt Nam còn được coi là thị trường đầy tiềm năng đối với các nhà đầu tư chứng khoán.

Bloomberg dẫn lời của đại diện một số công ty quản lý quỹ nước ngoài cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ duy trì xu hướng tăng mạnh nhất Đông Nam Á khi kế hoạch nới trần sở hữu (room) và sự khởi sắc của nền kinh tế đang tạo sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Hãng tin này cho hay, từ đầu năm, chỉ số VN-Index đã tăng 11% - mức cao nhất trong vòng 5 năm, trong khi chỉ số MSCI Southeast Asia Index của thị trường chứng khoán khu vực Đông Nam Á sụt 12%.

Giá cổ phiếu của Việt Nam hiện rẻ hơn 18% so với giá cổ phiếu trong khu vực, Bloomberg cho hay. Hãng tin này coi đầu tư nước ngoài là một trong những nhân tố quan trọng nhất đối với sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tờ báo Telegraph uy tín của nước Anh nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam sắp khởi sắc vì sắp được nâng hạng từ “sơ khai” lên “mới nổi” sau quyết định nới room cho các nhà đầu tư nước ngoài mới đây. Sự chuyển biến tích cực này sẽ giúp Việt Nam có đủ điều kiện hình thành một sân chơi rộng lớn cho giới đầu tư.

Kênh thông tin Wall Street Journal (WSJ) cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng bị thu hút bởi thị trường chứng khoán Việt Nam. Nguồn vốn khủng trị giá hàng tỷ USD sắp đổ vào chứng khoán Việt Nam trong tương lai gần.

Sức ép cải cách

Tờ The Hill của Mỹ vừa đưa ra đánh giá của Viện chính sách tiến bộ Mỹ cho rằng, Việt Nam hưởng lợi lớn từ các hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội từ các hiệp định này, đặc biệt là TPP, Việt Nam buộc phải cải cách.

Theo kết quả nghiên cứu về tác động của các hiệp định thương mại tự do lên một số nền kinh tế, trong đó có Việt Nam, Viện chính sách tiến bộ Mỹ (Progressive Policy Institute - PPI) cho rằng, Việt Nam sẽ được hưởng lợi đáng kể từ cải cách trên nhiều lĩnh vực mà quốc gia này thực hiện để đáp ứng với các hiệp định thương mại tự do được ký kết ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

PPI nhận định, Việt Nam bắt buộc phải thực hiện cải cách trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc điều chỉnh khuôn khổ pháp lý, để phù hợp với các đối tác tham gia Hiệp định TPP. Ngoài ra, Việt Nam cũng phải thực hiện các cam kết theo hiệp định thương mại thế hệ mới với Liên minh châu Âu (EU).

Theo Trần Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM