Chia sẻ kinh nghiệm làm ăn khi “ra biển lớn”
Hội nhập là ra biển lớn, hãy cùng nhau lên thuyền lớn để đi, tức là các DN phải có sự hợp tác.
Số lượng các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia không ngừng tăng lên trong thời gian vừa qua, góp phần giúp vị thế đất nước nâng lên cao hơn, rộng mở hơn. Làm thế nào để tận dụng tốt các cơ hội, hạn chế thấp nhất các thiệt hại khi “ra biển lớn”? Báo Giao thông ghi nhận ý kiến của đại diện một số doanh nghiệp (DN) chia sẻ những thành công và cả những bài học kinh nghiệm tham gia “sân chơi” toàn cầu này.
Ông Huỳnh Quang Đấu - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Rau quả Thực phẩm An Giang (Antesco):
Đơn hàng nhiều nhưng chỉ nhận theo khả năng
Xuất phát điểm của công ty là cung ứng vật tư, trang thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Từ năm 2000, chúng tôi chuyển đầu tư, sản xuất, chế biến rau quả bằng công nghệ tiên tiến, liên kết hỗ trợ người nông dân từ hạt giống, phân bón để xây dựng vùng nguyên liệu. Tháng 6/2011, Antesco cổ phần hóa. HĐQT có một thành viên đại diện cho cổ phần của người nông dân. Đến thời điểm này, Antesco đã xây dựng được khu nguyên liệu khoảng 10 nghìn ha, tiêu thụ khoảng 150 nghìn-170 nghìn tấn rau quả mỗi năm. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Antesco hiện là châu Âu và Mỹ (chiếm tới 80%), ước tính giá trị xuất khẩu thu về 12 triệu USD/năm. Ngoài các yếu tố như nguyên liệu, thiết bị sản xuất, con người..., chúng tôi còn phải đảm bảo ba tiêu chí: Chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và giá rẻ.
Trái cây tươi của Việt Nam ngon mà lại đa dạng, tuy nhiên khó nhất là khâu bảo quản. Vì thế, chúng tôi đã phân chia làm hai loại để xử lý. Loại thứ nhất lựa những loại trái tự bảo quản tốt như: Thanh long, chôm chôm, xoài... để xuất khẩu quả tươi bằng đường hàng không. Loại thứ hai khó bảo quản, sẽ được chế biến bằng công nghệ đông lạnh IQF hoặc đóng hộp.
Một vấn đề nữa, dù lượng đặt hàng nhiều song lại không đủ vùng nguyên liệu. Do đó, chúng tôi chỉ dám ký mức hợp đồng theo đúng khả năng của mình. Đây cũng chính là yếu tố khiến thời gian qua thương hiệu Antesco được giữ vững chưa từng bị phiền trách về chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, vẫn có tình trạng, thời điểm hàng được giá, DN khác chạy tới sẵn sàng mua giá cao. Chưa hết, họ còn xúi người nông dân xịt thuốc cho trái to, mã đẹp để xuất khẩu... Rõ ràng con sâu làm rầu nồi canh, tự DN mình hại nhau. Ngay trên sân nhà đã vậy, ra thị trường quốc tế còn có chuyện đi cửa sau, bán phá giá...
Hội nhập là ra biển lớn. Muốn vậy thì hãy cùng nhau lên thuyền lớn để đi, tức là các DN phải có sự hợp tác. Về phía Nhà nước cũng cần nhanh chóng quy hoạch vùng nguyên liệu phù hợp với thế mạnh của từng địa phương để bất cứ khi nào DN cần cũng có thể hỗ trợ kịp thời hiệu quả.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI):
Bây giờ không phải thời kỳ đánh du kích
Tham gia các Hiệp định thương mại tự do, chính là Việt Nam đã nâng mình lên đạt chuẩn quốc tế, đồng thời mở ra cơ hội thâm nhập thị trường cho các sản phẩm Việt Nam. Nhưng muốn tận dụng được, các DN Việt Nam phải vượt qua các rào cản mà đầu tiên là xuất xứ.
Bên cạnh đó, các DN phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật như vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo chế độ cho người lao động, không sử dụng lao động trẻ em… Các DN cũng phải tổ chức lại sản xuất, mở rộng thị trường. Sau đó là chọn đối tác và tổ chức sản xuất trong nước thật hợp lý...
Bây giờ không phải thời kỳ đánh du kích mà các DN phải liên kết với nhau để đạt được chuẩn mực quốc tế. Hiện số lượng các DN Việt Nam theo mô hình quản trị gia đình khá nhiều và chưa tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc quốc tế, công nghệ còn lạc hậu, quản trị tài chính còn dễ dãi, kể cả DN lớn. Đồng thời, phải đảm bảo tính minh bạch, công khai. Ví dụ, như người ta muốn mua một mớ rau trong siêu thị thì phải chú ý tới nguồn gốc, tức là hồ sơ để người tiêu dùng hiểu được nguồn gốc của hàng hoá… Như thế, DN mới có thể hội nhập thành công.
Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty may Hưng Yên:
Hãy đứng trên vai những người khổng lồ
Tổng công ty May Hưng Yên đang có 13 đơn vị thành viên, sử dụng khoảng 14 nghìn lao động, kim ngạch xuất khẩu 2015 ước đạt 290 triệu USD, tăng 5% so với năm trước. Hiện các DN ngành Dệt may Việt Nam chỉ có thể nối dài cánh tay của mình thông qua những công ty bán hàng lớn, hãng thời trang nổi tiếng trên thế giới. Thực tế, có tới 90% DN dệt may tại Việt Nam đang làm theo đơn đặt hàng. Do vậy, các DN chủ yếu quan tâm tới đối tác cần gì, chứ chưa có cơ hội tìm hiểu người tiêu dùng trực tiếp sản phẩm của mình muốn gì.
Bởi vậy, các DN trước hết cần cố gắng làm tốt những khâu mình có thế mạnh, để đối tác tin tưởng giao đơn đặt hàng là đã quá thành công rồi. Cụ thể, theo tôi trong điều kiện hiện tại, ngành Dệt may cần đảm bảo 3 yêu cầu: Giá cả cạnh tranh, giao hàng đúng hạn, chất lượng sản phẩm tốt... Đường khôn ngoan nhất cho DN dệt may là hãy chọn khâu nào có giá trị tốt nhất trong chuỗi để mình làm. Hãy đứng trên vai của người khổng lồ, tận dụng thương hiệu nổi tiếng để tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm trên toàn cầu.
Khi tham gia TPP, nhiều người bày tỏ lo ngại cho ngành Dệt may Việt Nam trước quy định đảm bảo xuất xứ. Tuy nhiên, TPP vẫn cho phép trong vòng 5 năm tiếp theo, 183 dòng hàng dệt may tại Việt Nam được phép mua nguyên liệu bất cứ nước nào. Như vậy, chúng ta vẫn có thời gian chuẩn bị đáp ứng điều kiện về nguyên liệu, xác định hướng đầu tư.
Thực tế cho thấy để đầu tư vào các khâu dệt, sản xuất sợi, nhuộm..., ngành Dệt may Việt Nam nói chung và Tổng công ty May Hưng Yên chưa đủ tiềm lực cả về kỹ thuật lẫn tài chính. Vì thế, chúng tôi đang kết nối một số công ty dệt nước ngoài đang có ý định đầu tư tại Việt Nam, thông qua việc góp một phần vốn để xây dựng nhà máy.
Ngoài ra, Nhà nước cũng đã phê duyệt một dự án đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông tại Hải Hậu, Nam Định để thu hút các DN trong và ngoài nước đầu tư vào ngành dệt, nhuộm, hoàn tất. Ngành Dệt may ước tính trong 5 năm tới để đạt tới giá trị kim ngạch xuất khẩu 45 tỷ USD/ năm thì phải đầu tư thêm khoảng 10 tỷ USD cho toàn ngành. Mở rộng đối tác, mở rộng nguồn hàng để không bị lệ thuộc, tránh tình trạng nước tới chân mới nhảy... là hướng dệt may Việt Nam đang đi.
Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thủy sản và thương mại Thuận Phước:
Từ con giống tới bàn ăn...
Thuỷ sản Thuận Phước đến nay đã có 28 năm hoạt động. Từ cuối những năm 80, công ty chúng tôi đã xuất khẩu sang thị trường Nhật và châu Âu. Các đối tác Nhật Bản khi đó đã hướng dẫn chúng tôi từ A tới Z để làm được sản phẩm theo đúng tiêu chuẩn họ yêu cầu. Rồi chúng tôi tìm cách gia nhập thị trường Mỹ. Chúng tôi đi tiếp thị, mở các gian hàng tại các hội chợ. Họ làm thế nào thì mình làm như vậy. Các đối tác thấy hàng của công ty chất lượng, giá cả ổn định nên họ đã đặt những lô hàng lớn hơn. Trên cơ sở đó, chúng tôi quyết định không chỉ chế biến nữa mà thêm khâu nuôi tôm để làm nguyên liệu chế biến. Dần dần chúng tôi được nhiều bạn hàng biết tới. Các đối tác cũng thường xuyên qua kiểm tra và họ cũng chuyển giao công nghệ. Công ty đã mạnh dạn mượn vốn đầu tư máy móc. Đối tác cử người tới chuyển giao, chúng tôi cũng cử người qua học tập. Chất lượng hàng hóa và thương hiệu của Thuận Phước dần dần được nâng cao.
Tuy nhiên, trong cả quá trình đó, không phải tất cả đều thuận lợi. Chúng tôi cũng phải trả giá như bài học về xuất xứ, đền bù khi thiếu hàng…
Hiện nay, công ty sản xuất theo hướng từ con giống tới bàn ăn để nâng cao giá trị gia tăng từ 2 đến 3 lần. Chúng tôi đa dạng sản phẩm chế biến từ tôm để người tiêu dùng có nhiều cơ hội lựa chọn. Nhưng trong cả quá trình ấy, trên hết vẫn là đảm bảo về chất lượng sản phẩm.
Bài học hội nhập của Thuận Phước là DN không thể một mình đứng giữa thương trường mà phải cùng đối tác làm, cùng chia sẻ rủi ro, lợi nhuận. Trong quá trình làm cần phải chấp nhận yêu cầu của đối tác một cách đầy đủ, trách nhiệm, tận tình và chấp nhận luật pháp của nước sở tại cũng như những công ước quốc tế mà họ tham gia.