Tỷ giá tăng là sự biến động bình thường của nền kinh tế

11/05/2015 08:03 AM |

Tăng tỷ giá đồng USD lên 1%, DN xuất khẩu thì vui mừng ra mặt, trong khi nhập khẩu lại “lo lắng” vì đội giá thành...

Nội dung nổi bật:

- Việc sử dụng hết “room” điều chỉnh tỷ giá, NHNN sẽ phải đứng trước nhiều sức ép từ nay đến cuối năm, và nhiệm vụ của NHNN sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Song cũng phải nhìn nhận rằng, câu chuyện điều hành tỷ giá năm nay phức tạp hơn, không hề dễ dàng.

- Tăng tỷ giá có tác động tích cực đến xuất khẩu, nhưng không quá nhiều, vì:

+ Khi Việt Nam muốn đẩy mạnh xuất khẩu, đồng nghĩa với việc sẽ phải đẩy mạnh nhập khẩu. Khi nhập khẩu tăng trong bối cảnh đồng USD tăng thì lại chịu ảnh hưởng tiêu cực. Do vậy, dù tỷ giá tăng có tác động tích cực đến xuất khẩu thật, nhưng rõ ràng nó cũng không có tác động nhiều đến thương mại.

+ Về cấu trúc nền kinh tế, hiện nay, khối DN FDI chiếm tới 2/3 doanh số xuất khẩu, vì vây, việc tăng tỷ giá dù có lợi cho xuất khẩu, nhưng phần lớn rơi vào nhóm FDI, và DN trong nước không được hưởng lợi nhiều như mong muốn.


Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia ngân hàng - TS. Cấn Văn Lực - cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT BIDV, hàm Phó Tổng Giám đốc, kiêm Giám đốc Trường đào tạo cán bộ BIDV, về những tác động hai chiều và phản ứng trái ngược trên thị trường tài chính này.

Tăng tỷ giá hỗ trợ xuất khẩu

* Thưa T.S Cấn Văn Lực, việc nâng tỷ giá của NHNN là do sự dồn nén của thị trường. Đằng sau một quyết định, sẽ có người vui, kẻ buồn, nhưng nền kinh tế rõ ràng được “tháo gỡ”?

TS. Cấn Văn Lực: Đúng vậy, động thái này thể hiện tính chủ động của NHNN. Chủ động ở đây thể hiện nó đáp ứng phần nào tâm lý kỳ vọng của thị trường. Nó cũng khá phù hợp về mặt thời điểm, khi quan hệ cung - cầu ổn, cộng với yếu tố khách quan bên ngoài: đồng USD tiếp tục tăng giá so với các đồng ngoại tệ - từ đầu năm đến giờ USD tăng 5%, so với đồng yên Nhật tăng 2%, so với EUR tăng khoảng 6-7%...

* Có ý kiến cho rằng chỉ nên điều chỉnh 0,25% hoặc 0,5%?

Một số chuyên gia đề xuất điều chỉnh dần dần, nhỏ giọt, nhưng mỗi cách điều chỉnh đều có 2 mặt của nó. Việc điều chỉnh 1% thể hiện tính quyết liệt, động thái mạnh của NHNN, tạo ra thông điệp rõ ràng, cụ thể đối với thị trường, để các DN có kế hoạch tài chính, kinh doanh rõ ràng, đặc biệt là 6 tháng cuối năm.

* Thưa ông, DN xuất khẩu sẽ được lợi gì?

Tăng tỷ giá sẽ góp phần hỗ trợ xuất khẩu, giúp giá trị xuất khẩu cạnh tranh hơn và thúc đẩy xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh 4 tháng đầu năm, xuất khẩu chỉ tăng 8%, mức tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với nhập khẩu. Riêng đối với nhập khẩu, rõ ràng là nó sẽ khiến cho chi phí nhập khẩu tăng, nhưng điều này cũng tốt vì nó sẽ giúp giảm nhập khẩu, giảm nhập siêu.

* Tức là với nền kinh tế, việc tăng tỷ giá là rất tích cực?

Theo tôi, việc tác động tích cực ở mức độ nào còn phải xét thêm 2 yếu tố. Một là cấu trúc ngành hàng của Việt Nam: Việt Nam xuất khẩu nhiều nhưng nhập khẩu cũng nhiều. Những mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên vật liệu để sản xuất ra hàng xuất khẩu, chiếm tới 70% nguyên liệu.

Vì thế, khi Việt Nam muốn đẩy mạnh xuất khẩu, đồng nghĩa với việc sẽ phải đẩy mạnh nhập khẩu. Khi nhập khẩu tăng trong bối cảnh đồng USD tăng thì lại chịu ảnh hưởng tiêu cực. Vì sự tương tác hai chiều này mà dù tỷ giá tăng có tác động tích cực đến xuất khẩu thật, nhưng rõ ràng nó cũng không có tác động nhiều đến thương mại.

Thứ 2 là về cấu trúc nền kinh tế, hiện nay, khối DN FDI chiếm tới 2/3 doanh số xuất khẩu, vì vây, việc tăng tỷ giá dù có lợi cho xuất khẩu, nhưng phần lớn rơi vào nhóm FDI, và DN trong nước không được hưởng lợi nhiều như mong muốn. Tóm lại, kết luận là có tác động tích cực đến xuất khẩu, nhưng không quá nhiều.

* Thưa ông, nhiều ý kiến lo ngại tăng tỷ giá sẽ đẩy nợ công và lạm phát tăng cao?

Chắc chắn sẽ tác động đến nợ nước ngoài của Việt Nam, gánh nặng nợ nần cao hơn. Nhưng nợ nước ngoài là nợ dài hạn, lãi suất thấp, 6 tháng trả nợ 1 lần, nên không ảnh hưởng nhiều. Còn về lạm phát, tỷ giá thay đổi, khiến cho giá hàng hóa đắt đỏ hơn, nguyên liệu đắt đỏ hơn. DN sẽ tính vào chi phí sản phẩm, từ đó đẩy giá cả thị trường tăng lên, đẩy lạm phát tăng lên.

Mức độ tăng bao nhiêu % tùy vào ngành hàng: nguyên liệu nhập khẩu nhiều thì sẽ tăng nhiều, nguyên liệu trong nước thì sẽ tăng ít hơn. Song, một điều đáng nói là chúng ta vừa chứng kiến sự tăng giá của các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu. Vì đây là 2 mặt hàng thiết yếu tác động đến sản xuất kinh doanh nên khi nó tăng giá sẽ khiến cho giá cả tăng lên theo. Việc giá USD tiếp tục tăng cao trong bối cảnh 2 mặt hàng này tăng cao sẽ tạo nên sự cộng hưởng, gây áp lực lên lạm phát.

Ngoài ra, tôi cũng muốn nói thêm về sự tác động đối với thị trường vàng. Vì USD và vàng liên thông với nhau, nên hai mặt hàng này chịu sự tác động trực tiếp của nhau. Chỉ có điều Việt Nam thì trái ngược với Mỹ. Nếu như ở Mỹ, USD tăng giá, đồng nghĩa với nền kinh tế tốt lên, sẽ đẩy giá vàng xuống. Còn ở Việt Nam, USD tăng sẽ khiến giá vàng tăng lên theo, do Việt Nam dùng USD để mua vàng.

Gửi tiền VNĐ vẫn có lợi

* Trở lại với các DN, việc tăng tỷ giá đang gây áp lực lớn cho những người vay vốn bằng ngoại tệ?

Đây là điều đương nhiên. Khi tỷ giá tăng, dư nợ của DN vay vốn bằng USD bị đội lên cao, đương nhiên ảnh hưởng đến vấn đề trả nợ. Tuy nhiên, như tôi đã nói, việc tăng tỷ giá trong bối cảnh đồng USD thế giới tăng cao là tất yếu, và ngay chính bản thân các DN khi vay vốn bằng USD cũng phải có tính toán sự trượt giá này rồi.

* Với nhiều người dân có tiền nhàn rỗi gửi ngân hàng, thì họ sẽ chịu nhiều thiệt thòi, nhất là khi USD tăng sẽ gây áp lực giảm lãi suất?

Thực ra, việc tăng tỷ giá sẽ không tác động nhiều vì lãi suất USD cố định. Còn đối với lãi suất Việt Nam đồng (VNĐ), cũng không ảnh hưởng nhiều, vì chỉ tăng 1%. Nếu mức tăng 3-5% thì chắc chắn sẽ có sự dịch chuyển giữa tiền đồng và tiền USD, nhưng chỉ 1% thì không đáng kể, và người gửi tiền vẫn gửi ở ngân hàng thôi.

* Thực tế nhiều người đang rất lo lắng, vì VNĐ đang mất giá, liệu lãi suất thực dương với khoản tiền gửi trong ngân hàng có còn như kỳ vọng?Và cũng không ít người muốn tìm một kênh đầu tư khác?

VNĐ so với USD thì giảm 1%, nhưng với người gửi tiền, họ không thể quy đổi từ VNĐ ra USD được, vì dù rút tiền về, họ vẫn chi tiêu bằng VNĐ, nên theo tôi tác động không nhiều. Nếu rút tiền về để mua USD gửi ngân hàng là không nên, vì lãi suất USD rất thấp, nên gửi tiền Việt vẫn có lợi hơn. Còn lãi suất thực dương hay không thì phải so sánh với lạm phát.

Hiện lạm phát đang ở mức thấp và sẽ tiếp tục giữ mức thấp. Vì thế, người có tiền chưa biết đầu tư vào đâu thì gửi ngân hàng vẫn có lợi. Việc tìm kênh đầu tư khác có thể có, nhưng không nhiều. Một người muốn dịch chuyển, phải có chỗ để đầu tư, mà trong thời điểm hiện nay, đầu tư vào đâu không hề dễ, và quan trọng là “khẩu vị rủi ro” của người có tiền.

Tôi cho rằng mỗi người phải tự xác định việc tỷ giá thay đổi là điều hết sức bình thường của bất kỳ nền kinh tế nào. So sánh cho thấy trong vòng 1 năm nay, từ tháng 5/2014 đến 5/2015, đồng yên đã mất giá 17% so với USD, trong khi Euro mất tới 21%, đô Singapore mất 6,7% và đồng bạt Thái Lan mất 2,4%...

Trong khi đó, cả năm 2014, VNĐ mất giá chưa đầy 2% và năm 2015, tỷ giá hiện vẫn đang được giữ đúng cam kết trong vòng 2%. Bởi vậy, người dân nên nghe ngóng tín hiệu từ nền kinh tế trong và ngoài nước, định hướng của Chính phủ cũng như cam kết giữ tỷ giá 2% của NHNN. Từ giờ đến cuối năm, tỷ giá và lạm phát, lãi suất về cơ bản kiểm soát tốt: lãi suất giảm dần, tỷ giá ổn định.

* Thực ra nhiều người lo ngại vì “room” 2% đã được dùng hết. Liệu NHNN có giữ được ổn định tỷ giá đến hết năm?

Việc sử dụng hết “room” điều chỉnh tỷ giá, NHNN sẽ phải đứng trước nhiều sức ép từ nay đến cuối năm, và nhiệm vụ của NHNN sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Song cũng phải nhìn nhận rằng, câu chuyện điều hành tỷ giá năm nay phức tạp hơn, không hề dễ dàng. Tất nhiên, việc điều chỉnh nữa hay không sẽ do thị trường quyết định, chúng ta không thể “phán” trước. Đặc biệt là trong bối cảnh giá dầu, giá USD khó dự đoán trước.

Biên độ điều chỉnh tỷ giá 2% mà NHNN đặt ra đầu năm là trong bối cảnh cũ, khi USD và giá dầu chưa có nhiều biến động. Việc định hướng này có tác dụng rất tốt cho các DN trong lập kế hoạch kinh doanh cũng như giảm thiểu rủi ro tỷ giá. Tuy nhiên, trên thực tế, việc điều hành cần phải có sự linh hoạt để bám sát thị trường: theo dõi sự chuyển động khách quan bên ngoài, nhưng cũng phải chủ động trong phối hợp chính sách tiền tệ, tài khóa, đầu tư, thương mại…

* Xin cảm ơn ông!

>> VDSC: Tỷ giá tăng hết biên độ - cái giá của 1 tỷ USD trái phiếu cho Vietcombank

Theo Lệ Thúy

Cùng chuyên mục
XEM