Bộ Tài chính lo biến động tỷ giá tác động tới nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ

25/05/2015 12:12 PM |

Báo cáo Quốc hội về nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ vẫn trong giới hạn cho phép, song đang có xu hướng gia tăng.

Nội dung nổi bật:

- Bộ trưởng Tài Chính Đinh Tiến Dũng cho biết đến cuối năm 2013, dư nợ công tăng khá nhanh (năm 2010/2009 tăng 27%; năm 2011/2010 tăng 24,8%; năm 2012/2011 tăng 18,3%; năm 2013/2012 tăng 18,6%).

- Khi có sự gia tăng lãi suất trên thị trường vốn quốc tế sẽ làm tăng nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ. Với mức dư nợ nước ngoài chiếm khoảng 50% tổng dư nợ Chính Phủ, nếu có sự biến động bất lợi về tỷ giá ngoại tệ có thể thúc đẩy gia tăng nợ công, nợ Chính phủ và nghĩa vụ trả nợ tương ứng

- Một nguyên nhân nữa là việc huy động, sử dụng vốn vay chưa hợp lý, phân bổ dàn trải, tập trung vào việc tăng quy mô mà chưa đề cao hiệu quả.


Trong đó, dư nợ nước ngoài chiếm khoảng 50% tổng dư nợ Chính phủ, nếu có sự biến động bất lợi về tỷ giá ngoại tệ có thể thúc đẩy gia tăng nợ công, nợ Chính phủ và nghĩa vụ trả nợ tương ứng”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng lo ngại.

Nợ công đang tiến sát trần

Bộ trưởng cho biết đến cuối năm 2013, dư nợ công tăng khá nhanh (năm 2010/2009 tăng 27%; năm 2011/2010 tăng 24,8%; năm 2012/2011 tăng 18,3%; năm 2013/2012 tăng 18,6%).

Theo bộ trưởng, có 3 nguyên nhân tác động tới nợ công. Thứ nhất, nguồn thu ngân sách gặp khó khăn, chỉ đạt khoảng 95% mục tiêu do khủng hoảng tài chính thế giới, kinh tế trong nước suy giảm.

Thứ hai, sức ép về nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển rất lớn, đặc biệt là cơ sở hạ tầng và đây là nguyên nhân chính dẫn đến nợ công gia tăng trong thời gian qua.

Thứ ba, giá trị VND liên tục suy giảm trong thời gian qua. Mặc dù cuối năm 2012 đã có tín hiệu cải thiện nhưng chưa thật sự bền vững nên đã làm cho trị giá các khoản dư nợ công bằng ngoại tệ quy đồng Việt Nam tăng lên.

"Việc nợ công đang tiến dần tới ngưỡng cần được chú ý và giám sát chặt chẽ”, bộ trưởng cảnh báo.

Ngoài ra, ông Dũng cũng lưu ý nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ tuy vẫn trong giới hạn cho phép, song đang có xu hướng gia tăng. Năm 2013 là 12,6%; năm 2014 là 13,8% và dự kiến năm 2015 là 16,1% so với thu Ngân sách Nhà nước (giới hạn cho phép không quá 25% thu Ngân sách Nhà nước hàng năm).

Bộ trưởng cho biết trong danh mục nợ nước ngoài của Chính phủ có gần 10% dư nợ vay với lãi suất thả nổi. Bên cạnh đó, Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp cũng đang đặt ra thách thức trong tiếp cận nguồn vốn ODA với thời hạn vay dài, lãi suất thấp (vay ngân hàng thế giới từ 0%/năm tăng lên 1,25%/năm; vay ngân hàng phát triển Châu Á từ mức khoảng 1-1,5%/năm tăng lên 2%/năm).

"Vì vậy, khi có sự gia tăng lãi suất trên thị trường vốn quốc tế sẽ làm tăng nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ. Ngoài ra, với mức dư nợ nước ngoài chiếm khoảng 50% tổng dư nợ Chính phủ, nếu có sự biến động bất lợi về tỷ giá ngoại tệ có thể thúc đẩy gia tăng nợ công, nợ Chính phủ và nghĩa vụ trả nợ tương ứng”, ông Dũng bình luận.

Do vậy, Bộ trưởng khuyến nghị Chính phủ chủ động bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước trong giới hạn quy định (không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước) và sử dụng Quỹ tích lũy trả nợ để đảm bảo trả nợ đúng hạn.

“Tăng cường quản lý nợ nước ngoài của quốc gia, nhất là việc vay ngắn hạn của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng để đảm bảo các chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép. (Nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ dưới 25%)”, ông Dũng đề xuất.

Vì sao nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ tăng?

Bộ trưởng lý giải nguyên nhân chủ yếu khiến nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ tăng là do thị trường vốn trong nước còn chưa phát triển, đối tượng mua trái phiếu Chính phủ phần lớn là các ngân hàng thương mại.

Trong khi cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng thương mại chủ yếu là không kỳ hạn hoặc có thời hạn ngắn dẫn đến kỳ hạn trái phiếu của Chính phủ phần lớn là ngắn hạn. Do vậy áp lực về vay mới để trả các khoản vay cũ trong nước là tương đối lớn.

Nợ công giai đoạn 2010 - 2013 (nguồn Bộ Tài chính)

Nợ công giai đoạn 2010 - 2013 (nguồn Bộ Tài chính)

Một nguyên nhân nữa là việc huy động, sử dụng vốn vay chưa hợp lý, phân bổ dàn trải, tập trung vào việc tăng quy mô mà chưa đề cao hiệu quả.

"Nguyên nhân là do khâu huy động, phân bổ sử dụng mới căn cứ vào đề xuất của các Bộ, ngành, địa phương, chưa đặt trong mối quan hệ chặt chẽ và cân đối với các nguồn vốn đầu tư khác, chưa bám sát vào các hạn mức nợ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và xác định mức vay nợ phù hợp với khả năng trả nợ của Chính phủ”, ông Dũng giải thích.

Ông Dũng nêu thực trạng về việc tổng dự toán vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài ghi trong dự toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước rất thấp, không đúng với giải ngân thực tế gây nên tình trạng bị động trong cân đối vốn đối ứng, tạm ứng các hợp đồng.

"Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm và hiện nay các cơ quan thẩm tra của Quốc hội cũng đã có yêu cầu cần phải báo cáo Quốc hội khi số chi tiêu vượt dự toán để Quốc hội xem xét cho phép điều chỉnh trước khi thực hiện”, ông Dũng nói.

Một thực tế nữa, đó là vẫn còn có một số dự án gặp khó khăn trả nợ, phải ứng ra từ Quỹ Tích lũy trả nợ để cho vay các dự án trả nợ nước ngoài, gia hạn nợ hoặc tái cơ cấu tài chính, chuyển sang cơ chế đầu tư vốn nhà nước gây sức ép tăng nghĩa vụ chi trả nợ trực tiếp của Chính phủ.

"Qua đánh giá sơ bộ, nếu xét theo ngành, lĩnh vực cho vay lại thì phần lớn các dự án vay lại gặp khó khăn thuộc các ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, cấp nước, sản xuất vật liệu xây dựng và xây dựng đường cao tốc. Nguyên nhân phát sinh cả từ các nguyên nhân chủ quan và khách quan”, ông Dũng bình luận.

Về chủ quan là do dự án không được chuẩn bị kỹ, không nghiên cứu kỹ khả năng hoàn vốn, lựa chọn thiết bị mua sắm không phù hợp, giá thành cao; trách nhiệm này thuộc về cơ quan thẩm định, quyết định đầu tư, chủ dự án và người vay lại nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.

Về nguyên nhân khách quan do thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp hoặc giảm giá. Ví dụ dự án cà phê Buôn Mê Thuột (vay ODA Đức) gặp khó khăn do giá cà phê giảm; dự án dâu tằm tơ (vay Italia) diện tích trồng dâu bị thu hẹp, giá tơ giảm; dự án đường cao tốc không thu đủ phí để trả nợ đến hạn phải chuyển sang đầu tư vốn nhà nước.

“Ngoài ra, còn do các nguyên nhân khác như tỷ giá ngoại tệ/VND biến động mạnh theo hướng làm tăng dư nợ của các dự án vay lại bằng ngoại tệ và không cân đối được với doanh thu của dự án bằng VND; môi trường kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước không thuận lợi, khủng hoảng tài chính ảnh hưởng đến thị trường đầu ra, đầu vào của sản phẩm (nông sản, đóng tàu, xi măng ...) và chính sách giá cả của Nhà nước (điện, nước sạch…), giá sản phẩm chưa phản ánh đầy đủ chi phí sản xuất, doanh nghiệp vay vốn hoạt động khó khăn trả nợ”, Bộ trưởng đánh giá.

>> HSBC: 'Nỗi lo mất năng lực cạnh tranh xuất khẩu của VN đang bị phóng đại quá mức'

Theo Minh Huệ

Cùng chuyên mục
XEM