Bộ Công Thương làm gì với chỉ tiêu 2016?

03/01/2016 07:30 AM |

Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng: Nếu thực hiện tốt việc phối hợp với các bộ, ngành liên quan đến xuất nhập khẩu như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính… thì chắc chắn xuất khẩu trong 2016 sẽ có nhiều thuận lợi hơn so với năm 2015.

Năm 2016, chỉ tiêu ngành Công Thương được Quốc hội giao là chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 9-10% so với năm 2015, xuất khẩu đạt 178 tỷ USD tăng 10% so với năm 2015, tỷ lệ nhập siêu duy trì dưới mức 5%. Ông nhìn nhận thế nào về những chỉ tiêu này?

Mục tiêu, chỉ tiêu Quốc hội giao cho ngành Công Thương trong năm 2016 cao hơn nhiều so với năm 2015. Ngay từ lúc này, chúng tôi đã bàn bạc, tính toán đề ra nhiều giải pháp cụ thể để hoàn thành chỉ tiêu này.

Trước hết, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, trong đó có việc tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý, nâng cao chất lượng trong việc xây dựng chiến lược, quy hoạch; tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho hoạt động, sản xuất của doanh nghiệp, tìm kiếm mở rộng thị trường, coi trọng phát triển thị trường trong nước với tiềm năng thị trường trên 90 triệu dân không để xảy ra tình trạng “sốt” giá, thiếu hàng…

Thứ hai, việc tái cơ cấu ngành Công Thương, nhất là tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty sẽ được chú trọng. Sở Công Thương các tỉnh cũng phải tham mưu cho thành phố để thực hiện tái cơ cấu công nghiệp, thương mại của từng địa phương.

Thứ ba, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, trong quá trình thực thi phải làm sao trển khai tốt để tận dụng ưu đãi, đồng thời có biện pháp kịp thời ứng phó phù hợp với thách thức, khó khăn.

Thứ tư, tăng cường cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân nhất là những thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu, thị trường, hội nhập.

Vậy cần có những giải pháp gì để bắt kịp xu hướng hội nhập, thưa ông?

Trong bối cảnh Việt Nam tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), cần tổ chức thông tin tuyên truyền đến doanh nghiệp - đối tượng thực hiện cam kết, đến xã hội, người dân để mọi người hiểu rõ nội dung hiệp định, qua đó sẽ khai thác, tận dụng tốt nhất ưu đãi mà các FTA mang lại cho Việt Nam, đồng thời chủ động có biện pháp ứng phó với thách thức trong quá trình thực hiện phát sinh.

Mặt khác, bên cạnh những khung khổ pháp lý đã có, các FTA đặt ra cho chúng ta yêu cầu cần ban hành luật mới cũng như sửa đổi, bổ sung những luật chưa phù hợp tạo khung khổ thuận lợi cho quá trình hội nhập.

Trong năm 2015, một số ngành của Việt Nam không đạt mục tiêu đề ra. Bộ Công Thương có giải pháp gì để xuất khẩu những ngành hàng này trong năm 2016 này?

Năm 2015 là năm cực kỳ khó khăn đối với xuất khẩu, nhiều mặt hàng có lợi thế giảm giá. Ví dụ như, giá dầu thô giảm tới 70% so với năm 2014, một số mặt hàng nông sản như cà phê, cao su… giảm sâu. Đây là những nguyên nhân khách quan. Nếu những mặt hàng này không giảm giá sâu thì chắc chắn mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu hoàn toàn đạt được.

Để năm 2016 đạt mục tiêu Quốc hội giao thì tôi nghĩ rằng, cần thực thi tốt các FTA, ưu đãi các FTA mang lại, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, thủ tục cấp phép thông thoáng, dễ dàng giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí làm cho hàng hóa cạnh tranh hơn.

Một biện pháp khác cũng là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đối với ngành Công Thương là tìm kiếm thị trường mới như khu vực châu Phi, Liên minh kinh tế Á – Âu, thay vì chú trọng vào các thị trường Mỹ, Đông Bắc Á.

Tôi cho rằng, nếu thực hiện tốt việc phối hợp với các bộ, ngành liên quan đến xuất nhập khẩu như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính… thì chắc chắn xuất khẩu trong 2016 sẽ có nhiều thuận lợi hơn so với năm 2015.

Xin cảm ơn ông!

Theo Phan Thu

Cùng chuyên mục
XEM