Bộ Tài chính trần tình vụ doanh nghiệp "làm 10 đồng, thuế ăn 4 đồng"
Lên tiếng về dư luận gần đây cho rằng, doanh nghiệp làm 10 đồng, thuế "ăn" 4 đồng, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, việc gộp cả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn để cho rằng thuế "ăn" là không chính xác.
Dẫn lại thông tin trên báo chí cho rằng doanh nghiệp Việt Nam đang phải dành gần 40% lợi nhuận để nộp thuế, đại diện Bộ Tài chính cho hay, thực tế các khoản đóng góp được phía doanh nghiệp nêu bao gồm cả: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phí công đoàn,...
Các khoản đóng góp trên - theo lãnh đạo bộ - là không thuộc về khoản huy động tài chính của Nhà nước mà đây là các khoản đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động nhằm bảo đảm các chính sách an sinh cho bản thân người lao động.
Bởi vậy, đại diện Bộ Tài chính khẳng định, việc gộp cả những khoản đóng góp này vào để cho rằng thuế "ăn" là không chính xác.
Riêng với thuế, phí, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, để so sánh, các quốc gia thường sử dụng tiêu chí về tỷ lệ phần trăm giữa số huy động từ lĩnh vực trên với tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
"Theo số liệu thống kê thì tỷ trọng tổng số thu ngân sách Nhà nước trên GDP của Việt Nam giai đoạn năm 2011-2015 khoảng 23,3%, trong đó tỷ lệ động viên từ thuế, phí khoảng 20,9%," báo cáo của ngành tài chính nêu rõ.
Không đánh giá đây là tỷ lệ cao hay thấp nhưng thông cáo của Bộ Tài chính có nêu lên tỷ trọng này ở các nước khác cùng giai đoạn trên như Thái Lan là 23%, Indonesia là 16,6%, Lào 23,4%, Malaysia là 24,5%, Ấn Độ là 19,5%...
"Nếu loại trừ thu từ dầu thô thì tỷ lệ động viên ngân sách từ thuế, phí tính chung ở Việt Nam khoảng 17,2% GDP. Và nếu tiếp tục loại trừ thu từ tiền sử dụng đất thì tỷ lệ động viên ngân sách từ thuế, phí ở Việt Nam vào khoảng 15,6%," thống kê của Bộ Tài chính nêu.
Cũng theo đại diện Bộ Tài chính, tỷ lệ động viên của các sắc thuế chính ở Việt Nam hiện đang ở "mức thấp và đang được điều chỉnh theo xu hướng giảm dần."
Cụ thể, với thuế thu nhập doanh nghiệp, mức thuế suất phổ thông từ năm 2014 là 22% và từ 1/1/2016 xuống mức 20% và mức thuế suất ưu đãi là 10% và 17%.
"Nếu so với mức bình quân chung của 83 nước trên thế giới là 27%; so với một số nước trong khu vực có mức thuế suất phổ thông 30% như Philippines, Thái Lan, Trung Quốc 25%, Malaysia 25% thì mức thuế suất phổ thông của Việt Nam được đánh giá là thấp," đại diện ngành tài chính đánh giá.
Tương tự, với thuế giá trị gia tăng, hiện nay, mức thuế suất phổ thông ở Việt Nam là 10% (cùng với mức thuế suất 5% được áp dụng cho nhiều loại hàng hóa, dịch vụ). Trong khi ấy, theo thống kê về thuế suất thuế giá trị gia tăng của 112 nước trên thế giới thì có 88 nước có mức thuế suất từ 12% đến 25%, còn lại 24 nước phổ biến ở mức 10%,...
Trước đó, trong báo cáo Doing Business được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, doanh nghiệp Việt Nam phải dành 39,4% lợi nhuận để nộp thuế và một số khoản chi trả khác. Theo cách tính của WB, các khoản được xem là thuế bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế môn bài, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...
Qua đó, một số ý kiến đã cho rằng, tỷ lệ trên vượt quá mức chịu đựng của doanh nghiệp làm ảnh hưởng tới sức cạnh tranh và là một trong những nguyên nhân khiến số doanh nghiệp Việt Nam giải thể, dừng hoạt động tăng cao./.