9 chính sách chính thức hiệu lực từ tháng 1/2016
Kể từ tháng 1.2016, các chính sách về tăng lương tối thiểu vùng, quy định mới về thuế tiêu thụ đặc biệt, về phát triển công nghiệp hỗ trợ, về bảo hiểm xã hội, thai sản, bán hàng đa cấp, trợ cấp giáo viên… sẽ chính thức có hiệu lực.
1. Tăng lương tối thiểu vùng từ 1.1.2016
Nghị định 122/2015 của Chính phủ quy định, từ ngày 1.1.2016 sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ 2.400.000 đến 3.500.000 đồng/tháng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động.
Trong khi đó, theo một quyết định giữa tháng 12 vừa qua của Thủ tướng, từ ngày 1.5.2016, thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1,15 triệu đồng/tháng lên 1,21 triệu đồng/tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, bảo đảm mức lương của người có hệ số lương từ 2,34 trở xuống không giảm so với mức hiện hưởng.
Ngoài ra, Chính phủ cũng quy định, từ 1.1.2016, sẽ thực hiện điều chỉnh tiền lương đối với người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động dưới 2 triệu đồng/tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian công tác trước năm 1995 để lương hưu của các đối tượng này đạt mức lương cơ sở.
2. Quy định mới về bảo hiểm xã hội
Nghị định số 115/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc có hiệu lực từ 1.1.2016. Nghị định quy định cụ thể về chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; chế độ hưu trí; chế độ tử tuất; quỹ bảo hiểm xã hội.
Cũng theo nghị định, từ ngày 1.1.2016 đến 31.12.2017, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động. Từ ngày 1.1.2018 trở đi tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động.
Trong khi đó, theo Nghị quyết 93/2015 của Quốc hội khoá 13, từ 1.1.2016, người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động. Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm mà chưa đủ 20 năm đóng, khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.
3. Hướng dẫn mới về thuế tiêu thụ đặc biệt
Nghị định số 108/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2016.
Nghị định quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, giá tính thuế; thuế suất, hoàn thuế, khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt.
Một trong những nội dung của nghị định được người dân quan tâm và lo lắng chính là thay đổi thời điểm tính thuế tiêu thụ đặc biệt với xe ôtô nhập khẩu dưới 24 chỗ, qua đó sẽ trực tiếp làm tăng giá xe bán lẻ tới khách hàng.
Trước đây những loại xe này áp thuế tiêu thụ đặc biệt dựa trên giá vốn, nhưng luật mới tính dựa trên mức giá bán buôn tới đại lý, nhưng không được thấp hơn 105% giá vốn.
4. Phụ cấp ưu đãi cho giáo viên
Nghị định số 113/2015/NĐ-CP ngày 9.11.2015 quy định phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập có hiệu lực từ ngày 1.1.2016.
Nghị định quy định, nhà giáo chuyên trách giảng dạy người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập dành riêng cho người khuyết tật hoặc lớp học dành riêng cho người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc mức 0,3 so với mức lương cơ sở và phụ cấp ưu đãi giảng dạy người khuyết tật mức 70% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)...
5. Vợ sinh, chồng được nghỉ
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con cũng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 5 đến 14 ngày. Lao động nam được nghỉ 5 ngày làm việc nếu vợ sinh con. Nếu khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi được nghỉ 7 ngày làm việc.
Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc. Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
Như vậy sau nhiều năm bàn thảo, quy định tiến bộ này lần đầu tiên được đưa vào luật như một sự nhận thức đúng đắn về bình đẳng giới. Điều này ngay cả trong Luật Bình đẳng giới năm 2006 cũng không hề đề cập.
6. Chính sách mới cho công nghiệp hỗ trợ
Có hiệu lực từ 1.1.2016, Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ được Chính phủ ban hành ngày 3.11.2015 với hàng loạt chính sách hỗ trợ, ưu đãi với công nghiệp hỗ trợ. Các chính sách hỗ trợ, ưu đãi này phủ rộng từ khâu nghiên cứu, phát triển cho tới khâu ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất sản phẩm.
Kèm theo nghị định, Chính phủ cũng ban hành danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, gồm 6 nhóm sản phẩm trong các ngành: Dệt may, da giày, điện tử, sản xuất lắp ráp ôtô, cơ khí chế tạo, công nghiệp công nghệ cao.
7. Lập hệ thống thông tin về bất động sản
Có hiệu lực thi hành từ 1.1.2016, Nghị định số 117/2015/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản được ban hành nhằm xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản thống nhất, đủ độ tin cậy để phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành thị trường và phục vụ cho nhu cầu phát triển của xã hội.
Bên cạnh đó, hệ thống thông tin phải phù hợp với yêu cầu thực tiễn và các quy định pháp luật có liên quan; thực hiện các quy định của Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, góp phần hoàn thiện khung pháp lý trong lĩnh vực nhà ở, bất động sản và là cơ sở để tạo hành lang pháp lý theo kịp với tình hình phát triển của thị trường.
8. Xử phạt vi phạm bán hàng đa cấp
Có hiệu lực từ ngày 5.1.2016, Nghị định 124/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15.11.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trong đó, Nghị định sửa đổi xử phạt hành vi vi phạm về hoạt động bán hàng đa cấp. Cụ thể, phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi vi nêu trên trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
9. Định mức trang bị văn phòng
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 58/2015/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng máy móc, thiết bị của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2016.
Theo đó, máy móc, thiết bị của cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định tại Quyết định này bao gồm: Máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến trang bị cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến trang bị để sử dụng tại các phòng làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị; máy móc, thiết bị trang bị để sử dụng cho phòng họp, hội trường, phòng thường trực, phòng lưu trữ và các phòng phục vụ hoạt động chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị; máy móc, thiết bị chuyên dùng trang bị phục vụ hoạt động đặc thù của cơ quan, tổ chức, đơn vị.